Vi khuẩn Whitmore "ăn thịt người" có ở khắp nơi, nhiều người mắc bệnh

.

Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore được phát hiện ở Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh... Đây là loại vi khuẩn trú nhiều trong bùn đất, xâm nhập cơ thể qua các vết thương trên da với tỉ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, vi khuẩn "ăn thịt người" này không thực sự là "con ngáo ộp" vì có thuốc điều trị hiệu quả.

Những ca bệnh Whitmore khi khởi phát sẽ tiến triển rất nhanh
Những ca bệnh Whitmore khi khởi phát sẽ tiến triển rất nhanh

Hàng chục ca nhiễm bệnh

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai từ đầu năm 2019 đến nay đã ghi nhận tới 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này, trong đó riêng tháng 8 ghi nhận 12 ca Whitmore nặng được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ, 4 ca tử vong. Căn bệnh này có tỷ lệ tử vong rất cao (tới 40%).

Mới nhất là trường hợp nữ bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới trong tình trạng mũi lỗ chỗ những vùng hoại tử, chảy mủ. Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do tụ cầu nhưng tại đây, kết quả cấy máu và mủ ở vết thương cho kết quả dương tính với loại vi khuẩn có nhiều trong đất mang tên Whitmore.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung cho biết, ngay khi cấy ra kết quả dương tính với vi khuẩn Whitmore, các bác sĩ đã phải thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị, nếu không bệnh nhân sẽ nguy hiểm tính mạng.

Điều may mắn vi khuẩn Whitmore mới gây tổn thương da, phần mềm ở cánh mũi, chưa "ăn" sâu đến xương. Vì thế, sau hai tuần điều trị tích cực, vết thương đã hết mủ và đang ăn da non.

"Tuy nhiên, bệnh nhân cần tiếp tục giai đoạn duy trì bằng thuốc và điều trị trung bình ít nhất ba tháng, được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm nếu không bệnh sẽ có khả năng tái phát, khi đó tỷ lệ tử vong rất cao”, BS Cường cho hay.

Tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An thời gian qua điều trị cho 4 bệnh nhi mắc bệnh Whitmore.

Trong đó, bệnh nhi Nghiêm Thanh Tuấn (14 tuổi, Đức Thọ - Hà Tĩnh) sau 50 ngày điều trị đã được xuất viện. Hai bệnh nhi còn lại là cháu  Hoàng Văn Cao (10 tuổi, xã Thanh ngọc, Thanh Chương, Nghệ An) và cháu Nguyễn Công Hào (11 tuổi, xã Công Thành, Yên Thành, Nghệ An) hiện đang được theo dõi và điều trị tại khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An.

Cả 3 trường hợp này được gia đình đưa đến viện trong tình trạng sưng đau viêm tuyến nước bọt mang tai. Vì nhầm tưởng là quai bị, trẻ đều được cho điều trị tại nhà, đến khi sốt cao, sưng to tuyến mang tai, hạ sốt không đáp ứng gia đình mới đưa tới bệnh viện. Kết quả cấy mủ, xét nghiệm máu phát hiện dương tính với căn bệnh Whitmore. Các bệnh nhi đều tiến triển tốt sau khi được chẩn đoán nhiễm Whitmore, dùng kháng sinh phù hợp.

Tại Hà Tĩnh, bệnh nhân Đặng Xuân Hà (61 tuổi, trú trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên) bị sốt cao liên tục, ngón 2 bàn chân phải có khối Abcees sưng, nóng, chảy dịch có mùi hôi và được người nhà đưa vào điều trị tại Khoa Nội tiết - BVĐK Hà Tĩnh, được chuẩn đoán nhiễm khuẩn Whitmore.

Tại Thái Nguyên, nam bệnh nhân nhập viện với vết thương hoại tử vùng đùi sau khi bị thương khi đi cày bừa, cũng được chẩn đoán dương tính với vi khuẩn Whitmore.

Bệnh cảnh nặng, có thể tử vong trong 48 giờ nhưng không phải là "con ngáo ộp" đáng sợ!

GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trực khuẩn Whitmore là một loại vi khuẩn gram âm, có thể tồn tại trong bùn, đất và lây nhiễm cho con người thông qua các vết xước, vết thương ngoài da, qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số địa phương.

