Ngành y tế đang phối hợp các địa phương triển khai kế hoạch tiêm chủng mở rộng, nhất là đối với trẻ em. Đây là hoạt động giúp công tác phòng, chống các loại dịch bệnh được chủ động, hiệu quả hơn; đặc biệt trong bối cảnh thời tiết chuyển mùa là lúc thích hợp xuất hiện và bùng phát nhiều loại dịch bệnh.
Tiêm vắc-xin phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Trạm Y tế phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) vừa kết thúc tiêm chủng đợt 1 trong tháng 9 cho trẻ em trên địa bàn phường. Theo y sĩ Lê Thị Kim Yến, Trưởng Trạm Y tế phường An Hải Bắc, hoạt động TCMR tại phường được chia làm 2 đợt trong tháng, trong đó đợt 1 từ ngày 11 đến 13; đợt 2 từ ngày 24 đến 26. Trong khoảng thời gian đó, căn cứ vào số lượng vắc-xin được cung ứng, phường sẽ thông báo cho người dân biết để chủ động đưa con, em mình đến tiêm. “Địa phương tiêm theo hình thức cuốn chiếu, nghĩa là mỗi buổi sẽ tổ chức tiêm 1 loại
vắc-xin. Trong điều kiện vắc-xin cung ứng không đủ so với số trẻ có nhu cầu trên địa bàn, chúng tôi cũng hỗ trợ tư vấn để phụ huynh hiểu vai trò quan trọng của việc tiêm chủng giúp trẻ chủ động phòng bệnh, từ đó lựa chọn tiêm vắc-xin dịch vụ để trẻ không bị quá lứa tuổi tiêm chủng”, y sĩ Yến cho biết.
Công tác TCMR cũng được các địa phương triển khai đồng loạt, đây là hoạt động được triển khai thường xuyên mỗi tháng. Hiện nay chương trình TCMR đang triển khai tiêm chủng miễn phí cho phụ nữ mang thai và trẻ em với các loại vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi- Rubella, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B…
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC) thành phố, năm 2023, tỷ lệ TCMR trên địa bàn thành phố hiện nay chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân xuất phát từ yếu tố khách quan, chính là việc cung ứng nguồn vắc-xin cho địa phương bị gián đoạn. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã tiêm vắc-xin miễn dịch cơ bản cho hơn 13.400 trẻ dưới 1 tuổi, đạt tỷ lệ 57%; hơn 12.400 trẻ trên 12 tháng tuổi được tiêm các mũi vắc-xin như Sởi-Rubella; bạch hầu-ho gà-uốn ván; viêm não Nhật Bản với tỷ lệ đạt từ 49-72%. Có 69% phụ nữ mang thai được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin phòng uốn ván…
Tiêm vắc-xin cho trẻ em tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng, tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc tiêm chủng giúp cho dự phòng và bảo vệ sức khỏe cho con người, qua đó góp phần phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt là trẻ em sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra, giúp trẻ phát triển bình thường.
Hiện nay, các loại dịch bệnh diễn biến phức tạp, dễ phát triển, bùng phát do môi trường sống, khí hậu thay đổi, việc tiêm chủng sẽ giúp phòng tránh được một số bệnh dịch nguy hiểm và tình trạng tàn tật dị tật ở trẻ em, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh tật, giảm số ngày ốm và nhập viện, giảm chi phí chăm sóc y tế, đặc biệt giảm thời gian và công sức chăm sóc trẻ bị bệnh.
“Do đó, để phòng tránh các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, các bậc cha mẹ khi được các nhân viên y tế địa phương thông báo, hãy quan tâm đưa trẻ đến Trạm Y tế địa phương để được khám, tư vấn và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho trẻ. Vắc-xin dùng trong chương trình TCMR không phải trả tiền, an toàn và hiệu quả để phòng bệnh cho trẻ em”, bác sĩ Hóa cho biết.
Hiện nay nguồn cung ứng vắc-xin cho các địa phương đều hạn chế, điều này ảnh hướng đến tiến độ, tỷ lệ TCMR của ngành y tế. Trước thực trạng trên, ngành y tế thành phố đã chỉ đạo các cơ sở y tế địa phương chủ động quản lý đối tượng trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, chưa được tiêm vắc-xin để tiêm bù ngay sau khi được cung ứng. Vừa qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã có công văn gửi CDC các tỉnh, thành khu vực miền Trung về việc rà soát, đề xuất cung ứng các loại vắc-xin cần thiết thời điểm này để cung ứng, phân phối kịp thời cho công tác TCMR.
“Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế, CDC đã tổ chức rà soát trẻ trên 2 tháng tuổi đến dưới 18 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các loại vắc-xin có thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B. Đồng thời ưu tiên vắc-xin mới được phân bổ để tiêm cho trẻ chưa được tiêm mũi 1. Trong trường hợp không đủ vắc-xin để tiêm hết mũi 1 cho trẻ thì ưu tiên tiêm cho những trẻ có tháng tuổi nhỏ nhất để bảo đảm đủ liều tiêm trong độ tuổi cho trẻ”, bác sĩ Hóa cho biết thêm.
PHAN CHUNG