HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH DOANH NGHIỆP APEC (CEO SUMMIT)

Cơ hội lớn hợp tác và phát triển

.

Ngày 8-11, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit) với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Ariyana, Đà Nẵng. Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì với sự tham dự của gần 2.000 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp (DN) khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit). 		           Ảnh: ĐẶNG NỞ
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit). Ảnh: ĐẶNG NỞ

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự và phát biểu tại lễ khai mạc. Về phía thành phố Đà Nẵng, có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí; Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.

Giải quyết 3 vấn đề cấp bách

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định, APEC CEO Summit là sự kiện có quy mô lớn nhất của cộng đồng DN khu vực. Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, APEC đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa hàng trăm triệu người thoát cảnh đói nghèo.

Ngày nay, APEC là cơ chế hợp tác hiệu quả nhất trong việc phát huy vai trò của DN, đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu, là vườn ươm của các ý tưởng mới cho tương lai. Bên cạnh việc đóng góp phần lớn vào tổng đầu tư thương mại và GDP toàn cầu, cộng đồng DN APEC còn đóng vai trò tiên phong trong phát triển các ngành công nghệ, năng lượng mới, các hình thức hợp tác kinh doanh, các lĩnh vực thương mại, đầu tư thế hệ mới, đem lại của cải, vật chất dồi dào hơn, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, trong nhiều năm qua và đặc biệt qua gần một năm triển khai Năm APEC 2017, Việt Nam đã cùng các nền kinh tế thành viên xây dựng, triển khai nhiều nội dung hợp tác thiết thực cho người dân và DN về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, phát triển DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, thúc đẩy kinh tế số và kinh tế mạng, phát triển bao trùm về tài chính, kinh tế và xã hội. “Mục tiêu xuyên suốt là nỗ lực cùng nhau đặt người dân và DN vào vị trí trung tâm của sự phát triển”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị cộng đồng DN châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục cùng chính phủ giải quyết 3 vấn đề cấp bách để APEC duy trì vai trò diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực. Thứ nhất, duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong trong tự do hóa thương mại và đầu tư, hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020 được xem là ưu tiên hàng đầu; đẩy mạnh hợp tác công - tư, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Thứ hai, APEC cần nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển. Theo đó, cộng đồng DN cần phát huy trách nhiệm xã hội, tích cực đóng góp xây dựng các cộng đồng tự cường và bao trùm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực - nước - năng lượng, truyền tải tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, hỗ trợ các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu.

Thứ ba, các DN trong khu vực cần tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn APEC sau năm 2020 về xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới đồng bộ và toàn diện, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, gồm: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Cùng với đó, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, kinh tế biển, du lịch; chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo vệ môi trường, mở rộng không gian kinh doanh cho các chủ thể, khơi dậy mọi tiềm năng của DN, tăng cường trách nhiệm thực thi và đề cao thượng tôn pháp luật. Cùng với quá trình đổi mới toàn diện, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tích cực đóng góp vào các cơ chế đa phương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit).  		     Ảnh: ĐẶNG NỞ
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit). Ảnh: ĐẶNG NỞ

Tương lai của toàn cầu hóa và việc làm

Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI Việt Nam kiêm Chủ tịch APEC CEO Summit 2017 nhấn mạnh, những vấn đề hội nghị cần bàn là toàn cầu hóa và tương lai của các nền kinh tế APEC, bắt đầu từ việc làm và chất lượng nguồn nhân lực - tài nguyên quan trọng nhất trong nền kinh tế mới của khu vực.

Bên cạnh đó, những ngành công nghiệp cũng đem đến cơ hội việc làm trong tương lai. Các sáng kiến tăng cường kết nối khu vực, về các chân trời mới của thương mại tự do, kỷ nguyên số và công nghệ, việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững cũng rất được DN quan tâm. Đó là những vấn đề nghị sự nóng bỏng cho sự phát triển của APEC và của nền kinh tế thế giới ở Thiên niên kỷ thứ 3 này.

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cũng bày tỏ lo ngại: “APEC của chúng ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: APEC đang đối diện với tình trạng “bình thường mới” với đà tăng trưởng chậm lại, tốc độ tăng năng suất thấp và tình trạng bất bình đẳng gia tăng, khiến chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trỗi dậy và gây ra nhiều trở lực cho quá trình toàn cầu hóa. Hơn lúc nào hết, phát triển và hội nhập bao trùm để cùng thịnh vượng đang trở thành yêu cầu quan trọng sống còn cho tất cả các nền kinh tế APEC của chúng ta”.

Tại phiên thảo luận về tương lai của toàn cầu hóa, ông Ian Bremmer, Chủ tịch Tập đoàn Eurasia nhận định, toàn cầu hóa là điều đang diễn ra từng ngày, từng giờ và khu vực APEC là nơi cảm nhận sự tác động của quá trình này rõ ràng nhất. “Thực tế là hiện nay, dù kinh tế đang phát triển tốt nhưng tình hình chính trị ở nhiều nơi đang bị xáo động. Lo lắng của tôi về quá trình toàn cầu hóa là nó có thể không giống với sự mong đợi của một bộ phận dân số. Sẽ có những người mất việc, sẽ có những người bị bỏ lại phía sau”, ông Bremmer nói. Trong khi đó, ông Robert Moritz, Chủ tịch hãng kiểm toán PwC đánh giá mức độ tự tin trong khu vực APEC đang tăng dần do thu nhập và mức độ nhận thức của người dân ngày càng tăng cao. Theo ông Moritz, nhiều DN trên thế giới đang muốn đầu tư vào APEC, điều này có thể phần nào giải quyết vấn đề mà ông Bremmer đặt ra.

Diễn ra từ ngày 8 đến 10-11, APEC CEO Summit 2017 quy tụ các nhà lãnh đạo từ những nền kinh tế năng động nhất của thế giới, các diễn giả từ những tổ chức có ảnh hưởng toàn cầu. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới như Walmart, Facebook, Exxon Mobile, Fedex… Nhiều vấn đề quan trọng về hợp tác, liên kết phát triển được các nhà lãnh đạo, đại diện các tập đoàn trao đổi, thảo luận tại hội nghị này.

* Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) khu vực Đông Á -  Thái Bình Dương (WB):

Điều quan trọng đối với Việt Nam là phải làm sao để người lao động có những kỹ năng cần thiết, phù hợp với môi trường công việc trong tương lai. APEC là diễn đàn khổng lồ với 60% GDP của thế giới.

Rất nhiều vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam là ở khu vực này. Do đó, tôi nghĩ Việt Nam nên tiếp tục thắt chặt mối quan hệ thương mại, đầu tư với các nền kinh tế trong APEC. Đây cũng có thể được xem là nền tảng để Việt Nam tiếp tục vươn xa các mối quan hệ của mình ra với các quốc gia khác ngoài khu vực.

* Ông EricL.Schmidt, CEO từ Event Bank (Mỹ):

Tôi nghĩ toàn cầu hóa có hai phần, một phần là các hiệp định thương mại tự do mang các quốc gia lại gần nhau hơn. Theo đó, công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tuyền tải thông tin và kết nối.

Tuy nhiên, chính công nghệ cũng mang lại những thách thức. Bởi công nghệ có thể thay thế những người làm các công việc truyền thống khiến họ mất việc làm. Ngay cả sự tiếp cận công nghệ đối với những người ở các khu vực khác nhau trên thế giới cũng không giống nhau.

KHANG NINH - DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.