Ngày nay, hiến tạng đã không còn xa lạ nhưng không phải ai cũng đủ nghị lực để vượt qua áp lực, sự ngăn cản đến từ quan niệm “chết phải toàn thây”. Do đó, “đem thân xác mình hiến cho khoa học, y học” là nghĩa cử vô cùng cao đẹp, cần được tôn vinh.
Ông Nguyễn Tiến Dân (giữa) nhận sự kính trọng của các sinh viên Khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng. |
Nghĩa cử cao đẹp
Những người có mặt tại lễ tri ân Macchabeé (lễ tri ân những người hiến xác) do Khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng tổ chức nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam vừa qua không khỏi cảm phục trước nghĩa cử cao đẹp của ông Nguyễn Tiến Dân và bà Tăng Lý Thị Hoa khi họ tình nguyện hiến xác lúc qua đời để phục vụ công tác giảng dạy của ngành y.
Với nước da trắng hồng, dáng đi nhanh nhẹn, ông Nguyễn Tiến Dân (SN 1950) trông còn khá trẻ so với tuổi 70. Ông Dân chia sẻ, người ta thường nói “chết là hết” nhưng ông quan niệm: sống là cho đi và hiến dâng cho khoa học khi chết để cứu người thì cái chết mới thật sự có ý nghĩa. Ý nghĩ “sống là cho đi” thấm sâu trong ông Dân bởi nhiều năm qua, cuộc đời ông gắn với công tác thiện nguyện và làm đại diện tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ nhằm kết nối thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Trong những chuyến đi thiện nguyện và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ấy, ông cứ nghĩ mãi về ý nghĩa của sự sống và cái chết rồi dần hun đúc quyết tâm hiến xác cho y học. Thế là, ông lên mạng tìm hiểu các thủ tục liên quan và trở thành người đầu tiên đăng ký hiến nhân thể cho y học khi Khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng tổ chức việc tiếp nhận này vào năm 2016.
“Trước đây, nhiều người cho rằng việc hiến xác là xúc phạm tới tâm linh, trái với đạo lý dân gian, với truyền thống của người Việt. Nhưng ngày nay, khoa học càng phát triển, tri thức con người ngày càng được mở rộng thì việc hiến xác, hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp, ý nghĩa, thiết thực và đầy tính nhân văn”, ông Dân nói.
Bà Tăng Lý Thị Hoa (1971) từ nhỏ tham gia công tác thiện nguyện tại bệnh viện nên ý nghĩ giúp đời luôn tồn tại trong bà. Nhưng quyết định hiến xác cho y học nảy sinh từ mùa hè năm 2017, khi bà vào TP. Hồ Chí Minh chơi và nghe một người chị bà con cho biết đã làm thủ tục tự nguyện hiến xác cho y học. Lúc này, bà suy nghĩ: nếu sau khi chết, thân xác mình có thể giúp ích cho công tác đào tạo, nghiên cứu y khoa thì việc sống-chết của mình càng thêm ý nghĩa.
Biết được ý định của bà, một người bạn gọi điện vào hỏi Trường Đại học Y Dược ở TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, bà nhận được điện thoại của TS, BS Nguyễn Đăng Quốc Chấn - Trưởng Khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng và được hướng dẫn làm thủ tục.
Có thể nói, nhìn vẻ mặt bình thản của ông Dân, bà Hoa mới thấm thía tâm niệm “sống là cho, chết cũng là cho”; như bài thơ mà ông Dân viết như là di nguyện để lại người thân, bạn bè nếu một mai đi xa: Không phong bì, đừng vòng hoa/ Một bông hoa nhỏ gọi là với tôi/Đặt bên tượng đá được rồi/ Năm năm sau xác “hóa thân”/ Xin đưa tro cốt rải gần cửa sông/ Thân tôi đã hiến cho đời/ Tin rằng muôn kiếp luôn hồi nhân sinh.
Những “người thầy thầm lặng”
Năm 2007, Khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh tuyển sinh đào tạo y khoa. Từ năm 2008, khoa đã tiếp nhận 2 tiêu bản nhân thể từ trường này về đặt tại Bệnh viện Đà Nẵng để phục vụ công tác giảng dạy. Cùng với sự phát triển, bảo đảm chất lượng đào tạo, khoa tiếp tục tiếp nhận 2 tiêu bản nhân thể mới.
Mãi đến năm 2016, Khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng mới tổ chức việc tiếp nhận những người tự nguyện hiến xác cho y học sau khi qua đời. Ngoài ông Nguyễn Tiến Dân, bà Tăng Lý Thị Hoa, khoa còn tiếp nhận đơn tự nguyện hiến xác cho y học của một người hiện sống tại Khánh Hòa.
TS, BS Nguyễn Đăng Quốc Chấn cho biết, đối với thầy, trò trường y, những người hiến tặng nhân thể sau khi mất chính là những “người thầy thầm lặng”. Bởi họ đã lặng lẽ trao tặng thân thể - những gì còn lại cuối cùng của cuộc đời để thầy, trò trường y học tập và nghiên cứu. Trong giấc ngủ ngàn thu ấy, họ mang lại mầm sống cho đời, cho những người đang sống.
“Chúng tôi ý thức vai trò và nghĩa cử cao đẹp của họ nên vô cùng biết ơn và trân quý. Vì vậy, chúng tôi luôn giáo dục sinh viên y khoa ngay từ năm đầu tiên bước vào giảng đường là phải biết quý trọng sự hy sinh to lớn này và sử dụng những nhân thể thật cẩn thận, đúng mục đích. Hơn nữa, trái tim nhân hậu của họ như ngọn lửa truyền tình yêu thương, lòng nhân ái cho những sinh viên ngành y, hướng sinh viên đến cái thiện để sau này ra trường phục vụ người bệnh một cách vô tư và trong sáng nhất. Tôi xin mượn lời thơ: Khi ta hiến thân, niềm vui vẫn còn ở lại/ Như bao lá rơi làm giàu thêm cho nguồn đất mới/ Trong thân xác ta là bao tương lai đi tới”, để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người hiến thân cho y khoa”, TS. Quốc Chấn xúc động.
Bài và ảnh: HÀ THU