'Áo dài one hour' tại chợ Hàn

.

ĐNO - Khoảng từ năm 2018 đến nay, để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, các thợ may tại chợ Hàn đã cho ra đời sản phẩm “áo dài one hour”.

Video: THU DUYÊN
Em bé Hàn Quốc chụp ảnh cùng tiểu thương chợ Hàn, trong bộ áo dài được may chưa đến một tiếng.
Em bé Hàn Quốc chụp ảnh cùng tiểu thương chợ Hàn, trong bộ áo dài được may chưa đến một tiếng.

“Áo dài one hour” là cụm từ được các tiểu thương, thợ may tại chợ Hàn sử dụng phổ biến để chào mời những du khách quốc tế. Thay vì mất vài ngày thì chỉ trong một tiếng, các thợ may sẽ hoàn thành một bộ áo dài theo sở thích của khách hàng. Chính vì lẽ đó, cụm từ “áo dài one hour” đã ra đời.

Du khách sau khi chọn vải sẽ được thợ may lấy số đo, tư vấn kiểu áo phù hợp với sở thích và hình dáng bằng vốn tiếng “bồi”. Theo những tiểu thương, gọi là tiếng “bồi” vì đó là vốn tiếng họ không học qua trường lớp mà vẫn biết nhờ “nghe mãi đã thành quen”.

Quy trình để hoàn thiện áo dài gồm ba bước cơ bản: đo, cắt và ráp. Ngay từ công đoạn đầu tiên đã cần đến sự chính xác và tỉ mỉ. Nếu các số đo bị sai, áo dài khi hoàn thiện sẽ không vừa vặn với kích thước của người mặc. Đồng thời, thợ may phải mất thêm thời gian để chỉnh sửa.

Sau khi đo và cắt, các chi tiết được vắt sổ rồi chuyển sang ráp thân. Một số công đoạn và chi tiết được thay đổi để rút ngắn thời gian. So với áo dài may theo kiểu truyền thống, đường kim mũi chỉ phải được gia công bằng tay thì khi may “áo dài one hour”, các thợ may chuyển sang đạp tà và bỏ qua công đoạn ủi áo.

Chị Trần Thị Thuý Kiều, chủ quầy may Kiều cho biết, nhanh và chính xác là hai điều cần lưu ý khi may áo dài cho khách du lịch. “Tuy nhanh nhưng vẫn phải bảo đảm đường kim mũi chỉ chắc chắn. Khi khách mặc lên phải hài lòng với số tiền mình đã bỏ ra”, chị Kiều chia sẻ.

Một số du khách sau khi nhận áo sẽ mặc ngay để kịp chụp hình và di chuyển đến địa điểm tham quan khác. Thời điểm này, lượng khách chủ yếu là người Hàn và khách đến từ một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore… 

Trước Covid-19, trong các đợt lễ, Tết hay vào mùa cao điểm du lịch, liên tục nhiều ngày, các thợ may làm việc từ sáng đến tối muộn. Chị Kiều tâm sự, đối với nghề này, ăn cơm trưa vào lúc 3 giờ chiều là chuyện bình thường, khi ăn cũng phải tranh thủ vì không biết khách sẽ đến vào lúc nào.

Với mỗi bộ áo dài, tiền công may dao động từ 200.000 đến 300.000 đồng. Không chỉ là công việc để mưu sinh, đối với chị Kiều, mỗi bộ áo dài được hoàn thành là một cầu nối để thu hút du khách đến với chợ Hàn, góp phần phát triển du lịch thành phố.

Gắn bó với nghề may từ thời trẻ, chị Lê Thị Ninh (50 tuổi), chủ quầy may Ninh đã có 4 năm gắn bó với “áo dài one hour”. Chị Ninh không thể đếm xuể số áo mình đã may cho du khách cả trong và ngoài nước. Chỉ biết rằng, nhiều du khách đã trở lại để may áo dài mỗi khi có dịp đến với Đà Nẵng. Không những thế, họ còn giới thiệu cho người thân, bạn bè và đồng nghiệp.  

Cứ như vậy, mỗi ngày, tiếng máy may tại chợ Hàn vẫn vang lên đều đặn. Và ngày qua ngày, “áo dài one hour” lại góp phần mang hình ảnh áo dài – một đại diện của văn hoá Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Và chị Kiều, chị Ninh hay những thợ may khác tại chợ Hàn là cầu nối để giữ gìn, lan toả tình yêu áo dài đến du khách gần xa.

Nhiều mẫu mã được trưng bày để du khách chọn vải và kiểu áo.
Nhiều mẫu mã được trưng bày để du khách chọn vải và kiểu áo.
Chị Trần Thị Thuý Kiều (chủ quầy may Kiều) đang lấy số đo cho du khách Hàn Quốc. Đây là công đoạn cần sự kỹ lưỡng và chính xác.
Chị Trần Thị Thuý Kiều (chủ quầy may Kiều) đang lấy số đo cho du khách Hàn Quốc. Đây là công đoạn cần sự kỹ lưỡng và chính xác.
Khi lượng khách đông, để hoàn thành bộ áo dài trong vòng một tiếng, mỗi quầy cần có hai thợ may.
Khi lượng khách đông, để hoàn thành bộ áo dài trong vòng một tiếng, mỗi quầy cần có hai thợ may.
Mỗi bộ áo dài, tiền công may dao động từ 200.000 đến 300.000 đồng.
Với mỗi bộ áo dài, tiền công may dao động từ 200.000 đến 300.000 đồng.

 THU DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.