Hơn thập kỷ chăm sóc chim bồ câu ở công viên Biển Đông

.

ĐNO - Trong suốt 12 năm qua, ngày nào cũng vậy, bất kể ngày nghỉ lễ, mưa hay nắng, ông Lê Minh Hải (55 tuổi, nhân viên của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng) đều chạy từ nhà cách hơn chục km sang công viên Biển Đông để chăm sóc cho 1.000 con chim bồ câu.

 
Video: CHÁNH LÂM
 
Đàn chim bồ câu sống trong các chuồng gỗ đầy màu sắc khiến du khách vô cùng thích thú khi ngắm nhìn.
Đàn chim bồ câu sống trong các chuồng gỗ đầy màu sắc khiến du khách vô cùng thích thú khi ngắm nhìn.

Được giao nhiệm vụ chăm sóc đàn chim bồ câu vào năm 2010 đến nay, ông Hải xem những con chim bồ câu được nuôi tại công viên Biển Đông như người thân của mình.

Hằng ngày, ông Hải cho chim ăn vào lúc 7 giờ 30 rồi pha thuốc phòng bệnh và vitamin cho chim uống. Đến 16 giờ 30, tiếng còi của ông Hải một lần nữa vang lên. Vừa nghe tiếng còi, đàn chim vội rời tổ để ra ăn tối.

Điều đặc biệt, trong lúc ông Hải thổi còi cho chim ăn, có nhiều khách du lịch đến mượn chiếc còi sắt từ ông Hải nhưng thổi mãi cũng chỉ có vài con chim bay đến một cách lộn xộn chứ không như lúc ông Hải thổi.

 “Chúng chỉ bay đến khi nghe tiếng còi của tôi thôi. Ngoài ra, tôi thường kiểm tra số lượng chim thông qua các bữa ăn, nói là đàn có 1.000 con nhưng theo tôi thấy thì nhiều hơn bởi vì chúng còn bay đi ẩn cư ở xung quanh thành phố”, ông Hải cho biết.

Gắn bó với đàn chim một thời gian dài nên đến nay, ông Hải nhận biết sức khỏe của chúng một cách rất nhanh chóng. Chẳng hạn như việc con chim nào lông xù lên, cổ to ra bất thường thì chắc hẳn là do khách du lịch cho ăn quá nhiều dẫn đến việc chúng bị bội thực. Nếu dáng đi không đều so với thường ngày là ông biết chúng bị thương ở chân do bị những con chim khác cắn… và từ đó ông có cách xử lý.

Vườn chim hòa bình ở công viên Biển Đông hình thành từ năm 2008, khi Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng xin UBND thành phố cho đầu tư để tạo điểm nhấn với du khách khi đến Đà Nẵng. Ban Quản lý đầu tư 30 triệu đồng xây 5 trụ bê-tông, phía trên đặt chuồng gỗ; mua 200 bồ câu giống. Sau đó chúng sinh sôi, lúc nhiều nhất 1.500 con.

Chị Nông Thị Thùy Dung (khách du lịch đến từ Hà Nội) chia sẻ: “Hình ảnh vô cùng thanh bình khi cứ chiều đến là có cả ngàn con chim bồ câu sà xuống ăn thóc khiến tôi cảm thấy vô cùng thích thú”.

Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng Trần Đại Nghĩa cho biết: “Anh Hải là một người hiền lành, chịu khó và có trách nhiệm, từ khi giao nhiệm vụ chăm sóc chim đến nay, anh ấy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tôi đánh giá cao về sự cần mẫn của anh Hải”.

Những chú chim bồ câu sống ở đây được bảo về rất nghiêm ngặt. Những ai trộm chim bồ câu sẽ bị phạt đền bù giá gấp 3 lần.
Những chú chim bồ câu sống ở đây được bảo về rất nghiêm ngặt. Những ai trộm chim bồ câu sẽ bị phạt đền bù giá gấp 3 lần.
Theo ông Hải, điều quan trọng nhất để bảo vệ sức khoẻ của chim bồ câu là phải vệ sinh chuồng trại kĩ lưỡng. Bởi nếu không dọn dẹp vệ sinh đều đặn thì chim rất dễ mắc bệnh.
Theo ông Hải, điều quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe của chim bồ câu là phải vệ sinh chuồng trại kĩ lưỡng. Bởi nếu không dọn dẹp vệ sinh đều đặn thì chim rất dễ mắc bệnh.
Hai đứa trẻ tỏ ra thích thú khi chơi đùa với những chú chim bồ câu tại công viên Biển Đông.
Hai đứa trẻ tỏ ra thích thú khi chơi đùa với những chú chim bồ câu tại công viên Biển Đông.
Có rất nhiều bạn trẻ, các cặp đôi đến chụp ảnh cưới, ảnh ngoại cảnh cùng đàn chim bồ câu tại công viên Biển Đông.
Có rất nhiều bạn trẻ, các cặp đôi đến chụp ảnh cưới, ảnh ngoại cảnh cùng đàn chim bồ câu tại công viên Biển Đông.

CHÁNH LÂM

 

 

;
;
.
.
.
.
.