Nghĩa tình đồng bào

.

Miễn, giảm tiền nhà trọ, hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu hay sẵn sàng mua phương tiện tặng người khó khăn do Covid-19 trở về quê… là những việc làm tử tế của người dân Đà Nẵng mà bất kỳ ai nếm trải, chứng kiến hậu quả nặng nề của đại dịch cũng cảm thấy ấm lòng.

“Giúp người trước,khó khăn của mình tính sau”

“Dịch bùng phát, tụi nhỏ không làm ăn chi được mà mình lấy tiền trọ thì kỳ”, anh Lê Văn Hoàng (SN 1984), chủ dãy trọ 152 Nguyễn Bính (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) tươi cười, nói chuyện mình giúp người “chỉ là chuyện nhỏ”, đơn giản vì “thấy thương, không chịu được”.

 
 
 
Suốt 2 năm qua, Đà Nẵng đã nhân lên những việc làm tử tế, những nghĩa cử cao đẹp với tinh thần sẵn sàng chia sẻ yêu thương. Ảnh: TIỂU YẾN-            HỒNG QUANG
Suốt 2 năm qua, Đà Nẵng đã nhân lên những việc làm tử tế, những nghĩa cử cao đẹp với tinh thần sẵn sàng chia sẻ yêu thương. Ảnh: TIỂU YẾN- HỒNG QUANG

Cuối năm 2020, để có kinh phí xây dãy trọ 17 phòng, Hoàng mang sổ đỏ đi vay ngân hàng cả tỷ đồng. Anh tính, tiền gốc, lãi hằng tháng sẽ dựa vào tiền cho thuê phòng trọ, nhưng Covid-19 bùng phát, thấy người thuê trọ thất nghiệp, đời sống khó khăn, Hoàng không ngần ngại miễn 3-6 tháng tiền phòng, với tinh thần “giúp người trước, khó khăn của mình tính sau”.

Không chỉ giảm hơn 70 triệu đồng, anh cùng vợ còn ngược xuôi đi chợ giúp người thuê trọ. Anh bảo, hồi dịch mới căng, nhiều bạn trẻ không có tủ lạnh tích trữ thực phẩm nên ăn mì tôm, cơm trắng cả tuần liền. “Có bữa tôi ghé dãy trọ, nhìn vô bếp tụi nhỏ thấy trữ toàn mì tôm, thương quá nên hỗ trợ mỗi phòng một suất quà thực phẩm. Sau này, khi phường hỗ trợ rau, củ hay thịt, cá, tôi đều liên hệ mang về để các em cải thiện”, anh Hoàng kể.

Anh Lê Minh Hiếu (quê huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) thuê phòng trọ của gia đình anh Hoàng từ đầu năm 2021. Ở một thời gian ngắn thì Hiếu rơi vào cảnh thất nghiệp, số tiền trọ 3 triệu đồng/tháng trở thành gánh nặng. Thời điểm đó, thấy bóng anh Hoàng là Hiếu tránh mặt, ngại... bị đòi tiền. Rứa mà anh Hoàng không trách, còn chủ động gọi Hiếu, nói miễn 3 tháng tiền nhà, bảo Hiếu yên tâm, không lăn tăn lo nghĩ chi hết. “Tôi vào Đà Nẵng làm việc 10 năm, từng ở trọ nhiều nơi nhưng chưa gặp người chủ nào đặc biệt như anh Hoàng. Sự quan tâm của anh khiến chúng tôi cảm thấy mình thật may mắn vì được cảm thông và chia sẻ”, anh Hiếu bày tỏ.

Ở phòng kế bên, anh Phạm Xuân Lương (đầu bếp quê Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) khoe anh và người bạn ở chung phòng được chủ nhà miễn hẳn tiền trọ 6 tháng. “Bữa anh Hoàng thông báo miễn 6 tháng tiền phòng, tôi vui quá gọi điện về kể gia đình, biết chuyện ai cũng mừng, nói gia đình hoàn toàn yên tâm khi biết tôi sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng”, anh Lương chia sẻ.

Quản lý 50 phòng trọ tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) từ tháng 7-2021, bà Vũ Thị Nhu quyết định giảm 25-50% tiền thuê trọ, tùy hoàn cảnh. Chị Nguyễn Thị Ng. (quê huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) cho biết vợ chồng chị có 2 con nhỏ, khi dịch bùng phát, công việc gián đoạn khiến đời sống kinh tế khó khăn. Chị Ng. nói: “Chúng tôi ở đây như một gia đình lớn, thỉnh thoảng kẹt tiền mua sữa cho con, tôi nhắn tin cậy nhờ bà chủ và được hỗ trợ tận tình”.

Sẵn sàng “đón dân”trở về

Gia đình nhỏ của chị Nguyễn Thị Ngọc Linh (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) quyết định ăn Tết ở Đà Nẵng sau nhiều năm sinh sống, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chị Linh cho biết, Covid-19 bùng phát khiến Thành phố Hồ Chí Minh bước vào đợt phong tỏa dài ngày, kể từ giữa tháng 5-2021. Chị Linh cũng nghỉ việc không lương tại công ty xuất nhập khẩu ở phường An Lạc A, quận Bình Tân.

Sau 2 tháng chật vật xoay xở giữa Sài Gòn, gia đình chị được thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện về quê trên chuyến bay miễn phí số hiệu VN122 vào sáng 21-7-2021. “Đi cùng gia đình tôi có 180 người khác, trong đó có nhiều trẻ em. Chúng tôi giao tiếp qua lớp khẩu trang, những đôi mắt ánh nên niềm vui khi được trở về quê nhà giữa lúc Thành phố Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch lớn nhất nước”, chị Linh chia sẻ.