"Vi khuẩn Whitmore khi xâm nhập vào cơ thể, có thể ủ bệnh kéo dài trung bình từ 2- 21 ngày. Nguy hiểm của bệnh là khi khởi phát bệnh tiến triển rất nhanh, có thể tử vong chỉ sau 48 giờ nhập viện. Tuy nhiên, căn bệnh này có thuốc điều trị"- GS Kính thông tin.

PGS.TS Bùi Vũ Huy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhiễm khuẩn Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Ở trẻ em thường có triệu chứng sốt cao, nhiễm trùng nhiễm độc và biểu hiện sưng tuyến mang tai thường gặp hơn các triệu chứng khác. Ở người lớn bệnh cảnh phổ biến nhất là viêm phổi, sau đó tới viêm da, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng huyết...

Nếu nói đến độc tính thì vi khuẩn gây nên bệnh Whitmore có độc tính cao hơn một số vi khuẩn khác. Tuy nhiên, bệnh chỉ thường gặp ở người có miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính. Khi nhiễm bệnh ở những người này, bệnh  diễn biến bệnh thường phức tạp, nặng nề hơn, có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kháng sinh phù hợp... Trong những bệnh cảnh của bệnh này có nhiễm khuẩn huyết, cũng như nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác, có tình trạng bệnh nặng hơn, tiên lượng xấu và nguy cơ tử vong cao.

"Còn ở người khoẻ mạnh không may mắc bệnh, được phát hiện điều trị hợp lý sẽ điều trị khỏi, không để lại di chứng. Nhưng nếu bệnh rơi vào những người già, yếu, miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính thì sẽ có nhiều nguy cơ hơn, diễn tiến phức tạp hơn, khó chữa hơn", PGS Huy cho biết.

GS Kính cũng khẳng định, vi khuẩn Whitmore tồn tại nhiều trong bùn đất, nhưng tỉ lệ gặp bệnh là ít hơn nhiều so với các bệnh nhiễm khuẩn khác.

Chỉ cần bác sĩ xác định đúng đây là bệnh nhiễm khuẩn thì sẽ có chỉ định dùng kháng sinh. Theo nguyên tắc, sau khi dùng kháng sinh từ 48 đến 72 giờ mà không có dấu hiệu thuyên giảm, sẽ đổi kháng sinh khác, đồng thời bệnh nhân có các triệu chứng và yếu tố nguy cơ như đã nói ở trên, cần nghĩ tới bệnh Whitmore và chỉ định điều trị bằng ceftazidim. Đây là kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 rất phổ biến ở các bệnh viện, điều trị hiệu quả trong bệnh Whitmore.

"Đây là căn bệnh nhiễm trùng cơ hội, không dễ mắc, ít gặp ở người có sức khỏe bình thường. Bệnh không dễ dàng lây lan, không trực tiếp lây từ người qua người. Vì thế người dân không nên lo lắng", PGS Huy khuyến cáo.

Do vi khuẩn tồn tại nhiều trong bùn đất, nên những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để.

Trẻ em nên tránh chơi, bơi ở bùn lầy đất bẩn, đất nông nghiệp, ao tù nước đọng, ao nuôi cá nuôi tôm, nhất là tại vùng đang có ca bệnh.

Những người đang có vết thương hở, xước xát chân tay hoặc viêm loét của bệnh mạn tính (đái tháo đường, bệnh thận) không nên chơi, tiếp xúc trực tiếp với nước đọng, đất bẩn. Nếu bị xước sát trong khi chơi, làm việc thì cần vệ sinh sạch với xà phòng, qua trạm y tế để xử lí phù hợp (sát trùng, tiêm SAT, dùng kháng sinh tùy mức độ...) và theo dõi tiến triển hình thành mưng mủ, sưng đau... để đi khám kịp thời.

Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn. Đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Tại Việt Nam, các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 7-11.

Khi nhiễm khuẩn Whitmore có thể gây ra rất nhiều triệu chứng khác nhau. Có bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn huyết, suy đa nội tạng; có bệnh nhân vi khuẩn "ăn" vào xương; có người biểu hiện sốt cao, sưng khớp...

Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp nên bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu...

Việc điều trị bệnh Whitmore cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh đặc hiệu tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa.

Theo dantri.com.vn

;
;
.
.
dịch vụ nấu ăn tại nhàTìm hiểu về rối loạn mỡ máu
.
.
.