Vì 'bữa ăn sạch' cho người dân

.

Từ ngày 1-1-2018, Ban quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố chính thức đi vào hoạt động theo Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 25-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ quan trực thuộc UBND thành phố, có chức năng thực thi pháp luật, có thẩm quyền thanh tra chuyên ngành về ATTP trên địa bàn với thời gian thực hiện thí điểm mô hình là 3 năm. Sau hơn 1 nửa chặng đường thí điểm, việc tập trung đầu mối công tác quản lý ATTP đến nay đã có những biến chuyển tích cực. Nhiều kế hoạch, cách làm mới đã được triển khai đồng loạt tại các địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả.

Bài 1:  Đổi thay từ những điều nhỏ

ATTP là một lĩnh vực khó, không chỉ trong việc phối kết hợp quản lý giữa các bộ, ngành Trung ương, các sở, ngành địa phương mà còn phụ thuộc vào ý thức của chính người trong cuộc - các hộ sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm.

Có những sai phạm mà chỉ đến khi bị lực lượng chức năng trực tiếp kiểm tra, nhắc nhở và chấn chỉnh, người trong cuộc mới biết là mình sai. Việc thay đổi nhận thức về ATTP của người trong cuộc dẫn đến những thói quen, hành vi được cải thiện theo hướng tích cực là điều mà lực lượng chức năng trong lĩnh vực này mong muốn.

Việc thay đổi nhận thức bắt đầu từ những điều nhỏ của người sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm là rất quan trọng đối với câu chuyện mang đến “bữa ăn sạch” cho người dân. TRONG ẢNH: Lực lượng chức năng kiểm tra, lấy mẫu ớt bột tại chợ Hàn.
Việc thay đổi nhận thức bắt đầu từ những điều nhỏ của người sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm là rất quan trọng đối với câu chuyện mang đến “bữa ăn sạch” cho người dân. TRONG ẢNH: Lực lượng chức năng kiểm tra, lấy mẫu ớt bột tại chợ Hàn.

Những thói quen gây hại

Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi tìm đến nhà ông Trịnh Xuân Chấp (trú tổ 27, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê), một trong những hộ dân sản xuất đậu khuôn trên địa bàn phường này. Trước đó vào tháng 3-2018, trong chuyên đề kiểm tra một số hộ sản xuất đậu khuôn nhỏ lẻ trên địa bàn quận Thanh Khê, gia đình ông Chấp bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm.

Ghi nhận thực tế thời điểm đó cho thấy, toàn bộ khu vực nền nhà sản xuất đậu đọng nước, bám rêu, khuôn làm đậu là những thanh gỗ ghép vào nhau rất bẩn, ít được chùi rửa thường xuyên. Nhà vệ sinh của gia đình được lắp đặt ngay bên cạnh khu vực sản xuất đậu khuôn, vi phạm nghiêm trọng quy định về bảo đảm ATTP. Bên cạnh đó, các vật dụng sử dụng sản xuất đậu khuôn như nồi, thùng quay bột, giá đựng… đều bẩn, cũ kỹ, bột đậu bám thành một lớp dày đặc.

Căn cứ các quy định hiện hành, BQL ATTP thành phố đã quyết định đình chỉ sản xuất đối với hộ gia đình ông Chấp, đề nghị khắc phục những tồn tại trên. “Sau khi bị đình chỉ sản xuất, chúng tôi bỏ ra gần 100 triệu đồng để đầu tư, nâng cấp cơ sở.

Nền được thay bằng gạch mới trắng sáng, dễ thoát nước hơn. Nhà vệ sinh đập bỏ xây chỗ khác cho phù hợp, tách biệt hoàn toàn với khu sản xuất. Các vật dụng như nồi, thùng quay bột, giá đựng đều được thay mới hoàn toàn bằng inox.

Bao nhiêu năm nay gia đình tôi sống bằng nghề này, luôn được bạn hàng tín nhiệm, hoàn toàn không nghĩ là mình vi phạm các quy định của Nhà nước”, ông Chấp cho biết. Hiện cơ sở ông Chấp sản xuất mỗi ngày khoảng 40kg đậu nguyên liệu, chủ yếu bỏ cho các bạn hàng cố định là các tiểu thương bán lẻ tại một số chợ, một số nhà hàng, khu du lịch.

Kiểm tra việc gói bánh chưng tại một cơ sở trên địa bàn quận Sơn Trà.
Kiểm tra việc gói bánh chưng tại một cơ sở trên địa bàn quận Sơn Trà.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố cho biết, sau khi thành lập và đi vào hoạt động được khoảng 3 tháng, một trong những nhiệm vụ mà đơn vị hướng đến là tập trung kiểm tra các loại thực phẩm được sản xuất nhỏ lẻ trong dân cư, gần gũi, thiết thực với đời sống hằng ngày của người dân.

“Một thực tế là các mặt hàng như đậu khuôn, bún, sữa bắp, bánh chưng đều rất cần thiết với người dân nhưng vẫn đang có những khoảng trống trong công tác quản lý, đặc biệt là thiếu các tiêu chuẩn bảo đảm ATTP theo quy định. Một số người dân không xem đó là vi phạm bởi chưa có một tiêu chuẩn nào được áp dụng và bắt buộc người dân phải tuân thủ. Việc của chúng tôi là đặt ra các tiêu chí, truyền đạt các quy định của pháp luật để người dân hiểu và chấp hành”, ông Hải cho biết.

