Câu chuyện phòng, chống dịch bệnh, cụ thể là sốt xuất huyết (SXH) là vấn đề không mới, nhưng lại luôn luôn nóng! Nóng, bởi số ca mắc SXH tăng từng ngày, số ổ dịch phát hiện ngày một nhiều thêm, dịch SXH không còn theo chu kỳ hằng năm nữa. Thậm chí, Đà Nẵng đã có ca tử vong với các triệu chứng của SXH Dengue! Có nhiều lo lắng quanh vấn đề này.
Trong một lần theo lãnh đạo thành phố đi kiểm tra công tác phòng, chống SXH, chúng tôi được một vị tổ trưởng dẫn vào chính nhà mình để kiểm tra. Hàng loạt bình hoa đựng nước, lọ đựng thức ăn cho chim, vỏ lon bia… bị vứt lăn lóc khắp hành lang. Khi lật úp thì tất cả đều chứa nước. Đổ ra, những con lăng quăng ngọ nguậy trên nền gạch. Ông giãi bày: “Trời mưa hôm kia nên nước nó vào tôi chưa kịp đổ ấy mà”. Cái suy nghĩ “chưa kịp đổ” chính là sự bị động, ỷ lại nằm trong tiềm thức của rất nhiều người. Suy nghĩ phòng, chống SXH dường như chỉ gói gọn trong bốn bức tường của căn phòng ngủ, hay chiếc giường được treo kín mùng mền!
Đà Nẵng có nhiều bất lợi mang tính khách quan, tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển. Đó là các khu vực đất trống, rác, xà bần với các dụng cụ chứa nước luôn tồn tại ngày này qua tháng khác. Đó là những dự án “ao tù nước đọng” ngay chính trung tâm thành phố. Là những con kênh, miệng cống thoát nước thải chưa được đấu nối gây ô nhiễm… Nhưng trên hết, có lẽ vẫn là sự thiếu chủ động, ý thức của chính bản thân mỗi người trong cách nghĩ, cách làm, trong cách sinh hoạt tối giản của mình.
Cách phòng, chống SXH chủ yếu và mang lại hiệu quả hiện nay vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và kêu gọi cộng đồng cùng chung tay. Nhưng trên thực tế, khi theo lực lượng chức năng đi phun hóa chất phòng bệnh, chúng tôi vẫn bắt gặp những cánh cửa khép vội bất hợp tác. Chúng tôi bắt gặp hàng đống rác vứt bừa bãi, những vỏ lon, vật dụng đựng nước nằm chỏng chơ phơi mưa nắng, trở thành địa điểm lý tưởng để muỗi truyền bệnh SXH sinh sôi, phát triển.
Một bác sĩ làm việc tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ rằng, nỗi ám ảnh lớn nhất của ông là bước vào mùa mưa, khi hàng chục người đua nhau nhập viện mà chỉ nhìn không thôi ông đã biết bệnh. Đó là SXH! Cảnh người nằm chen chúc vì thiếu giường, vật vã với các triệu chứng đau đầu, sốt, ói mửa, rồi người thân tất tả ngược xuôi đi tìm nguồn máu để truyền bổ sung… “Tại sao phải tự hành hạ nhau như vậy, trong khi chúng ta đủ sức, đủ khả năng để đề phòng”, ông nói.
Mặc dù chỉ mới bắt đầu bước vào mùa mưa nhưng đến thời điểm này, toàn thành phố đã ghi nhận gần 4.000 trường hợp mắc SXH, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trước tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp, ngành Y tế thành phố đã tăng cường nhân lực khẩn trương phòng, chống dịch. “Tuy nhiên, xin khẳng định lại, nguyên nhân gây nên tình trạng SXH tăng cao là do ý thức của người dân trong việc phòng ngừa bệnh còn thấp. Nhiều khu vực dân cư còn để nước đọng, tạo điều kiện cho muỗi vằn phát triển, thiếu sự hợp tác với các cơ quan chức năng phun thuốc diệt muỗi”, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, cho biết.
Hiện nay, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh, biện pháp dự phòng chủ yếu, hiệu quả vẫn là kiểm tra dụng cụ trữ nước, diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình và quanh khu vực sinh sống. Trong trường hợp mắc bệnh với biểu hiện sốt cao liên tục, người bệnh cần phải đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
PHAN CHUNG