Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng thấp

.

Tiêm chủng mở rộng (TCMR) thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia, có vai trò trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ TCMR trên địa bàn thành phố không đạt mục tiêu đề ra, thực trạng này hết sức nguy hiểm, làm suy giảm miễn dịch ở trẻ, gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh về lâu dài.

Tiêm vắc-xin không đầy đủ sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ảnh: PHAN CHUNG
Tiêm vắc-xin không đầy đủ sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ảnh: PHAN CHUNG

Theo Sở Y tế, tính đến hết tháng 10-2023, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ bình quân trên địa bàn thành phố chỉ đạt 68,95%, trong khi tiêu chuẩn, mục tiêu đề ra phải đạt hơn 80%. Một số loại vắc-xin có tỷ lệ tiêm chủng được thống kê, gồm phòng, chống lao (BCG, 83,84%); vắc-xin phòng, chống bại liệt mũi 3 (OPV, 76,81%); DPT-VGB-Hib mũi 3 (loại vắc-xin phối hợp phòng được 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib 68,51%); Sởi (79,33%); viêm gan B < 24h (79,83%); phụ nữ có thai được bảo vệ uốn ván UV2 (77,47%)... 

Theo dự kiến của ngành y tế, số trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh hơn 13.460 trẻ. Tại quận Sơn Trà, trong số hơn 2.220 trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm chủng các loại vắc-xin phòng bệnh, hiện chỉ hơn 1.180 trẻ được tiêm chủng đầy đủ, chiếm tỷ lệ hơn 53%. Chị Nguyễn Thị Thanh Mai (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), sinh con vào cuối năm 2022 nhưng đến thời điểm này, cháu vẫn còn thiếu nhiều mũi vắc-xin cần được tiêm theo lịch. “Từ giữa năm đến nay, các loại vắc-xin phòng các bệnh như: viêm gan B, bại liệt, sởi... đều không có để tiêm, mặc dù cháu đã đến lịch. Một số điểm tiêm dịch vụ cũng có nhưng do chi phí cao nên gia đình cũng không đưa cháu đi, đợi khi nào có thì tiêm bổ sung”, chị Mai cho biết.

Bác sĩ Ngô Văn Đình Hoài, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho biết, nguồn vắc-xin sau khi tiếp nhận từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố sẽ phân bổ về cho các địa phương. Trong bối cảnh vắc-xin cung ứng nhỏ giọt và thiếu, địa phương giao cho các trạm y tế phường lên danh sách tiêm và tiêm bù cho các trẻ, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu.

Tình trạng này cũng xảy ra tại nhiều địa phương như: Ngũ Hành Sơn (701/1.150 trẻ được tiêm chủng đầy đủ, đạt tỷ lệ 61%), Hòa Vang (1.763/2.678 trẻ được tiêm chủng đầy đủ, đạt tỷ lệ 66%), Cẩm Lệ (1.404/1.900 trẻ được tiêm chủng đầy đủ, đạt tỷ lệ 74%)... Theo CDC Đà Nẵng, dự kiến các tháng còn lại của năm 2023 và nhu cầu dự trữ trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành y tế hiện cần cung ứng khoảng 100.000 liều vắc-xin, gồm các loại như: BCG (hơn 7.200 liều), viêm gan B (hơn 11.680 liều), DPT-VGB-Hib (hơn 15.400 liều), bOPV (hơn 18.900 liều), viêm não Nhật Bản (hơn 20.700 liều), DPT (hơn 11.900 liều)…

Tuy nhiên trên thực tế, tính từ tháng 7-2023 đến nay, nhiều loại vắc-xin ngành y tế thành phố không được cung ứng như vắc-xin phòng, chống các bệnh viêm gan B, bại liệt (OPV), DPT-VGB-Hib, sởi, sởi-Rubela, DPT... Thực tế này khiến hoạt động TCMR tại các địa phương trên địa bàn thành phố bị gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, hiệu quả của hoạt động phòng chống dịch bệnh chủ động thông qua tiêm chủng.

Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng, chương trình TCMR của thành phố thời gian qua gặp nhiều khó khăn do nguồn cung ứng vắc-xin bị gián đoạn, không đủ vắc-xin cung ứng theo nhu cầu của các địa phương. Chỉ tính riêng trong năm  2023, một số loại để tiêm cho các đối tượng trong diện tiêm chủng đã hết, địa phương không được cung ứng từ tháng 2-2023. “Các địa phương căn cứ lượng vắc-xin còn tồn tại kho và khả năng được cung ứng để phân bổ cho trạm y tế phường,  sử dụng trong thời gian đến. Đồng thời, thông báo và giải thích cho người dân việc tạm hết các loại vắc-xin trong chương trình TCMR, các bậc cha mẹ cần tiếp tục đưa trẻ đến điểm tiêm chủng để tiêm các loại vắc-xin khác, giúp tăng khả năng phòng bệnh chủ động”, bác sĩ Hóa cho biết.

Để đáp ứng tình hình cũng như phù hợp các điều chỉnh liên quan đến mua sắm, cung ứng vắc-xin TCMR, địa phương đã tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, khi tự tổ chức đấu thầu, mua sắm riêng lẻ, số lượng mua sắm trong từng gói thầu không nhiều, chủng loại mua sắm của các địa phương khác nhau sẽ khó kiểm soát được chất lượng, giá mua vắc-xin trên toàn quốc. Trong trường hợp tỉnh, thành phố có sự biến động về đối tượng tiêm chủng và nhu cầu sử dụng vắc-xin sẽ không thể điều tiết số lượng, dẫn đến việc lãng phí vắc-xin. Ngoài ra, có thể xảy ra tình trạng thiếu vắc-xin do đấu thầu không thành công. Nguyên nhân là không có nhà thầu tham gia, không có mặt hàng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật/tài chính; nhu cầu sử dụng vắc-xin thực tế vượt số lượng trúng thầu… Việc xử lý các tình huống trên tốn thời gian nên không kịp thời cung cấp đủ vắc-xin phục vụ hoạt động tiêm chủng.

Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, trước những điều chỉnh mới về chính sách mua, cung ứng vắc-xin trong chương trình TCMR, Sở Y tế đã rà soát các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và cấp có thẩm quyền để xây dựng hồ sơ theo nghị quyết của HĐND thành phố sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 73/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố quy định mức chi thực hiện chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố, làm cơ sở để trình HĐND thành phố tại kỳ họp cuối năm 2023.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.