Quê hương là nơi để trở về

.

Người xưa có câu “Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp/ Quê nhà một góc nhớ mênh mang”. Dù xem đất khách là quê hương thứ hai thì những người con xa xứ vẫn canh cánh trong lòng mong muốn được trở về cố hương trong những ngày cuối năm. Đặc biệt, khi trải qua những đợt Covid-19, nhiều người càng thấm thía hơn cảnh xa quê, nhất là lúc ông bà, cha mẹ và người thân mất mà không thể về đưa tiễn lần cuối, nên càng mong ngóng dăm ba ngày Tết để được trở về...

Công dân Đà Nẵng được đón trở về từ Thành phố  Hồ Chí Minh trong đợt Covid-19 bùng phát tháng 7-2021. Ảnh: ĐỨC HOÀNG
Công dân Đà Nẵng được đón trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh trong đợt Covid-19 bùng phát tháng 7-2021. Ảnh: ĐỨC HOÀNG

Cũng như bao người sống xa quê khác, bạn tôi thoát ly gia đình kể từ khi học đại học, lập nghiệp, rồi kết hôn và định cư ở thành phố. Quanh năm tất bật với những chuyến hàng container nên ít có thời gian rỗi về thăm quê. Để nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà, khi bố mẹ còn sống, thỉnh thoảng gia đình bạn đón bố mẹ vào chơi với con cháu dăm bữa, nửa tháng.

Khi bố mẹ qua đời thì càng ít có dịp về hơn. Có lẽ vậy, trừ những ngày kỵ giỗ, cuối năm nào bạn cũng cố gắng thu xếp công việc, gia đình để về quê lo hương khói ông bà, tổ tiên thì mới yên lòng. Nếu bận quá thì có thể đi về trong ngày, còn thư thả thì ở lại vài hôm. Có khi còn dắt theo con cái để con biết quê hương đất tổ và nhớ đến ông bà, tổ tiên, dòng họ cội nguồn. Nên người xưa mới dặn rằng: “Cây có cội mới trổ cành xanh lá/ Nước có nguồn mới bủa khắp rạch sông”.

Cứ vào cuối tháng Chạp hằng năm, mỗi lần về quê, ba tôi thường nhắc mấy anh em tôi đi viếng mộ ông bà. Mộ ông bà tôi nằm trên một thửa đất cao ngoài nghĩa địa trên một đồi cát trắng với những hàng dương xanh gió thổi rì rào. Ở đó còn có rất nhiều ngôi mộ bà con thân thích khác xếp thành hàng ngay ngắn; có người bà con gần, có người bà con xa, có người cùng họ, có người khác họ nhưng tựu trung đều có quan hệ huyết thống với nhau theo kiểu “dây mơ rễ má” mà có khi những người trẻ tuổi như chúng tôi tìm hiểu cả đời cũng không nhớ hết. Vì vậy, mỗi lần đi viếng mộ, ngoài việc thắp nhang cho ông bà, tôi thường thắp nhang cho tất cả các ngôi mộ xung quanh, có người tôi hình dung ra gương mặt họ khi còn sống, có người đến ba tôi cũng không thể hình dung nổi.

Những ngày dịch bùng phát ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi thường chuyện trò với một số bạn có quê ở nhiều địa phương khác đang sinh sống và làm việc nơi đây, dù công việc vẫn ổn định nhưng trong lòng họ vẫn luôn mong ước được trở về quê hương. Đặc biệt, khi tôi rủ bạn đi du lịch sau khi hết dịch, các bạn cũng chỉ muốn dành thời gian cho gia đình, người thân ở quê nhà. “Không có mảnh đất nào êm dịu bằng quê cha đất tổ”, nhất là khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thì mong ước được về quê là điều dễ hiểu.

Anh: XUÂN SƠN
Anh: XUÂN SƠN

Quê hương là nơi để trở về. Quê hương là điểm tựa để con người ta khi mệt mỏi có thể quay về. Quê hương vừa là người cha chở che, vừa là người mẹ an ủi, vỗ về. Đôi khi quê hương giống như người bạn động viên chúng ta những lúc khó khăn trong cuộc sống. Sau tất cả, con người ta vẫn có một mong muốn là tìm đến nơi bình yên lúc cuối đời. Người ta gọi nơi đó là nhà, là quê hương. “Đời người qua mau mảnh đất kia nay thành nấm mộ/ Chôn dấu những người mà ta yêu thương/ Không xa mái nhà mẹ ta đang ngồi” (Trên mảnh đất tình người/Trần Long Ẩn).

Những chiều cuối năm, đứng giữa nghĩa trang luôn mang lại cho tôi một xúc cảm thiêng liêng. Tôi cảm thấy như được trở về nguồn cội, trở về với người thân sau khi thắp nén nhang thơm, rồi nhắm mắt cảm nhận từ trong tiềm thức bao la, mơ hồ như có rất nhiều lời rì rầm vọng lại, gửi gắm lòng tin, khích lệ, động viên những hành trình mang hình hài của nhân nghĩa và yêu thương để mình vững tin tiếp bước...

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.