Sáng 4-10, không ca mắc mới Covid-19, dịch còn kéo dài sang năm 2021

.

Sáng 4-10, Bộ Y tế thông tin nước ta không có ca mắc Covid-19 mới. Việt Nam phải chuẩn bị tinh thần dịch còn kéo dài sang năm 2021 như dự báo của nhiều tổ chức.

Tính từ 18h ngày 3-10 đến 6 giờ ngày 4-10, Việt Nam có 0 ca mắc mới Covid-19. Như vậy, đến nay nước ta ghi nhận 1.096 ca mắc Covid-19, 35 trường hợp tử vong, đều là các trường hợp có bệnh lý nền nặng. Trong đó có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay: 551 ca.

Việt Nam cũng bước vào ngày thứ 31 ngày không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 16.477, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 718

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.212

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 4.547

Về tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19:

- Số ca âm tính với SARS-CoV-2:

+ Lần 1: 1

+ Lần 2: 2

+ Lần 3: 4

- Số ca tử vong: 35 ca.

- Số ca điều trị khỏi: 1.020 ca.

Dịch Covid-19 còn kéo dài

“Chúng ta thực hiện mục tiêu kép, phải tuyệt đối an toàn vì nếu có dịch thì mọi nỗ lực phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Đó đây đã xuất hiện tâm lý chủ quan, nơi lỏng không chỉ trong xã hội mà cả trong cơ quan nhà nước. Chúng ta đã có bài học Đà Nẵng và không để bài học đấy trở thành vô nghĩa”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Cũng theo Phó thủ tướng Việt Nam phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài sang năm 2021 như dự báo của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế khác.

Phó Thủ tướng nêu ba bài học chung nhất đã được tất cả các nước trên thế giới đúc kết trong phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, đeo khẩu trang là biện pháp đơn giản nhất, hiệu quả nhất. Việc phát hiện nhanh, truy vết, cách ly người nhiễm trong thời gian sớm nhất là biện pháp có tính chất quyết định. Giãn cách xã hội là giải pháp quan trọng để làm chậm tốc độ lây lan dịch.

Một số kinh nghiệm lớn được rút ra trong công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam thời gian qua là có hệ thống chính trị chỉ đạo xuyên suốt, sự vào cuộc của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương, các bộ ngành, đoàn thể chính trị-xã hội… Nhân dân ủng hộ, tham gia và có nhiều nghĩa cử cảm động. Chúng ta có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, thường xuyên trong nghiên cứu, phân lập virus, nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm, vắc xin, phác đồ điều trị…

“Chiến lược của Việt Nam là chiến lược của một nước nghèo nên các biện pháp phòng, chống dịch được đặt cao hơn một mức, sớm hơn một bước so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới để hạn chế ít nhất các ca lây nhiễm trong cộng đồng”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Dân trí

;
;
.
.
.
.
.