Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, từ ngày 2-11, ngành y tế, giáo dục và các địa phương phối hợp triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng là học sinh từ 15 đến dưới 18 tuổi. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch tiêm hơn 100.000 mũi vắc-xin cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi của thành phố, triển khai trong tháng 11 và 12 với mục tiêu đạt tỷ lệ bao phủ cao đối với trẻ trong độ tuổi tiêm vắc-xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thành phố triển khai kế hoạch tiêm hơn 100.000 mũi vắc-xin cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. TRONG ẢNH: Tiêm vắc-xin cho học sinh tại Cung Thể thao Tiên Sơn, sáng 2-11. Ảnh: NGỌC HÀ |
Phụ huynh, học sinh đều yên tâm
Từ sáng sớm, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh tập trung đến Cung Thể thao Tiên Sơn để khám sàng lọc trước khi tiêm. Em Võ Hà Giang, học sinh lớp 12/10 cho biết, em cũng như gia đình rất ủng hộ việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19, bảo đảm sức khỏe trước khi trở lại trường học trực tiếp. Không chỉ học sinh mà nhiều phụ huynh cũng vui mừng khi con em được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để sớm đến trường, gặp thầy cô, bạn bè, được học trực tiếp, củng cố kiến thức cho kỳ thi quan trọng.
“Gia đình tôi đều đã tiêm vắc-xin, chỉ có hai con sắp trở lại trường nhưng chưa được tiêm nên tôi khá lo lắng. Do đó, ngay khi có thông tin thành phố triển khai tiêm cho học sinh, tôi rất vui. Với kinh nghiệm đã trải qua, tôi hướng dẫn, dặn dò con kỹ về những việc nên làm trước và sau tiêm. Tôi nghĩ rằng, phụ huynh nên ủng hộ việc tiêm vắc-xin vì đây là điều kiện để các con sẵn sàng trở lại trường học”, chị N.T.S (phụ huynh học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) bày tỏ.
Theo bác sĩ Trần Minh Hồi, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Hải Châu, từ ngày 2 đến 4-11, tại Cung Thể thao Tiên Sơn sẽ tiêm cho gần 8.700 học sinh THPT. Để bảo đảm an toàn cho học sinh khi tiêm vắc-xin, trung tâm chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, thực hiện giãn cách đúng quy định, đặc biệt theo dõi sau tiêm.
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, theo thống kê, có 56.740 học sinh từ 12 đến 15 tuổi; 45.485 học sinh từ 15 đến dưới 18 tuổi. Với số lượng học sinh khá đông, sở chỉ đạo các trường phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, Đoàn Thanh niên cùng giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn học sinh.
Để triển khai tiêm vắc-xin cho học sinh, học viên đạt hiệu quả, an toàn, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các trường và trung tâm tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động này đến toàn thể phụ huynh, học sinh, học viên nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ; thông tin kịp thời nội dung phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng đối với trẻ em để phụ huynh nghiên cứu, đặc biệt có thông tin đến bộ phận khám sàng lọc tại điểm tiêm về tình hình sức khỏe của con em mình; hướng dẫn phụ huynh đưa học sinh, học viên đi tiêm chủng khi đến lịch; thực hiện 5K trước, trong và sau khi tiêm chủng; chủ động theo dõi và phát hiện các dấu hiệu bất thường sau khi tiêm chủng; tải app Sổ sức khỏe điện tử để theo dõi hồ sơ tiêm chủng và phản hồi phản ứng sau tiêm chủng; cho học sinh, học viên ăn uống đầy đủ trước khi đến điểm tiêm.
“Ngày 2-11, Sở GD&ĐT chia nhiều đoàn đi khảo sát các điểm tiêm chủng. Thực tế cho thấy, học sinh chuẩn bị sẵn giấy tờ, thuận lợi cho việc kiểm tra y tế trước khi tiêm. Sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương liên quan, lực lượng công an rất chặt chẽ nên công tác tiêm chủng diễn ra đúng kế hoạch. Sau khi kết thúc đợt tiêm, sở sẽ thống kê số lượng học sinh, học viên tiêm vắc-xin và có kế hoạch triển khai các bước tiếp theo”, ông Linh cho biết.
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh từ 15 đến dưới 18 tuổi, sáng 2-11 tại điểm tiêm Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (quận Sơn Trà). Ảnh: PHAN CHUNG |
Sẵn sàng, chuẩn bị kỹ
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, để triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, thành phố huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng bao gồm cơ sở trong và ngoài ngành y tế, lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị, xã hội, ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ tối đa cho công tác tiêm chủng. “Mục tiêu của kế hoạch là chủ động phòng, chống bằng việc tiêm vắc-xin, trong đó hơn 90% trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm đủ mũi vắc-xin phòng Covid-19 theo từng đợt phân bổ; đồng thời bảo đảm an toàn, đạt tiến độ tiêm chủng nhanh nhất khi nhận đủ số lượng vắc-xin cần tiêm”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế, để chuẩn bị cho hoạt động tiêm chủng với đối tượng là trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, ngành y tế tổ chức tập huấn trong toàn ngành theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Công tác tập huấn giúp việc tổ chức tiêm chủng vừa nhanh chóng, thuận tiện, bảo đảm an toàn, trong đó đặc biệt lưu ý theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm để xử trí kịp thời các phản ứng có thể xảy ra. Những trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, dị ứng nặng hoặc tình trạng sức khỏe bất thường khi đến tiêm tại các điểm tiêm ở cộng đồng sẽ được tư vấn, hướng dẫn khám sàng lọc để tiêm chủng và theo dõi tại các điểm tiêm chuyển tuyến tại Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Trong thời gian từ ngày 2 đến 5 -11, ngành y tế phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan thiết lập 19 điểm tiêm trên toàn thành phố với hơn 120 bàn tiêm.
“Việc theo dõi sau tiêm cũng hết sức quan trọng. Theo đó, nhân viên y tế tại các điểm tiêm có nhiệm vụ hướng dẫn đối tượng tiêm chủng, phụ huynh, người giám hộ theo dõi trẻ chặt chẽ tại nhà trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng. Đặc biệt, cần theo dõi kỹ trong vòng 7 ngày đầu tiên sau tiêm chủng về các dấu hiệu như toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm và thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường”, bác sĩ Hồng cho biết.
Một số phản ứng sau tiêm và cách xử trí Theo bác sĩ Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, một số triệu chứng thường gặp sau tiêm sẽ giảm, hết sau 1-3 ngày gồm: sốt; sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm; đau đầu, mỏi cơ, ớn lạnh. Cách xử trí là theo dõi thân nhiệt, nếu sốt ≥38,50C sử dụng giảm đau hạ sốt (paracetamol 500mg/ lần cách nhau 4-6 giờ), không đắp bất cứ vật gì vào vị trí tiêm; bổ sung đủ nước, có thể bổ sung các loại nước hoa quả như chanh, cam để cung cấp vitamin. Một số triệu chứng hiếm gặp sau tiêm là: tê quanh môi, lưỡi; ăn uống kém, nôn mửa, bỏ bữa, tiêu chảy, đau quặn bụng; phát ban, mẩn đỏ, đỏ da, da nổi vân tím, chi lạnh, nhợt nhạt; thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho; ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc ở họng; toàn thân chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, kích thích, mệt lả; thần kinh co giật, đau đầu dữ dội, dai dẳng hoặc nhìn mờ, nhìn đôi, có dấu hiệu thần kinh khu trú… Khi xuất hiện các triệu chứng trên, đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời; nhờ người nhà gọi Cấp cứu 115 khi có triệu chứng đường hô hấp hoặc toàn thân. |
NGỌC HÀ - PHAN CHUNG