Năm 2018, thành phố Đà Nẵng chọn là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Sau thành công của các sự kiện như Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017…, thành phố kỳ vọng sẽ tạo cú hích mạnh mẽ để thu hút các nhà đầu tư tìm đến thành phố biển của miền Trung Việt Nam.
Ảnh: LÊ HOÀNG NAM |
Bàn tròn Xuân Mậu Tuất 2018 của Báo Đà Nẵng ghi nhận những ý kiến, hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp...
* Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng: Chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch
Theo tôi, để thực hiện “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, thành phố cần có nhiều bước đột phá, đổi mới nhiều mặt để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn hơn nữa. Cụ thể như sau:
Tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư thông qua việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với từng đối tượng thu hút đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia, các tập đoàn lớn trong nước; tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư theo chuyên đề và đối tác cụ thể, tập trung các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ.
Hoàn chỉnh quy hoạch quỹ đất ngoài khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch để thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm, giúp nhà đầu tư rút ngắn thời gian đưa ra quyết định đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh; đăng tải công khai, minh bạch các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến đất đai, thủ tục hành chính…
Đối với những dự án đã được UBND thành phố thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư, các tổ chức tín dụng ban hành quyết định cho vay, thỏa thuận cho vay vốn, thành phố cần tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cần thiết để triển khai xây dựng và đưa dự án đi vào hoạt động theo kế hoạch nhà đầu tư đã định.
Thành lập khu kinh tế ven biển Đà Nẵng nhằm huy động và khai thác hiệu quả nguồn lực trong và ngoài nước, các tiềm năng lợi thế so sánh của thành phố, gắn kết thành phố với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
* GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng: Biến quan tâm đầu tư thành dự án thực tế
Có thể nhận định, năm 2017, thành phố Đà Nẵng đã làm tốt công tác marketing địa phương, qua đó xúc tiến hình ảnh thành phố như một điểm đến mang tầm quốc tế, trong đó có hình ảnh điểm đến đầu tư đang lên và nhiều tiềm năng. Thông qua Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng cùng Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017 và những hoạt động xúc tiến đầu tư rầm rộ của thành phố, các chính khách của các nước chủ đầu tư lớn, các nhà đầu tư tiềm năng là các doanh nghiệp lớn và các nhà môi giới đầu tư có tầm ảnh hưởng đã biết đến và biết nhiều hơn về thành phố Đà Nẵng. Giới truyền thông trong nước và quốc tế cũng khá ưu ái Đà Nẵng khi đưa tin nhiều khía cạnh về hình ảnh thành phố Đà Nẵng bên cạnh thông tin những sự kiện APEC. Điều này tạo niềm tin hơn cho các nhà đầu tư tiềm năng khi quan tâm đầu tư tại Đà Nẵng, cung cấp cho các nhà môi giới đầu tư có thêm thông tin, đồng thời cũng kích thích giới chính khách và truyền thông tác động tích cực đến quyết định đầu tư của chủ đầu tư tiềm năng.
Để tận dụng các cơ hội từ lợi thế này, trong thời gian tới, chính quyền thành phố Đà Nẵng nên quan tâm hơn các hoạt động biến các nhận biết về cơ hội đầu tư tại thành phố thành quan tâm đầu tư thật sự, cũng như biến các quan tâm đầu tư này thành các dự án đầu tư trên thực tế. Nói cách khác, trên cơ sở công tác xúc tiến đã tốt, nên tập trung hơn vào khâu hoàn thiện và phát triển “sản phẩm” là các cơ hội đầu tư và hoạt động “bán hàng” các cơ hội đầu tư này.
Ảnh: NGUYỄN HỮU TIẾN |
Về hoàn thiện “sản phẩm” cơ hội đầu tư, ngoài việc hoàn thiện quy hoạch, cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính hay quản trị công…, theo cá nhân tôi, nên hoàn thiện theo hướng ưu tiên đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư có mục đích chính là đầu tư tìm kiếm thị trường và đầu tư tìm kiếm hiệu quả thông qua các yếu tố đầu vào. Thực tế, thị trường Đà Nẵng hiện vẫn được nhận thức là chưa có quy mô lớn. Để nhà đầu tư quan tâm thật sự, cần cho thấy triển vọng tăng trưởng khả quan của địa phương trong tương lai cũng như khả năng tiếp cận dễ dàng thị trường các địa phương lân cận.
Về các yếu tố đầu vào, các cơ hội đầu tư mà Đà Nẵng đang mời chào đều cho thấy yêu cầu nguồn nhân lực bậc cao lớn. Vì thế, việc tạo hình ảnh một thị trường lao động năng động ở Đà Nẵng là cần thiết và cấp bách. Theo đó, nên là nguồn cung lao động tại chỗ từ các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng uy tín, đồng thời là lực hút lớn lao động cả nước và kể cả các nước trong khu vực.
Về tăng cường “bán hàng”, ngoài kênh xúc tiến trực tiếp, nên tăng cường hơn nữa việc dùng các kênh gián tiếp thông qua các nhà môi giới đầu tư uy tín và qua kênh tác động của Chính phủ. Ngân sách thành phố nên dành một phần đáng kể cho mục đích này. Đặc biệt, để thu hút các nhà đầu tư trong nước, cần có cơ chế đặc biệt với hình thức đầu tư liên doanh giữa doanh nghiệp trong nước với nhau và với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là có các hỗ trợ thỏa đáng cho các doanh nghiệp địa phương có nhu cầu liên doanh này. Các doanh nghiệp này tự thân là những người “bán hàng” các cơ hội đầu tư năng động và có số lượng lớn.
