Glôcôm là bệnh gây tổn thương thần kinh thị giác không hồi phục, dẫn đến giảm dần thị lực và có thể gây mất thị lực. Việc điều trị hiện nay chỉ để bệnh chậm lại và không một phương pháp nào có thể điều trị khỏi bệnh. Chính vì thế, bệnh Glôcôm phải được phát hiện sớm, điều trị kịp thời nếu không người bệnh sẽ bị mất thị lực dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.
Bệnh Glôcôm cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh mù lòa. Trong ảnh: Khám mắt cho người bệnh nghi mắc Glôcôm tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng. Ảnh: P.C |
Ba năm trước, bà Lê Thị Mười (65 tuổi, trú xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) bỗng nhiên thấy mắt mờ, đau, nhức đầu. Mặc dù uống thuốc điều trị đau đầu nhưng bệnh vẫn không khỏi, thậm chí nặng hơn. Bà xuống Bệnh viện Mắt Đà Nẵng khám và được các bác sĩ cho biết bà bị tăng nhãn áp phải mổ gấp để hạ nhãn áp và tránh mù lòa. Đều đặn ba năm nay, bà trở thành bệnh nhân quen thuộc của khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng.
Theo chỉ định của bác sĩ, định kỳ bà lại lên khoa Glôcôm để khám, lấy thuốc điều trị, nhằm duy trì thị lực để tránh mù lòa. Tương tự, bệnh nhân Trần Văn Khải (58 tuổi, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) do không chịu được những cơn đau, nhức mắt nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt và sử dụng trong một thời gian dài.
Đến khi thị lực mờ dần không rõ nguyên nhân mới đi khám và được các bác sĩ Bệnh viện Mắt Đà Nẵng chỉ định mổ gấp để duy trì thị lực còn lại, do bệnh nhân bị bệnh Glôcôm nhưng không phát hiện, can thiệp kịp thời. Theo Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, hằng năm, đơn vị này tiếp nhận trên 5.000 lượt khám bệnh về Glôcôm, trong đó có hơn 1.000 ca phải điều trị nội trú, khoảng 500 trường hợp phải phẫu thuật.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Trưởng khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng cho biết, bệnh Glôcôm thường tiến triển âm thầm, kéo dài trong nhiều năm và từ từ đánh cắp thị giác mà người bệnh không hề hay biết, chỉ đến khi thị lực giảm sút trầm trọng mới đi khám thì đã quá muộn.
“Đây là bệnh lý rất phức tạp do có rất nhiều hình thái với những biểu hiện lâm sàng khác nhau, đòi hỏi các phương pháp điều trị khác nhau. Hiện nay trên thế giới, bệnh Glôcôm không thể chữa khỏi hoàn toàn. Mục đích điều trị Glôcôm vẫn nhằm ngăn chặn sự tiến triển của bệnh”, bác sĩ Ánh cho biết.
Để phòng bệnh Glôcôm, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, những người trên 40 tuổi hoặc có người thân mắc bệnh Glôcôm, hằng năm phải chủ động thực hiện khám mắt định kỳ để phát hiện các bệnh về mắt và bệnh Glôcôm sớm. Đối với những người đã mắc bệnh Glôcôm, cần phải được chăm sóc theo dõi điều trị thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ từ khi được phát hiện bệnh đến hết quãng đời còn lại nhằm hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác, giảm thiểu tình trạng mù lòa do bệnh Glôcôm gây nên.
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, hưởng ứng Chiến lược phòng, chống mù lòa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch khám, cấp phát thuốc miễn phí và điều trị cho bệnh nhân Glôcôm.
Với thông điệp “Hãy cùng chúng tôi ngăn chặn bệnh Glôcôm và đến kiểm tra ngay hôm nay”, các hoạt động chuyên môn tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng giúp người dân tiếp cận với phương pháp dự phòng, phát hiện sớm, điều trị sớm và phục hồi chức năng mắt, giảm tỷ lệ các bệnh gây mù loà có thể phòng chống được, trong đó có bệnh Glôcôm.
Các nhân viên y tế cũng khuyến cáo, khi được chẩn đoán bệnh Glôcôm, bệnh nhân thường rất lo lắng. Chính vì thế, điều quan trọng đối với người bệnh lúc này là tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ và tái khám định kỳ, tuyệt đối không tự ý điều trị theo cảm tính và sử dụng thuốc tùy tiện.
PHAN CHUNG