Những ngày mưa lạnh cuối năm, tiệm bánh nhỏ trên đường Nguyễn Công Trứ (quận Sơn Trà) thơm ngào ngạt mùi bơ sữa, mùi cà-phê và ca cao nóng. Trên quầy phục vụ là những chiếc bánh nhiều màu sắc, hương vị.
Phía sau quầy, ông chủ tiệm với thân hình to cao đang chăm chút cho từng chiếc bánh. Đó là Jeremy Smith (29 tuổi, quốc tịch Hoa Kỳ). Kể về mối duyên với Đà Nẵng, anh nhớ lại thời điểm hơn 3 năm trước. Bấy giờ, khi đang theo đuổi nghề tiếp thị trực tuyến tại Singapore, Jeremy muốn tìm kiếm một điểm đến mới mẻ trong “hành trình tuổi trẻ” của mình.
Tấm vé máy bay giá rẻ từ Singapore đưa Jeremy đến Đà Nẵng, để chàng trai gốc Albuquerque ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của thành phố biển và quyết định ở lại cho đến hôm nay. “Tôi chưa có nhiều ấn tượng với Đà Nẵng trước đó, chưa biết về đời sống, văn hóa ở đây cho đến khi tôi đặt chân đến và quyết định sẽ gắn bó với nơi này”, Jeremy kể lại.
Tiệm bánh của Jeremy được ra đời từ… việc anh không biết phải ăn gì, ăn ở đâu khi đến Đà Nẵng. “Những ngày đầu ở Đà Nẵng, do bất đồng về ngôn ngữ, lại thêm “ma trận” bảng hiệu quảng cáo ở các hàng ăn khiến tôi bối rối, nào là bún chả, nào là bún bò Huế rồi thịt nướng…”, Jeremy tâm sự.
Loay hoay với đồ ăn Việt, Jeremy đi tìm những món thân thuộc nhưng không tìm được bánh “chuẩn vị” như ở quê nhà. Từ đó, anh nghĩ đến việc tự làm bánh. Những chiếc “bánh nhà làm” dần thành hình theo công thức học từ các video trên Youtube. Và từ gợi ý của một người bạn, anh đã xây dựng tiệm bánh nho nhỏ với tên gọi Jeremy’s Kitchen vào năm 2015.
3 năm sống ở Đà Nẵng, Jeremy vẫn là anh chàng Hoa Kỳ độc thân vui tính như ngày đầu, chỉ khác, anh đã có thể biết một chút tiếng Việt, đã bắt đầu “nghiện” món bò né và… cơm hộp đến mức có thể ăn mỗi ngày.
Khách đến tiệm ăn bánh, uống cà-phê, thấy anh chủ quán thân thiện, có người hỏi chuyện lập gia đình, Jeremy chia sẻ: “Tôi đã có ý định gắn bó lâu dài với thành phố này nhưng bây giờ tôi phải tập trung cho tiệm bánh mình đang làm “giám đốc”. Đây là “cô gái hiện tại” của tôi đấy, khi cô ấy ổn định, tôi sẽ lo chuyện lập gia đình”, Jeremy chia sẻ, kèm nụ cười sảng khoái.
“Đặc biệt là người Đà Nẵng hầu như không quá để ý đến cuộc sống của người ngoại quốc khiến tôi thoải mái. Mẹ tôi từng đến Đà Nẵng và bà đang có ý định nghỉ dưỡng ở đây. Một người bạn thân của tôi cũng đã chuyển đến sống ở Đà Nẵng. Tôi thích sự thân thiện và chuyên nghiệp của chính quyền và cảnh sát Đà Nẵng khi họ hỗ trợ cho người ngoại quốc chúng tôi rất nhiều. Đó là điều không phải ở nơi nào cũng có. Đây thực sự là thành phố đáng sống đúng không nào”, Jeremy cho hay.
Cũng giống như Jeremy, Thomas Ganichot (26 tuổi, quốc tịch Pháp) đang sống và làm việc tại Đà Nẵng. Chàng trai đến từ thành phố Avignon - nơi có cây cầu gãy nổi tiếng Saint-Bénezet thuộc miền nam nước Pháp hiện làm công tác giảng dạy ở Viện Pháp tại Đà Nẵng. Trong một lần đến Đà Nẵng du lịch vào năm 2016, Thomas đã bị “níu chân” bằng vẻ đẹp và sự chân chất của người dân nơi này. “Người Đà Nẵng rất thân thiện, tôi từng nghe đến chuyện chặt chém giá cả ở Việt Nam nhưng ở Đà Nẵng thì việc đó theo tôi là không nhiều”, Thomas cho biết.
