Vì "bữa ăn sạch" cho người dân - Bài cuối: Sức mạnh của sự đồng thuận

.

Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ cùng sự hưởng ứng từ các sở, ngành, địa phương. Tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế, vướng mắc ở phía trước nhưng theo đánh giá chung, chất lượng, sự an toàn trong bữa ăn của người dân đã được quan tâm, cải thiện đáng kể. Báo Đà Nẵng ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Một cơ sở sản xuất giá đỗ tại quận Cẩm Lệ.
Một cơ sở sản xuất giá đỗ tại quận Cẩm Lệ.

* Ông Nguyễn Đắc Xứng - Phó Chủ tịch UBND quận, Phó Trưởng Ban chỉ đạo ATTP quận Sơn Trà: Thay đổi tích cực

Quận Sơn Trà là một trong những địa phương có tốc độ phát triển dịch vụ, du lịch nhanh và mạnh của thành phố. Thực tế này mở ra nhiều cơ hội phát triển nhưng địa phương cũng đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề bảo đảm ATTP cho người dân và du khách.

Hiện nay, quận đang quản lý 3.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Ngoài việc phân công, phân cấp quản lý ATTP theo quyết định của thành phố, địa phương cũng phối hợp với BQL ATTP tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền và thanh kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Có thể nhận thấy một số kết quả nổi bật trên địa bàn quận thời gian qua đó là nỗ lực kiểm soát chất lượng thực phẩm vỉa hè, đường phố. Sau khi có chỉ đạo từ UBND thành phố, địa phương đã đồng loạt ra quân kiểm tra, mạnh tay xử lý hàng loạt nhà hàng, quán tạm không đạt tiêu chuẩn về ATTP.

Một số khu vực ven biển, chân cầu Rồng, các quán nhậu gây mất mỹ quan đô thị, không bảo đảm ATTP đều bắt buộc phải dẹp bỏ. Điều dễ nhận thấy nhất là ý thức của các tiểu thương được nâng lên theo hướng phục vụ người tiêu dùng. Đây là dấu hiệu đáng mừng đối với một địa phương phát triển du lịch, lấy du khách làm đối tượng ưu tiên phục vụ.

* Ông Phan Văn Thắng, Phó Trưởng Ban quản lý các chợ quận Liên Chiểu: Người lao động, tiểu thương thay đổi cách nhìn  

Là địa bàn rộng lại phục vụ người tiêu dùng bình dân như sinh viên, công nhân nên vấn đề ATTP nếu không được kiểm soát sẽ dẫn đến nguy cơ sử dụng thực phẩm bẩn, ôi thiu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Hiện chúng tôi quản lý 3 chợ truyền thống với hơn 850 tiểu thương kinh doanh, buôn bán.

Việc tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, buôn bán thực phẩm được triển khai thường xuyên và bước đầu có kết quả. Có những sự thay đổi đáng kể đến từ các tiểu thương như thay mới các quầy hàng, các khu vực bày bán thực phẩm sống với rau củ quả đều tách biệt; hàng hóa bảo quản kỹ lưỡng.

Người tiêu dùng cũng có những đòi hỏi chính đáng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, chủ động sẵn sàng tố giác, báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện hoạt động kinh doanh, buôn bán thực phẩm không đạt chất lượng. Điều này thực sự quan trọng bởi xét một cách toàn diện, việc bảo đảm ATTP là nhiệm vụ của cả toàn xã hội, của chính những người trong cuộc.

* Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố: Tuyên truyền nhiều, xử phạt mạnh

Ngoài việc tham mưu UBND thành phố ban hành các quyết định, chính sách kịp thời, BQL ATTP thành phố chú trọng nâng cao công tác đào tạo nâng cao năng lực cán bộ phụ trách các cấp. Các cán bộ chuyên trách của BQL ATTP cũng tổ chức 72 lớp tập huấn các kỹ năng về thanh tra, kiểm tra, kỹ thuật thử nghiệm mẫu bằng phương pháp test nhanh và triển khai thực thi các văn bản pháp luật… cho cán bộ địa phương; đồng thời tổ chức tập huấn kiến thức và pháp luật về ATTP cho hơn 11.000 người.

Đối với công tác kiểm tra, xử phạt, trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra gần 1.000 cơ sở được phân cấp quản lý, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 55 cơ sở với số tiền hơn 500 triệu đồng.

So với cùng kỳ năm 2018, số cơ sở thanh tra, kiểm tra tăng 40 cơ sở và số tiền xử phạt cũng tăng hơn 400 triệu đồng. Ngoài ra, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã kiểm tra 11.658/20.371 cơ sở liên quan đến vấn đề ATTP, trong đó phát hiện, xử phạt 50 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 120 triệu đồng…

* Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban chỉ đạo ATTP huyện Hòa Vang: Ba bước hiệu quả

Việc thành lập BQL ATTP thành phố chính là thống nhất việc quản lý ATTP về một đầu mối, thay vì 3 đầu mối như trước đây. Điều này hỗ trợ hiệu quả cho tuyến quận, huyện trong công tác tập huấn, thanh kiểm tra. Hiện địa phương quản lý hơn 2.800 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Công tác quản lý được thực hiện theo mô hình 3 bước rất hiệu quả, đó chính là vận động - cam kết - giám sát.

Chúng tôi phối hợp với BQL ATTP thành phố tổ chức các buổi tuyên truyền kiến thức, pháp luật về ATTP, qua đó giúp các hộ dân hiểu được vai trò, tầm quan trọng cũng như những nguy cơ trong sản xuất, sử dụng, chế biến thực phẩm.

Việc kêu gọi, vận động ký cam kết giúp nâng cao trách nhiệm của cả cộng đồng đối với nhiệm vụ chính trị này, bởi trên thực tế, công tác thanh, kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng địa phương còn nhiều khó khăn, trong đó xuất phát từ yếu tố nhân lực. Việc vận động - cam kết là 2 trong 3 bước quan trọng hiện nay bởi nó phát huy được tinh thần, trách nhiệm của các tổ chức, công dân trong việc bảo đảm bữa ăn an toàn cho mọi người.

PHAN CHUNG ghi
 

 

;
;
.
.
.
.
.