Thông tư số 13/TT-BYT ngày 29-6-2023 của Bộ Y tế quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp. Thông tư này nhận được nhiều ý kiến quan tâm, tuy nhiên theo tìm hiểu, đến nay, trên địa bàn thành phố vẫn chưa áp dụng triển khai do vướng mắc phải chờ hướng dẫn.
Việc triển khai dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. TRONG ẢNH: Phẫu thuật chấn thương đốt sống tủy cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Đáp ứng nhu cầu
Thông tư 13 quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc Bộ Y tế, các bộ, ngành và địa phương cung cấp và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu gồm khám bệnh, giường điều trị, các dịch vụ kỹ thuật y tế theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh đó còn có dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp, thực hiện theo Thông tư số 21/2019/TT-BYT ngày 21-8-2019 của Bộ Y tế. Về giá dịch vụ, khung giá dịch vụ ban hành tại Thông tư 13 bao gồm mức giá tối đa và tối thiểu, mức giá cụ thể dịch vụ theo yêu cầu được phê duyệt không được thấp hơn hoặc cao hơn khung giá quy định tại thông tư.
Cụ thể, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt tối thiểu là 100.000 đồng, tối đa 500.000 đồng/lượt. Giá giường bệnh theo yêu cầu loại 1 giường/phòng có giá tối thiểu là 180.000 đồng, tối đa là 4 triệu đồng/ngày. Một số dịch vụ khác cũng được quy định rõ ràng như phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực là dịch vụ có giá cao nhất, tối đa hơn 134 triệu đồng và tối thiểu là hơn 91 triệu đồng. Phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý tiêu hóa, ổ bụng, giá cao nhất hơn 124 triệu đồng, thấp nhất hơn 96,6 triệu đồng…
Theo đánh giá của các cơ sở y tế, việc thực hiện Thông tư 13 trong bối cảnh hiện nay là phù hợp. Thực tế hiện nay nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng cao, nhiều người bệnh thậm chí bỏ chi phí cao để đi nước ngoài chữa bệnh, trong khi chuyên môn trong nước vẫn đáp ứng được.
Theo bác sĩ Ngô Văn Đình Hoài, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, đơn vị đã sẵn sàng triển khai, áp dụng Thông tư 13 trong hoạt động khám, chữa bệnh. “Thực tế trong những năm qua, đơn vị đã tập trung phát triển đề án bệnh viện vệ tinh, chủ động học hỏi, làm chủ những kỹ thuật của bệnh viện hạng 1 chuyển giao. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà vừa được đầu tư nâng cấp, xây mới, mở rộng quy mô, đầu tư thêm trang thiết bị.
Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để chúng tôi triển khai khám, chữa bệnh theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay đơn vị chưa triển khai vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể”, bác sĩ Hoài cho biết. Việc triển khai khám, chữa bệnh theo yêu cầu của khách hàng cũng là nhu cầu tất yếu khi hiện nay các cơ sở y tế đang triển khai, áp dụng cơ chế tự chủ tài chính theo quy định.
Cùng quan điểm này, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, khám, chữa bệnh theo yêu cầu đáp ứng được mong muốn, nhu cầu của bệnh nhân. Trong bối cảnh hiện nay, khi bệnh nhân muốn được chăm sóc tốt, tư vấn kỹ lưỡng, điều trị hiệu quả cũng như có một không gian đủ tiêu chuẩn thì khám, chữa bệnh theo yêu cầu đáp ứng hoàn toàn những nguyện vọng đó.
“Tuy nhiên, hiện nay trong bối cảnh cơ sở y tế đang quá tải, việc triển khai khám, chữa bệnh theo yêu cầu cũng cần được xem xét kỹ, bảo đảm hài hòa lợi ích cho người bệnh, nhất là bệnh nhân khám, điều trị theo dịch vụ thông thường và bảo hiểm y tế. Bệnh viện Đà Nẵng đang thành lập hội đồng có sự tham gia của các khoa, phòng để triển khai Thông tư 13. Chúng tôi cân đối, tính toán kỹ từ cơ sở vật chất, thiết bị, không gian điều trị, nhân lực…, sau đó đơn vị thẩm định độc lập sẽ tiến hành kiểm tra kỹ và từ đó mới áp dụng mức giá dịch vụ theo nhu cầu”, bác sĩ Nhân cho biết.
Việc triển khai dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. TRONG ẢNH: Người dân đến khám tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Còn vướng mắc
Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, sau khi Thông tư 13 của Bộ Y tế ban hành, sở đã có công văn chuyển các cơ sở y tế trực thuộc để nắm bắt các thông tin, hướng dẫn. Trên thực tế, khi triển khai thông tư này, ngành đã gặp một số vướng mắc, khó khăn liên quan thẩm quyền, phương pháp xác định giá và liên quan tài sản công.
Đơn cử, căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật, “dịch vụ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng” là dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước. Như vậy, bệnh viện thực hiện các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở khai thác tài sản được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước thì có được xác định là “dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước” hay không?
Ngoài ra, ngành y tế cũng đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị hướng dẫn việc sử dụng tài sản công được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện dịch vụ khám, chữa bệnh yêu cầu và có thực hiện xây dựng đề án sử dụng tài sản công trình cấp thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện. Hiện nay, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê đều phải xây dựng đề án sử dụng tài sản công để thực hiện theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công như cho thuê căn-tin, nhà giữ xe, tự kinh doanh nhà thuốc…
“Hoạt động khám, chữa bệnh là hoạt động diễn ra liên tục, khác với một số hoạt động thuộc lĩnh vực khác chỉ thực hiện ban ngày, đồng thời số giường bệnh thực kê luôn nhiều hơn so với số giường kế hoạch được giao. Như vậy, khi sử dụng tài sản công như máy móc, thiết bị, cơ sở hạ tầng hiện có của đơn vị để cung cấp các hoạt động dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu sẽ không bảo đảm được điều kiện được quy định tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công khi lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh. Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Thông tư 13 của Bộ Y tế đã được chúng tôi có văn bản gửi Sở Tài chính phối hợp có ý kiến để sở tổng hợp và báo cáo xin ý kiến UBND thành phố trước khi triển khai”, bác sĩ Thủy cho biết.
PHAN CHUNG