* Ông Đặng Minh Trường, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group: Nên có chính sách thiết thực khuyến khích doanh nghiệp
Đà Nẵng vẫn cần tiếp tục cải tiến các thủ tục hành chính để giảm thiểu hóa quy trình, thủ tục, giấy tờ, các loại giấy phép con, phí, phụ phí còn bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Một vấn đề nữa, theo tôi cần giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, cụ thể như: điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của doanh nghiệp; đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí. Thậm chí, nên có chính sách khuyến khích doanh nghiệp một cách thiết thực bằng việc giảm tiền thuế, chi phí thuê đất và các chi phí khác nếu như doanh nghiệp đó nộp thuế, thực hiện các nghĩa vụ khác đúng hạn, nghiêm túc. Có như thế mới tạo ra động lực đóng góp và cống hiến của doanh nghiệp với địa phương.
Môi trường kinh doanh thuận lợi, chính quyền ủng hộ, doanh nghiệp mới vững tin làm ăn và kinh tế địa phương mới phát triển. Vì những điều đơn giản này, chúng tôi luôn tin tưởng rằng, Đà Nẵng trước nay vẫn là nơi đất lành chim đậu.
* Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Furama Resort: Định hướng phát triển công nghệ, công nghiệp xanh
Đà Nẵng cần tập trung tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt về công nghệ và công nghiệp xanh, thân thiện môi trường. Đà Nẵng có thể định hướng tạo ra một “Thung lũng Silicon”, thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm và công nghệ. Đà Nẵng cũng nên xây dựng một khu tài chính, với chính sách giá thuê đất, thuê văn phòng thích hợp thì chắc chắn sẽ thu hút nhiều công ty tài chính, ngân hàng, chứng khoán đến lập văn phòng…
Để làm được những điều đó, tôi nghĩ rằng, trước tiên, Đà Nẵng cần hoạch định rõ ràng các ngành nghề và định hướng thu hút đầu tư. Thứ hai, phải tạo được hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch để nhà đầu tư tìm hiểu và thực hiện dự án đầu tư. Về phía chính quyền, cần cải tiến và thay đổi hơn nữa các quy trình và thủ tục liên quan đến đầu tư. Cuối cùng, muốn tận dụng được cơ hội đầu tư thì phải tạo ra một “môi trường đầu tư”, môi trường không chỉ thuận lợi về mặt cơ chế chính sách, về mặt văn bản pháp lý, mà còn phải đúng như tên gọi của nó, như cảnh quan, phương án xử lý nước thải, an toàn thực phẩm... Đồng thời, cần quảng bá điểm đến cũng như xây dựng văn hóa phục vụ của chính quyền, văn hóa mến khách của người dân.
* Ông Nguyễn Kỳ Anh, Phó Giám đốc Ban hỗ trợ và xúc tiến đầu tư Đà Nẵng: Nguồn nhân lực tạo lợi thế cạnh tranh
Nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quan trọng nhất tạo ra lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội. Trong những năm qua, nguồn nhân lực của thành phố đã được cải thiện rõ rệt cả về chất và lượng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Với dân số hơn 1 triệu người, lực lượng lao động chiếm gần 70% và tỷ lệ dân số sống ở thành thị chiếm hơn 87%, thành phố Đà Nẵng thực sự có một nguồn nhân lực dồi dào. Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, chỉ số “Chất lượng đào tạo lao động” của Đà Nẵng tăng so với năm 2015, cho thấy sự nỗ lực của thành phố trong việc cải thiện chất lượng lao động. Về cơ bản, nguồn nhân lực của thành phố Đà Nẵng đã đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, tình trạng “đỏ mắt” tìm nhân lực ở Đà Nẵng ít tồn tại trong những năm qua. Đối với chất lượng cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư, thành phố tận dụng tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao từ đề án 922 làm nòng cốt đảm trách và triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Đội ngũ này được đào tạo bài bản tại các trường đại học trong và ngoài nước, có khả năng ngoại ngữ tốt và có kinh nghiệm làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, hiểu rõ nhu cầu của nhà đầu tư.
Ngoài những “điều kiện cứng” về hạ tầng, đất sạch, các chính sách ưu đãi đầu tư, với “điều kiện mềm” về nguồn nhân lực lao động và xúc tiến đầu tư như vậy, tôi nghĩ Đà Nẵng hấp dẫn các nhà đầu tư ít nhất ở khía cạnh nguồn nhân lực. Vấn đề là chúng ta phải tiếp tục duy trì, triển khai các chiến lược để gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đi kèm theo đó là có chiến dịch quảng bá, tiếp thị bài bản nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố đến các nhà đầu tư.
* TS. Võ Duy Nghi, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đa phương thức VIETRANSTIMEX: Tạo dựng lòng tin với doanh nghiệp
Theo tôi, vấn đề mấu chốt hiện nay của Đà Nẵng là phải tạo dựng lòng tin cho doanh nghiệp. Vấn đề này rất quan trọng. Nếu nhà đầu tư không có lòng tin vào chính quyền thành phố, họ sẽ không an tâm đầu tư.
Để thu hút đầu tư, tận dụng cơ hội sau Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, hay Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017, thành phố cần minh bạch thủ tục đầu tư; rút ngắn thủ tục hành chính; nên tập trung thu hút vào lĩnh vực mà Đà Nẵng có thế mạnh như du lịch, công nghệ phần mềm, công nghệ sinh học…
Xây dựng chính sách kêu gọi đầu tư phải tạo ra sự khác biệt. Khác biệt ở đây là những lợi thế mà địa phương khác không có được như vị trí địa lý, nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông và viễn thông… chứ không phải những chính sách mà các địa phương khác đều đang làm như giảm giá thuê đất, ưu đãi thuế, nhân công lao động rẻ.
ĐÀ NAM - THÀNH LÂN thực hiện