Khuyến khích học nghề để đáp ứng thị trường lao động

.

ĐNO - Sau Covid-19, nhiều doanh nghiệp khôi phục sản xuất, gia tăng đơn hàng từ thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nguồn lao động vẫn chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn từ phía doanh nghiệp bởi thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Trước thực trạng này, nhiều năm nay, việc học nghề đang được khuyến khích cho học sinh sau khi hoàn thành cấp THCS,THPT. 

 
Video: CHÁNH LÂM - THU DUYÊN

Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, từ đầu năm 2022 đến nay có 631 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với 12.653 vị trí việc làm đã qua đào tạo.

Trong đó, yêu cầu từ trình độ đại học trở lên là 1.342 lao động, cao đẳng 1.172, trung cấp 1.907, sơ cấp là 2.946 và công nhân kỹ thuật là 5.286 lao động. Tuy nhiên, nguồn lao động vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hiện nay. Nguyên nhân xuất phát một phần từ thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

Để góp phần giải quyết vấn đề này, học sinh được khuyến khích học nghề sau khi hoàn thành cấp THPT. Đối với học sinh cấp THCS không có nguyện vọng tiếp tục học lên sẽ được khuyến khích, định hướng học nghề theo chương trình đào tạo 9+. 

Giờ học lý thuyết kết hợp quan sát máy móc thực tế của lớp công nghệ ô tô. Ảnh: CHÁNH LÂM
Học viên học lý thuyết kết hợp với quan sát máy móc thực tế. Ảnh: CHÁNH LÂM

Việc học nghề giúp học sinh, sinh viên có thể tham gia thị trường lao động sớm. Chương trình học chú trọng đào tạo kỹ năng nghề. Tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, nhà trường trở thành đối tác với 150 doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng để liên kết đào tạo và giải quyết việc làm cho học viên.

Trong chương trình đào tạo của nhà trường, nội dung thực hành chiếm hơn 80% giúp học viên rèn luyện kỹ năng nghề. Ngoài ra, nhà trường cũng gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để sinh viên đến thực tập, sớm trải nghiệm môi trường thực tế.

Đối với doanh nghiệp, việc tuyển dụng lao động có tay nghề sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí đào tạo. Sản phẩm do lao động có tay nghề làm ra chất lượng hơn so với lao động phổ thông mới vào nghề. Từ đó, giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục, đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chị Huỳnh Thị Ánh Tuyết (Phòng Nhân sự, Công ty TNHH MTV Kad Industrial S.A Việt Nam) chia sẻ, hiện nay đơn hàng từ thị trường các nước châu Âu tăng mạnh. Tuy nhiên để kịp tiến độ sản xuất và xuất khẩu thì rất khó vì thiếu lao động. Số lượng lao động có tay nghề chỉ đạt 20% so với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Trước thực trạng này, chị Tuyết cho biết, doanh nghiệp đã đưa ra chính sách khuyến khích công nhân đang làm việc tại nhà máy giới thiệu người thân, bạn bè… và hỗ trợ phí giới thiệu từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng/người. Đồng thời liên kết với các trường dạy nghề miền núi để có chính sách cho trường đào tạo và giới thiệu lao động học nghề sau khi hoàn thành các khóa học tại trường.

Học viên được tiếp xúc với máy móc liên quan đến chuyên ngành từ sớm. Ảnh: CHÁNH LÂM
Học viên được tiếp xúc với máy móc liên quan đến chuyên ngành học nghề từ sớm. Ảnh: CHÁNH LÂM

Việc học nghề không chỉ giúp học sinh, sinh viên tiết kiệm chi phí, thời gian đào tạo cho bản thân và xã hội mà còn giúp đối tượng này nhanh chóng tham gia lực lượng lao động có tay nghề, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

THU DUYÊN - CHÁNH LÂM

;
;
.
.
.
.
.