Nhiều tiện ích với bệnh án điện tử

.

Một số cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố đang triển khai kế hoạch thực hiện bệnh án điện tử. Đây là bước hiện thực hóa nội dung được Bộ Y tế quy định tại Thông tư 46/2018/TT-BYT ngày 29-12-2018, chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 3-2019. Tuy nhiên, theo các cơ sở y tế, việc áp dụng bệnh án điện tử không phải là chuyện một sớm một chiều do có quá nhiều việc phải làm.

Bác sĩ Khoa khám bệnh, Bệnh viện Đà Nẵng kiểm tra lại đơn thuốc được in để cung cấp cho người bệnh, thay vì viết tay như trước đây. Ảnh: PHAN CHUNG
Bác sĩ Khoa khám bệnh, Bệnh viện Đà Nẵng kiểm tra lại đơn thuốc được in để cung cấp cho người bệnh, thay vì viết tay như trước đây. 

Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đang trình Sở Y tế phê duyệt đề án Bệnh án điện tử để áp dụng cho đơn vị. Từ đầu năm 2019, cơ sở y tế này đã cho chạy thử phần mềm bệnh án điện tử tại các liên chuyên khoa để ghi nhận ý kiến đóng góp từ các nhân viên y tế.

Theo ông Phan Bảo Sơn, Phó phòng Công nghệ thông tin, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, có rất nhiều tiện ích khi bệnh án điện tử được áp dụng, cả phía bệnh viện lẫn người bệnh. Theo đó, mọi thông tin, dữ liệu liên quan đến các hoạt động khám, chữa bệnh đều được lưu trữ vào một hệ thống chung thay vì lưu trữ bằng phương pháp thủ công hoặc lưu trữ bằng phần mềm nhưng không có sự đồng bộ giữa các khoa, phòng trước đây.

“Đơn cử như thông tin bệnh nhân sẽ được lưu lại trong hệ thống, chỉ cần một cú nhấp chuột sẽ hiện ra hồ sơ bệnh án, quá trình khám, điều trị, tiền sử các bệnh mắc phải trước đây. Trước đây khi tái khám, điều dưỡng phải lục lại lịch sử bệnh án bằng thủ công, rồi trình bác sĩ xem lại, có khi mất cả 2-3 giờ đồng hồ, thì nay thao tác đó chỉ tốn khoảng 10-15 phút”, ông Sơn cho biết.

Tương tự, là cơ sở y tế hạng 1, phải sớm triển khai và hoàn thành đề án theo lộ trình của Bộ Y tế, hiện Bệnh viện Đà Nẵng đang triển khai những phần việc còn lại trong đề án bệnh án điện tử. Bác sĩ Võ Thị Thu Hà, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, hiện có khoảng 70% khối lượng công việc đã được hoàn thành. Bệnh viện đã kết nối kết quả xét nghiệm từ các khoa lâm sàng giúp tiết kiệm ấn chỉ chuyên môn, giảm thời gian chờ đợi, tăng độ chính xác; y lệnh của bác sĩ đều được số hóa, tránh tình trạng nhầm lẫn dẫn đến đọc sai.

“Dưới góc độ quản lý, điều hành chuyên môn, bệnh án điện tử giúp lãnh đạo bệnh viện kiểm soát tốt hơn quá trình khám, điều trị tại các phòng, khoa chuyên môn giúp rút ngắn thời gian giao ban, tăng thời gian trao đổi chuyên môn. Chỉ cần nhấp chuột vào nội dung quan tâm, kết quả những nội dung liên quan sẽ hiện ra. Ngoài ra, cũng hạn chế, loại bỏ tuyệt đối việc lạm dụng thực phẩm chức năng trong điều trị, có dấu hiệu bỏ sót hoặc lạm dụng việc kê thuốc cho người bệnh”, bác sĩ Hà cho biết.

Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm sẽ giảm bớt thủ tục, quy trình khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi, các thủ tục hành chính xuất, nhập viện, thanh toán BHYT cũng được diễn ra thuận tiện và khoa học hơn.

Bệnh án điện tử giúp giảm thời gian, chi phí cho cả người bệnh lẫn các cơ sở y tế. TRONG ẢNH: Người dân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng đã giảm 5 quy trình nhờ áp dụng công nghệ thông tin.
Bệnh án điện tử giúp giảm thời gian, chi phí cho cả người bệnh lẫn các cơ sở y tế. TRONG ẢNH: Người dân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng đã giảm 5 quy trình nhờ áp dụng công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, việc triển khai bệnh án điện tử hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan. Theo ông Phan Bảo Sơn, thách thức đầu tiên đó chính là hạ tầng công nghệ thông tin của cơ sở.

“Các phần mềm hiện nay chưa có nền tảng thống nhất giữa các nhà cung cấp dịch vụ nên việc liên thông kết quả, thông tin bệnh án điện tử giữa các cơ sở y tế không thể thực hiện được. Chưa kể, hạ tầng công nghệ thông tin của mỗi bệnh viện hiện nay nhìn chung còn thiếu và yếu cần phải cải tạo hệ thống mạng, nâng cấp hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu nhưng trên thực tế kinh phí và hành lang pháp lý mua sắm trang thiết bị trong lĩnh vực công nghệ thông tin lại rất phức tạp, gây khó cho bệnh viện”, ông Sơn chia sẻ.

Ngoài ra, hệ thống PACS (lưu trữ và truyền hình ảnh) có trị giá hàng chục tỷ đồng được ví là ngân hàng thông tin liên quan đến người bệnh, vốn là “điều kiện đủ” trong bệnh án điện tử theo quy định của Bộ Y tế nhưng không phải cơ sở nào cũng đầu tư được và vận hành có hiệu quả. Bên cạnh đó, yếu tố bảo mật trong lưu trữ, sử dụng thông tin, chữ ký số cũng đòi hỏi nhân viên y tế phải thuần thục, nắm rõ các quy định pháp luật cũng như thao tác kỹ thuật...

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.