Trong căn nhà nhỏ tại phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ), anh Nguyễn Văn Ánh nói vui: “Nhờ dịch mà vợ chồng tôi về quê ăn Tết sớm với ba má, xem như đây là cơ hội nghỉ ngơi, sum họp với gia đình sau nhiều năm mưu sinh trong miền Nam”. Tương tự chị Linh, vợ chồng anh Ánh có mặt trên chuyến bay số hiệu VN122 trở về Đà Nẵng ngày 21-7.

Năm 2017, vợ chồng anh rời Đà Nẵng vào phường Tân Quý, quận Tân Phú thuê trọ, làm công nhân may. Từ đó đến nay, anh chỉ về quê 3 lần và đây là lần về quê dài ngày nhất. “Giữa tháng 7, nghe tin Đà Nẵng có chủ trương đón công dân về quê, tôi liên lạc Hội đồng hương Đà Nẵng tại Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký và may mắn được trở về trong chuyến bay đầu tiên”, anh Ánh cho hay.

Chủ trương đưa lao động Đà Nẵng từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê tránh dịch được người dân đồng tình ủng hộ. Ông Hồ Văn Đắc, Chủ tịch Hội đồng hương quận Hải Châu tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết ngay khi chính quyền Đà Nẵng có chủ trương đón người dân trở về, ông đã lập group (nhóm), thông báo rộng rãi và tiếp nhận thông tin người dân đăng ký. Ông Đắc đánh giá chủ trương này rất nhân văn, thể hiện trách nhiệm của chính quyền thành phố đối với sự an toàn của người dân trong đại dịch.
Hỗ trợ người về quê

Ngày cuối năm, qua điện thoại, anh Vừ Bá Giải (29 tuổi, quê huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) khoe chiếc xe máy trị giá 20 triệu đồng lực lượng cảnh sát giao thông Đà Nẵng tặng hồi tháng 10 đang được anh sử dụng thồ hàng nhằm cải thiện cuộc sống. Với giọng xúc động, anh nói chặng đường trở về quê của vợ chồng anh và cô con gái 11 tháng tuổi rất gian nan nhưng ấm áp, nghĩa tình.

Ở mỗi trạm dừng chân, người dân hai bên đường mang thực phẩm, nước uống, sữa dúi vào tay. “Xúc động nhất là lúc dừng chân tại hầm Hải Vân, có lẽ thấy xe tôi “nát” quá nên các anh cảnh sát giao thông tặng xe mới. Biết tôi có con nhỏ, đường về nhà còn xa nên họ hỗ trợ đi xe giường nằm về tận quê, nghĩa tình này tôi sẽ nhớ mãi”, anh Giải nhớ lại.

Anh Trần Đình Quốc Khương (40 tuổi), Trưởng nhóm tình nguyện trẻ Đà Nẵng, người tổ chức chuyến xe đưa gia đình anh Giải về quê, cho biết từ giữa tháng 10, nhìn dòng người về quê dài dằng dặc ngang qua đèo Hải Vân giữa tiết trời mưa gió, anh và Nguyễn Bình Nam - Trưởng nhóm “Bạn thương nhau” - bàn nhau kêu gọi kinh phí, tổ chức 19 “Chuyến xe đồng bào”, chở hàng trăm người dân và phương tiện miễn phí từ Đà Nẵng đến các tỉnh phía Bắc, ưu tiên người già, phụ nữ mang thai, trẻ em và người sức khỏe ốm yếu.

Gần tháng ròng, anh Khương cùng bạn bè chốt trực ở Trạm trung chuyển hầm Hải Vân, đỉnh đèo Hải Vân và điểm giao xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) với xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) để kịp thời hỗ trợ thuốc men, nước uống, bánh mì… cho dòng người về quê. Anh bảo, đó là khoảng thời gian vất vả nhưng hạnh phúc, khi tận mắt chứng kiến bao tấm lòng tử tế, vì đồng bào.

Bất kể ngày đêm, nhiều nhóm thiện nguyện, hội đoàn thể dầm mưa đứng chờ đón đoàn để hỗ trợ, tiếp sức. Chưa kể, lãnh đạo thành phố cũng quan tâm, tạo điều kiện về tinh thần, vật chất cho người dân về quê tránh dịch ngang qua địa phận Đà Nẵng như mở hầm Hải Vân cho xe máy lưu thông, yêu cầu Hội Chữ thập đỏ, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, đội ngũ y tế chuẩn bị thực phẩm, nước uống, sữa, áo mưa, thuốc men, súp, cháo nóng tiếp sức người dân và xử lý các vấn đề y tế.

Và, suốt 2 năm qua, cùng với hoạt động phối hợp đón kiều bào khắp nơi về nước tránh dịch thông qua Cảng hàng không quốc tế, Đà Nẵng tiếp tục nhân lên những việc làm tử tế, những nghĩa cử cao đẹp với tinh thần sẵn sàng chia sẻ yêu thương, tất cả vì cuộc sống bình an, hạnh phúc cho mọi nhà.

"Đã có 28.552 nhà trọ, phòng trọ được giảm giá nhằm hỗ trợ người thuê gặp khó khăn do Covid-19, tập trung nhiều nhất ở các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Thanh Khê và Cẩm Lệ. Với người thuê thất nghiệp, thu nhập cắt giảm, không ít chủ nhà trọ còn hỗ trợ lương thực, thực phẩm, kể cả khi họ cũng đang xoay xở các khoản nợ ngân hàng đến kỳ hạn phải thanh toán”
Ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.