Thomas thích sự nhiệt tình, thật thà và cả cách nói chuyện hài hước của người Đà Nẵng. Anh yêu những món ăn ở Đà Nẵng, trong đó có món bánh mì có chung gốc gác với bánh mì Pháp - nơi anh sinh ra. Tuy nhiên, trong mắt chàng trai trẻ, Đà Nẵng vẫn còn những điều khiến anh chưa thực sự thoải mái như tiếng ồn trong đêm khuya từ những dàn karaoke kẹo kéo nơi công cộng, hay mùi nước mắm và trứng vịt lộn - những món anh chỉ dám thử một lần. “Tôi từng nghe cụm từ “Thành phố đáng sống” khi ai đó nói về Đà Nẵng. Đó là điều tôi và bạn bè công nhận khi đã sống ở đây. Thật tuyệt khi bạn được làm việc giữa một nơi vừa có núi, có sông, có biển”, Thomas khép lại buổi trò chuyện bằng nụ cười thân thiện.
Thiếu tá, bác sĩ CKI Lê Gia Tân (SN 1972), Chủ nhiệm Quân y, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố: Tự hào được chứng kiến thành phố chuyển mình Năm 1991, tốt nghiệp THPT ở Quảng Bình, anh Lê Gia Tân nhập ngũ tại Đà Nẵng, sau đó đi học và về công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố. “Tôi đã ở đây đủ lâu để thấy những thăng trầm của thành phố. Từ lúc Đà Nẵng vẫn còn bến phà sông Hàn, cả thành phố chỉ lác đác những ngôi nhà cao tầng, một vài con đường lớn, bãi biển hoang sơ, đến khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mọi thứ được xây dựng mới. Đà Nẵng trở mình, phát triển nhanh đến chóng mặt. Đà Nẵng đã là thành phố của những cây cầu, là điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới. Đến Đà Nẵng âu cũng là cái duyên. Tôi đã ở đây, gắn bó cùng nơi này, chứng kiến thành phố chuyển mình. Tôi tự hào về điều đó”, bác sĩ Tân chia sẻ.
Phạm Thị Kiều Oanh (SN 1995), giáo viên Trường mầm non Thần Đồng Việt (quận Hải Châu): Điều kiện sống phù hợp với mọi người Sau khi tốt nghiệp đại học cách đây 5 năm, tôi quyết định ở lại Đà Nẵng làm việc. Dù quê tôi ở Quảng Ngãi, gia đình sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng tôi vẫn muốn định cư và làm việc tại Đà Nẵng. Bởi ở nơi này, tôi luôn tìm được sự yên bình, thư thái. Đà Nẵng không quá xô bồ, không khí trong lành, dễ chịu. Người dân sống tình cảm, thân thiện và rất thật thà. Chi phí sinh hoạt cũng bình dân, phù hợp với điều kiện của tất cả mọi người. Chỉ từ 15.000 đến 20.000 đồng là đã có một bữa sáng ngon lành, đầy đủ.
Phan Bá Thịnh (SN 1986), chủ quán Đón – Món ngon Hà Nội đến Đà Nẵng:Môi trường tốt cho sức khỏe Đầu năm 2017, tôi bắt đầu từ Hà Nội vào Đà Nẵng sinh sống, sau đó lần lượt đưa vợ con vào sống cùng. Sau khi bố tôi qua đời vì sức khỏe yếu, tôi bị tai nạn, tôi nhận thấy sức khỏe là quan trọng nhất. Tôi chọn Đà Nẵng sinh sống và làm việc vì môi trường ở đây tốt cho sức khỏe. Đà Nẵng trong lành, sạch sẽ, không quá ồn ào, ngột ngạt, có điều kiện thiên nhiên ưu đãi. Trước đây, nhờ công việc phân phối hàng, tôi đã đi nhiều nơi, được trải nghiệm văn hóa, ẩm thực của nhiều vùng miền và tôi nhận ra Đà Nẵng phù hợp với mình. Hiện tôi mở quán bán bún đậu mắm tôm và đặt tên quán là Đón, bởi trong thâm tâm, sau khi tạo dựng sự nghiệp vững chắc, mọi thứ ổn định, tôi sẽ đón mẹ và em trai từ Hà Nội vào sống cùng. |
XUÂN SƠN - THU THẢO