ĐNO - Từ năm 2018, Bộ Y tế sẽ triển khai 3 loại vaccine mới trong tiêm chủng mở rộng (TCMR), trong đó có loại do chính Việt Nam sản xuất theo công nghệ Nhật Bản.
Năm 2018 sẽ có 3 loại vắc-xin mới được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong ảnh: Tư vấn tiêm chủng mở rộng tại Trung tâm Y tế dự phòng. |
Việc thay đổi này không ảnh hưởng đến quá trình, chất lượng TCMR. Một số trẻ đang trong đợt tiêm chủng vaccine cũ vẫn được tiếp tục bằng vaccine mới thay thế, không phải tiêm lại từ đầu.
Trao đổi với Báo Đà Nẵng, ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, một điểm đáng chú ý trong chương trình TCMR năm 2018 là đây là lần đầu tiên vaccine Sởi-Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất sẽ thay thế MRVAC do Ấn Độ sản xuất được sử dụng trong giai đoạn trước đó.
Từ tháng 2-2018, đã có gần 7.800 trẻ em (18-24 tháng tuổi) tại 4 địa phương Nam Định, Khánh Hòa, Đắk Nông và Bà Rịa-Vũng Tàu tiêm vaccine mới này và cho thấy tính an toàn của vaccine MRVAC do Việt Nam sản xuất tương tự như chủng loại vaccine đã được sử dụng trước đó.
“Từ tháng 4-2018 vaccine MRVAC do Việt Nam sản xuất sẽ được triển khai trong tiêm chủng thường xuyên trên toàn quốc. Đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 50.000 trẻ tại 19 địa phương được tiêm chủng và chúng tôi không ghi nhận bất kỳ trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng nào”, ông Anh cho biết.
Tại hội thảo truyền thông về một số vaccine mới diễn ra ở Đà Nẵng ngày 17-4, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, từ tháng 8 tới, vaccine bại liệt tiêm IPV sẽ được triển khai trong chương trình TCMR. Đây là vaccine bất hoạt, chứa các tuýp virus bại liệt đã chết, được sử dụng dưới dạng vaccine tiêm.
Theo đó, vaccine bại liệt tiêm IPV sẽ được sử dụng cùng với vaccine bại liệt uống OPV cho trẻ dưới 1 tuổi trong lịch tiêm chủng thường xuyên. Nhờ triển khai uống vaccine phòng bệnh bại liệt và nhiều năm duy trì tỷ lệ uống vaccine ở mức cao trên 90%, bệnh bại liệt đã dần được khống chế tại Việt Nam từ năm 2000.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, vaccine bại liệt tiêm IPV sẽ được triển khai nhằm duy trì thành quả này.
Một thông tin đáng chú ý khác là theo Bộ Y tế, dự kiến đến cuối tháng 5 tới, vaccine Quinvaxem 5 trong 1 (phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do khuẩn Hib) cho trẻ dưới 1 tuổi sẽ ngừng sản xuất.
Do đó, từ đầu tháng 6, Bộ Y tế chuyển đổi, sử dụng vaccine ComBE Five nhằm thay thế vaccine Quinvaxem với những thành phần và hiệu quả phòng bệnh tương tự. Theo bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, vaccine Combe Five có dạng trình bày tương tự vaccine Quinvaxem, được đóng 1 liều/lọ và có gắn chỉ thị nhiệt độ để giám sát việc tiếp xúc với nhiệt độ của từng lọ vaccine trong quá trình bảo quản, vận chuyển trước khi sử dụng.
“Vaccine này cũng đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới, được sử dụng tại hơn 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều”, bà Hồng cho biết.
Được biết, từ tháng 9-2016 đến 1-2017, vaccine Combe Five đã được sử dụng tại tỉnh Hà Nam. Sau tiêm chủng, cơ quan y tế chỉ ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện vào ngày thứ nhất sau tiêm như phản ứng tại chỗ tiêm đau, quầng đỏ, sốt với tỷ lệ 34-39% và không nghi nhận bất kỳ phản ứng nặng nào sau tiêm chủng. Dự kiến, việc chuyển đổi sử dụng vaccine ComBe Five sẽ được triển khai trên toàn quốc trong tháng 6 tới.
“Hiện nay, vaccine Quinvaxem vẫn tiếp tục được sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình TCMR cho tới khi được thay thế bằng vaccine mới để bảo đảm trẻ em được tiêm chủng đầy đủ. Lịch tiêm chủng vaccine ComBe Five không thay đổi, trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm đủ 3 mũi vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi.
Trẻ em được tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine Quinvaxem sẽ tiếp tục sử dụng vaccine ComBe Five cho các mũi tiêm tiếp theo”, bà Hồng thông tin thêm.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG