Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch bệnh diễn ra sáng 2-8, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, ngành y tế tập trung triển khai các giải pháp cần thiết trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch cao.
Báo cáo của nhiều địa phương cho thấy, số ca mắc Covid-19 mới thời gian qua tăng lên; trong đó có yếu tố chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cũng như chậm triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh trên địa bàn quận Hải Châu. Ảnh: PHAN CHUNG |
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường
Theo Bộ Y tế, công tác phòng, chống dịch thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu. Vẫn có tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Một số nơi chưa quyết liệt, chưa có sự vào cuộc hoặc phối hợp chưa đồng bộ của các cấp, các ngành cùng với ngành y tế trong công việc thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định: “Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. WHO vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch toàn cầu. Bên cạnh đó, virus SASR-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin và nguy cơ tăng bệnh nặng, tử vong”.
Theo thống kê, 7 tháng đầu năm cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc Covid-19 (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), gần 11.000 ca tử vong (0,1%). Từ cuối tháng 3, dịch có xu hướng giảm mạnh và hiện vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron đã được ghi nhận trong nước. Đặc biệt, số ca mắc mới trong tuần vừa qua tăng 48% so với tuần trước và dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
“Một trong những biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả hiện nay chính là đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin. Tuy nhiên trên thực tế, tốc độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở một số địa phương vẫn chưa đạt theo yêu cầu, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Có tình trạng né tránh tiêm vắc-xin ở một bộ phận người dân; công tác truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là công tác tiêm chủng vắc-xin chưa hiệu quả”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Tại Đà Nẵng, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có dấu hiệu tăng cao. Trong tháng 7, toàn thành phố ghi nhân 1.615 ca mắc Covid-19, giảm 33,6% so với tháng trước. Tuy nhiên, trong tuần từ ngày 25 đến 31-7, thành phố đã ghi nhận 681 trường hợp Covid-19, tăng 50,7% so với tuần trước. Trong số các ca mắc mới có 570 trường hợp tự đến các cơ sở y tế khám, xét nghiệm.
Để nâng cao hiệu quả kiểm soát, phòng, chống Covid-19, UBND thành phố yêu cầu ngành y tế phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19, trong đó tập trung nhóm đối tượng học sinh, cán bộ, giáo viên trước thềm năm học mới. Ảnh: PHAN CHUNG |
Đẩy mạnh tiêm vắc-xin
Theo bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế, để nâng cao hiệu quả phòng, chống Covid-19 trong bối cảnh diễn biến phức tạp, ngành y tế tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng vắc-xin. Tính đến hết tháng 7, Đà Nẵng đã tổ chức tiêm hơn 2,87 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 đạt trên 99,9%, mũi 2 đạt 99,6%, mũi bổ sung đạt 83,5%, mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) đạt 73,86% và mũi nhắc lại lần 2 đạt 12,05%.
Đối với trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt trên 99,9%; mũi 2 đạt 98,8% và mũi nhắc lại đạt 16,04%. Riêng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 đạt 31,52% số trẻ quản lý theo báo cáo UBND quận, huyện, mũi 2 đạt 12,7% (số trẻ đã tiêm mũi 1). Với tỷ lệ này, Đà Nẵng là một trong những tỉnh/thành phố trong cả nước có tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ rất thấp (mũi nhắc lại cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi dưới 20%, mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi dưới 40%).
“Tình hình tham gia tiêm chủng của người dân không ổn định theo kế hoạch tiêm, cả nước đang ở trạng thái bình thường mới, nên người dân đi lại giữa các địa phương để làm việc, học tập, dân cư biến động liên tục gây ảnh hưởng đến công tác dự trù, tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 và rà soát, thống kê số liệu gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, tâm lý của nhiều người dân chủ quan trước tình hình dịch bệnh, hoặc đã tiêm 2-3 mũi và mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ, do đó không đồng ý tham gia tiêm mũi bổ sung hay nhắc lại. Trong khi chủ trương tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại đang ở mức vận động người dân tham gia, chứ chưa có hướng dẫn cụ thể các biện pháp xử lý phù hợp đối với những người dân không tham gia tiêm chủng”, bác sĩ Trình cho biết.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh, tình hình Covid-19 tại Việt Nam có những diễn biến mới phức tạp, gia tăng số ca mắc bệnh với sự xuất hiện của nhiều ca mắc biến chứng BA.4, BA.5… Vì vậy, các ngành, các cấp tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tiếp tục quán triệt và làm sâu sắc hơn các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh, trong đó xác định xuyên suốt việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. Hiện tại là thời điểm các ngành, địa phương đẩy nhanh, mạnh kế hoạch tiêm vắc-xin, đặc biệt là đối với việc tiêm chủng cho trẻ trước khi vào năm học mới.
“Yêu cầu các sở, ngành, địa phương quán triệt, tập trung chỉ đạo sát sao các trường học trên địa bàn trong công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em; triển khai nghiêm túc, đầy đủ các văn bản của Trung ương và thành phố về công tác tiêm chủng vắc-xin. Ngành giáo dục phải quán triệt, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là triển khai, hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho cán bộ, giáo viên và học sinh trước khi vào năm học”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến lưu ý.
PHAN CHUNG