Cảnh giác với dịch bệnh trong mùa mưa

.

Đà Nẵng bước vào mùa mưa, nhiệt độ ẩm ướt thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển nên số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tăng. Để chủ động phòng, chống, ngành y tế thành phố tích cực phối hợp ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai công tác phun thuốc, diệt bọ gậy, lăng quăng.

Nhân viên y tế quận Sơn Trà phun thuốc diệt bọ gậy, lăng quăng để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại khu dân cư thuộc phường An Hải Đông.         				        Ảnh: LÊ HÙNG
Nhân viên y tế quận Sơn Trà phun thuốc diệt bọ gậy, lăng quăng để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại khu dân cư thuộc phường An Hải Đông. Ảnh: LÊ HÙNG

Chủ động phòng, chống

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng ghi nhận 272 trường hợp SXH, không có ca tử vong, riêng tuần 41 (từ ngày 11 đến 17-10) ghi nhận 51 ca (tăng 39 ca so với tuần 40). Địa phương có số ca tăng so với tuần trước gồm: Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hòa Vang.

Theo các cơ sở y tế, số lượng bệnh nhân SXH nhập viện điều trị không nhiều nhưng vẫn có trường hợp bệnh diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong công tác điều trị. Nguyên nhân chính là do người bệnh chủ quan, tự mua thuốc uống và nhập viện muộn khi bệnh trở nặng, tiểu cầu giảm xuống quá thấp, chảy máu cam, chân răng và tụt huyết áp dẫn đến trụy tim mạch.

Thạc sĩ Đặng Quang Ánh, Phó khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (CDC Đà Nẵng) cho biết, SXH lây thông qua vật trung gian là muỗi vằn. Do đó, khi gặp điều kiện thuận lợi, nhất là vào mùa mưa, cống rãnh tù đọng nước, muỗi sinh trưởng nhanh dịch bệnh càng bùng phát mạnh. Người dân cần chủ động vệ sinh, làm sạch nơi sinh sống, thường xuyên diệt lăng quăng, bọ gậy. Nên phát quang bụi rậm, lật úp hoặc đổ bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết, đặc biệt là các đồ phế thải, chum chậu hứng nước mưa. Nếu trữ nước thì cần đậy kín, không cho muỗi có nơi đẻ trứng, sinh sôi. Bên cạnh đó, thường xuyên sử dụng vợt điện, nhang muỗi và ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt. Trẻ em nên chú ý mặc quần áo dài tay trong lúc vui chơi và lúc ngủ, hạn chế để trẻ chơi những nơi tối, ẩm ướt. Nên bôi kem chống muỗi cho trẻ thường xuyên để được bảo vệ tối đa.

Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc SXH, tập trung vào đối tượng chính là trẻ em do khả năng đề kháng của cơ thể các em còn yếu. Người nhiễm bệnh thường có những biểu hiện như sốt cao đột ngột từ 2 đến 7 ngày, xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm, chảy máu cam, nôn ra máu. Ngoài ra, người bệnh còn bị sốc với mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm hoặc không đo được, chân tay lạnh, bứt rứt... Kèm theo một số triệu chứng không đặc trưng như: chán ăn, đau cơ, đau khớp, đau bụng. SXH có khả năng dẫn đến trụy tim mạch, gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

“Khi người dân có những biểu hiện nghi ngờ như nổi mẩn đỏ, phát ban trên da, đau nhức đầu, nhức mắt, đau các vùng khớp và cơ... nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà”, thạc sĩ Ánh khuyến cáo.

Cũng theo thạc sĩ Đặng Quang Ánh, Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, cả hệ thống chính trị thực hiện công tác phòng, chống dịch này nên gặp khó khăn trong việc bố trí nhân lực thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phòng, chống SXH khi vào mùa. Vì vậy, khi địa phương có phương án thống nhất cho học sinh đi học trở lại, CDC sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị, trường học sẵn sàng vệ sinh trường lớp để tránh nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm.

Cảnh giác bệnh tay chân miệng

Ngoài SXH, thời tiết giao mùa cũng khiến bệnh tay chân miệng xuất hiện nhiều. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 427 ca mắc tay chân miệng, không có ca tử vong. Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ em thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da... Để phòng, chống hiệu quả, thạc sĩ Đặng Quang Ánh yêu cầu người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, đặc biệt vào các thời điểm trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ...

“Người dân cần phải ăn chín, uống chín; bảo đảm nước sạch sử dụng sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay; không cho trẻ dùng chung khăn lau, dụng cụ ăn uống. Ngoài ra, mọi người cần để thông thoáng nhà ở, nơi sinh hoạt, trường học; thường xuyên lau sạch các bề mặt tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, sàn nhà... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Khi trẻ mắc bệnh cần thông báo với trạm y tế nơi cư trú để được hướng dẫn cách phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng; cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác”, thạc sĩ Ánh nhấn mạnh.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.