Nhiều chiến dịch thanh tra, kiểm tra sau đó được đồng loạt triển khai. Tại các chợ truyền thống như chợ Hàn, chợ Cồn, các tiểu thương kinh doanh ớt bột đều đựng ớt trong những túi giấy, vải, đặt trên nền nhà. Điều này khiến độ ẩm, vi sinh mốc phát triển mạnh trong ớt. Theo BQL ATTP, thói quen này chính là nguyên nhân khiến ớt bột tại Đà Nẵng sau khi kiểm tra thì phát hiện chất ung thư gây hoang mang dư luận.

Sau chiến dịch kiểm tra, những túi nilon được thay thế hoàn toàn, ớt bột được bảo quản kỹ lưỡng, tránh xa hoàn toàn với môi trường nước, ẩm ướt. Ngoài ra, một số hộ sản xuất sữa bắp bắt buộc phải cải tạo lại bếp, sắm thêm tủ đựng nguyên liệu, bổ sung các giấy tờ cần thiết như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh, giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận kiến thức. Một số hộ sản xuất nước đá cũng bị đình chỉ vì nền nhà đọng nước lênh láng, ẩm thấp, túi đựng đá viên vương vãi dưới đất, hệ thống thoát nước hở dưới máy làm lạnh và trước cửa nhà tù đọng…

Những tín hiệu vui

Hơn 1 năm nay, bà Lê Thị Hoàng, chủ quán bánh canh trên đường Lê Thanh Nghị (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) đã dùng hơn 100 chiếc muỗng inox dày không rãnh để phục vụ khách. “So với muỗng có rãnh, loại này đắt hơn khoảng 40.000 - 50.000 đồng/chục cái, tính ra cũng không bao nhiêu mà khách ăn uống lại cảm giác sạch sẽ, an toàn”, bà Hoàng chia sẻ.

Được biết, bà là một trong số 69 hộ kinh doanh thức ăn tại phố chuyên doanh ẩm thực Lê Thanh Nghị triển khai thay thế muỗng không rãnh từ năm 2018. Theo ông Phan Trọng Tín, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Bắc, ngoài việc kiểm tra, duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại tuyến phố này, các chủ hộ kinh doanh đều được tập huấn, hỗ trợ việc thay thế muỗng không rãnh; vì muỗng không rãnh dễ dàng vệ sinh, chất bẩn, dầu mỡ không đóng cặn, bảo đảm ATTP.

Một cơ sở sản xuất đậu khuôn tại quận Thanh Khê bị phát hiện, xử lý vì không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm.
Một cơ sở sản xuất đậu khuôn tại quận Thanh Khê bị phát hiện, xử lý vì không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm.

Năm 2018, thực hiện Quyết định số 31/2018/QĐ-UBND ngày 29-8 của UBND thành phố quy định phân công, phân cấp, phối hợp quản lý ATTP trên địa bàn thành phố, nhiều địa phương đã chủ động triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, đề ra các giải pháp, sáng kiến phù hợp với điều kiện cơ sở. Tại quận Hải Châu, phong trào dùng muỗng không rãnh được áp dụng khá thành công đối với loại hình kinh doanh thực phẩm đường phố, vỉa hè.

Theo ông Võ Ngọc Đông, Trưởng phòng Y tế quận Hải Châu, kế hoạch triển khai muỗng không rãnh cho các quán ăn trên địa bàn quận từ năm 2018, trong đó chú trọng đến các phố chuyên doanh, ẩm thực. Hiện quận Hải Châu đã nhân rộng việc triển khai sử dụng muỗng không rãnh cho hơn 1.400 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên toàn địa bàn, với hơn 10.000 muỗng có rãnh đã được thay thế.

“Tín hiệu đáng mừng là các hộ kinh doanh đều chấp hành chủ trương, nhiệt tình hưởng ứng. Điều đó cho thấy ý thức của người dân trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về ATTP đã thay đổi rõ rệt”, ông Đông cho biết.

Đến nay, các tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực trên địa bàn quận Hải Châu như Huỳnh Thúc Kháng, Lê Thanh Nghị, Trần Kế Xương, Phạm Hồng Thái đã gần như thực hiện triệt để. Theo bà Kim Thị Xuân Hoa, chủ quán bún tại số 83, phố chuyên doanh ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng, người có hơn 18 năm kinh doanh quán ăn, sau khi thay đổi 100% số muỗng không rãnh, bà nhận được sự hài lòng của một số du khách thập phương khi ghé quán. “Nhỏ thôi nhưng đó là những thói quen tốt mà lâu nay vô tình chúng ta không để ý đến”, bà chia sẻ.  

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, việc thay đổi một số thói quen trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo hướng tích cực, có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng không phải là điều dễ dàng. Đây là một chiến dịch dài hơi và thường xuyên, bởi đích đến của công tác ATTP là làm thay đổi thói quen, nhận thức, hành vi hơn là tăng cường kiểm tra, xử phạt.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
;
.
.
mua gà bó xôi ở đâu
.
.
.