Bếp thiện nguyện cung cấp hàng ngàn suất ăn cho tuyến đầu chống dịch

ĐNO - Được triển khai từ ngày 1-8, dự án bếp thiện nguyện Danang Kitchen là tâm huyết của bà Nguyễn Trúc Chi, một chuyên gia ẩm thực đến từ thành phố Hồ Chí Minh đang lưu trú tại Đà Nẵng trong những ngày có dịch. Từ bếp ăn này, hàng ngàn suất ăn chất lượng đã ra lò, sẵn sàng cung cấp cho các y bác sĩ, bệnh nhân, lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại các khu vực cách ly, phong tỏa trên địa bàn thành phố.

Ảnh: XUÂN SƠN
Khu vực chế biến của Danang Kitchen tại nhà hàng Khói Garden (quận Hải Châu).

Bà Nguyễn Trúc Chi chia sẻ: "Sau chuyến làm việc kéo dài 4 ngày ở Đà Nẵng, tôi chưa thể về nhà do ảnh hưởng của Covid-19 rồi quyết định ở lại. Sau đó, chúng tôi có dự định tổ chức một bếp nấu ăn bảo đảm tiêu chuẩn ngon, sạch sẽ, vệ sinh để cung cấp bữa ăn cho lực lượng làm nhiệm vụ ở tuyến đầu".

Sau khi bà Chi liên hệ với một số người quen để tổ chức bếp ăn, chỉ mất 1 ngày chuẩn bị với địa điểm là một nhà hàng trên địa bàn quận Sơn Trà, bếp ăn thiện nguyện đầu tiên của Danang Kitchen đã "đỏ lửa" vào sáng 1-8 với những suất cơm đầu tiên.

Chị Lê Thị Bích Hương, thành viên của Danang Kitchen cho hay: "Mong muốn của chúng tôi là sẽ lan tỏa quy trình nấu cơm sạch, chuẩn đến các bếp cơm thiện nguyện trên địa bàn, để các y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch có những bữa ăn chất lượng. Chúng tôi hy vọng sẽ duy trì và mở rộng các bếp của Danang Kitchen để có thể hỗ trợ nhiều hơn những bữa ăn chất lượng, ngay cả khi dịch đã được kiểm soát để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, người vô gia cư, người lao động nghèo...".

Ảnh: XUÂN SƠN
Danang Kitchen đã triển khai được 2 bếp nấu thiện nguyện ở quận Hải Châu, 1 bếp ở quận Sơn Trà và đang khảo sát để mở thêm 1 bếp mới ở Liên Chiểu. 
Ảnh: XUÂN SƠN
Tại đây, những người tham gia chế biến đều phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng, chống dịch như: phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi tham gia nấu, khai báo y tế, ghi tên đánh dấu giờ ra-vào bếp, rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt khi ra-vào nơi chế biến, đeo khẩu trang y tế, mang bao tay khi chế biến.
Ảnh: XUÂN SƠN
Tại các bếp của Danang Kitchen, ai có gì góp nấy, hầu hết nguyên liệu đầu vào đều được các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân gửi đến. Dựa trên những nguyên liệu đó, đầu bếp chính sẽ tự cân đối, lên thực đơn để chế biến món ăn cho mỗi ngày.
Ảnh: XUÂN SƠN
Canh, nước chấm thay vì bỏ bao ni-lon sẽ được cho vào các hộp nhựa. 
Ảnh: XUÂN SƠN
Mỗi ngày, công việc ở các bếp bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc lúc 21 giờ, từ khâu vận chuyển nguyên liệu, sơ chế, chế biến, đóng gói và vận chuyển đi... 
Ảnh: XUÂN SƠN
Hiện tại, các bếp có thể cung cấp 4.000 - 5.000 suất cơm/ngày cho các khu cách ly, khu phong tỏa. 
Tiếc nuối trước cơ hội bị bỏ lỡ. Ảnh: XUÂN SƠN
Một phần cơm sau khi được bỏ đầy đủ cơm, rau, đồ xào, đồ mặn vào hộp sẽ được đưa đến khu vực khử khuẩn. Tại đây, thức ăn được khử khuẩn bằng cách chiếu tia UV.
Ảnh: XUÂN SƠN
Sau khi được khử khuẩn, cơm được đưa sang máy đóng nắp tự động để bảo đảm mọi hộp cơm chuyển đến tay các y bác sĩ, bệnh nhân, lực lượng tuyến đầu chống dịch phải sạch khuẩn.
Ảnh: XUÂN SƠN
Mỗi ngày, Danang Kitchen sẽ nhận được thông báo về số lượng hộp cơm, địa điểm và số điện thoại liên hệ của các đầu mối nhận cơm ở các điểm từ Sở Y tế thành phố. Trên cơ sở đó, Ban điều hành Da Nang Kitchen sẽ phân bổ số lượng suất cơm phải nấu tại các bếp sao cho hợp lý nhất, không để xảy ra tình trạng thừa mứa, gây lãng phí thức ăn.
Ảnh: XUÂN SƠN
Đúng 10 giờ 30 và 17 giờ mỗi ngày, các suất cơm sẽ được đóng gói cẩn thận và được vận chuyển bằng xe tải chuyên dụng đến các điểm tiếp nhận theo quy định của thành phố, thay vì đưa trực tiếp đến những nơi thực hiện cách ly hay phong tỏa. Tại mỗi điểm, các tình nguyện viên sẽ đặt thức ăn tại một nơi cố định để lực lượng phụ trách đến tiếp nhận, thay vì trao tay trực tiếp nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

 XUÂN SƠN

 

;
;
.
.
.
.
.