Quê hương thứ hai của người nước ngoài

.

Sống, làm việc ở thành phố Đà Nẵng trong nhiều năm qua, trong đó có hai năm 2020 và 2021 với diễn biến phức tạp của Covid-19, người nước ngoài nhận được nhiều san sẻ, yêu thương, giúp đỡ chân tình của người dân và chính quyền. Nhiều người nước ngoài đã xem Đà Nẵng là quê hương thứ hai của mình.

Ấm lòng khi được sẻ chia - Dù gặp nhiều khó khăn do tác động của Covid-19 nhưng anh Kikuchi (ngoài cùng bên phải) rất nỗ lực để duy trì hoạt động kinh doanh của các nhà hàng. Ảnh:  THU HÀ
Ấm lòng khi được sẻ chia-Dù gặp nhiều khó khăn do tác động của Covid-19 nhưng anh Kikuchi (ngoài cùng bên phải) rất nỗ lực để duy trì hoạt động kinh doanh của các nhà hàng. Ảnh: THU HÀ

Đồng cảm và sẻ chia

“Người dân luôn sẵn lòng giúp đỡ khi chúng tôi gặp khó khăn”. Đó là chia sẻ của anh Simon Michael Hyde (quốc tịch New Zealand) đang ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Hơn 8 năm sống ở Đà Nẵng, anh nhận thấy người dân địa phương vô cùng thân thiện và dễ mến. “Khi tôi mới chuyển đến, những người hàng xóm mời tôi tham gia vào những bữa tiệc của gia đình họ. Họ còn sẵn sàng giúp đỡ tôi những lúc khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội”, anh chia sẻ.

Phường Nại Hiên Đông có một thời gian phải thực hiện giãn cách nghiêm ngặt để phòng, chống dịch. Anh Simon nhớ lại, khi cả phường bị phong tỏa, mọi người hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết. “Thời gian này, chúng tôi dần thích nghi với việc làm tại nhà. Thành phố đã rất nỗ lực phòng, chống dịch trong 2 năm qua.

Có lẽ, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi trong lúc giãn cách là cứ vài ngày, chúng tôi được mời đi xét nghiệm Covid-19 một lần. Mỗi người một chiếc ghế, xếp hàng dài chờ đến lượt. Và bây giờ, thành phố đã nhanh chóng thực hiện chiến dịch “phủ” vắc-xin, kết quả rất đáng kinh ngạc. Là người nước ngoài sống tại đây nhưng tôi cũng đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin”, Simon kể.

Anh Dane Schaefer (người Nam Phi, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của Đà Nẵng. Trong những ngày cả thành phố “ai ở đâu thì ở đó”, anh luôn tuân theo các quy định của thành phố đề ra. Anh chia sẻ, nơi anh sống, tổ trưởng tổ dân phố nhiệt tình hỗ trợ nên anh không gặp vấn đề gì về lương thực hay các nhu cầu thiết yếu.

“Tôi nhận được một khoản trợ cấp nhỏ từ thành phố và còn được chủ nhà hỗ trợ giảm tiền thuê nhà nên tôi thấy mình như người bản địa ở đây”, anh nói. Đối với Simon, anh cũng cảm thấy rất “hãnh diện” khi khoe với bạn bè của mình khi trong giai đoạn giãn cách, anh được chính quyền, tổ dân phố, hàng xóm hỗ trợ về lương thực, tiền mặt, thực phẩm thiết yếu... 

Ở Đà Nẵng lâu, Victor Ceano Savall coi đây như quê hương thứ hai  của mình.  TRONG ẢNH: Victor trong một buổi dạy làm bánh chocolate cho học viên.
Ở Đà Nẵng lâu, Victor Ceano Savall coi đây như quê hương thứ hai của mình. TRONG ẢNH: Victor trong một buổi dạy làm bánh chocolate cho học viên. Ảnh: THU HÀ
 
"Ở Đà Nẵng gần 4 năm, tôi thường đi du lịch nước ngoài vào dịp Tết. Năm nay, tôi mới lập gia đình, Tết này tôi sẽ dành nhiều thời gian cho gia đình Việt Nam của mình. Tôi thích cách gia đình nhà vợ sum vầy bên nhau, cùng nấu ăn, trò chuyện, đi thăm người thân và đặc biệt thưởng thức các món ăn truyền thống trong dịp Tết của Việt Nam do mẹ vợ tôi nấu”
Dane Schaefer

Mở ra những cơ hội mới

Với những người nước ngoài khác đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố, dịch bệnh xảy ra khiến họ gặp khó khăn nhưng cũng mở ra những cơ hội mới. 8 năm ở Đà Nẵng, Victor Ceano Savall (quốc tịch Tây Ban Nha) đã xem Đà Nẵng là quê hương thứ hai của mình. Anh cảm thấy gắn bó, yêu thành phố này và tạo dựng công việc kinh doanh ở đây với nghề truyền thống của gia đình là làm kẹo và chocolate.

Là người sáng lập kiêm bếp trưởng của thương hiệu chocolate Savall (quận Sơn Trà), khi bắt đầu công việc kinh doanh, Victor chọn cái tên Pop Kẹo vì muốn có một cái tên Việt Nam, nhưng đến năm 2020 anh đổi thành Savall (họ của anh). Anh bày tỏ, trong suốt thời gian thành phố Đà Nẵng giãn cách xã hội, anh đã nhận hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương như: được cung cấp giấy đi đường cho xe vận tải, chủ nhà giảm tiền thuê nhà…

“Tôi may mắn có những người hàng xóm rất tốt, tổ trưởng tổ dân phố nhiệt tình, có trách nhiệm và làm việc rất chuyên nghiệp. Dịch bệnh gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới ở tất cả mọi lĩnh vực nhưng khi ở Đà Nẵng nói riêng cũng như Việt Nam nói chung thì công tác phòng, chống dịch được thực hiện rất nghiêm ngặt và mang lại hiệu quả”, Victor chia sẻ.

Tuy khó khăn, nhưng năm nay Victor cũng kết nối, giới thiệu sản phẩm của công ty tới một số quốc gia như Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc). Dự định trong năm tới, anh sẽ tiếp tục mở rộng thị trường đến nhiều thành phố lớn hơn ở châu Á như: Bangkok, Singapore cũng như phát triển trở lại, các thị trường khách sạn đã làm trước đây. “Tôi tin rằng nếu mọi thứ diễn ra như bây giờ thì công ty của tôi sẽ phát triển hơn rất nhiều. Ngoài ra, tôi sẽ kết nối với các trường học trên địa bàn thành phố để mở lớp học làm chocolate cho các em nhỏ.”

Hơn một năm qua, hoạt động kinh doanh nhà hàng của anh Ryota Kikuchi (quốc tịch Nhật Bản) cũng gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng với kinh nghiệm 20 năm sinh sống và làm việc ở Đà Nẵng anh đã từng bước duy trì và vượt qua. Anh Kikuchi chia sẻ, nhà hàng chuyên món ăn Nhật Bản của anh trên đường Dương Đình Nghệ, quận Sơn Trà, được mở năm 2019, khi đó du lịch còn đang phát triển, mỗi ngày thu hút rất đông khách. Dịch bệnh xảy ra, thành phố yêu cầu tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch, anh đều tuân thủ các yêu cầu của chính quyền địa phương, nhân viên phải tạm nghỉ.

Bây giờ, khi thành phố cho mở cửa trở lại, bên cạnh phục vụ tại chỗ anh còn bán hàng mang đi. Những món ăn mang đậm phong cách, gia vị Nhật Bản như: shushi, mì Ramen, hải sản, thực phẩm hữu cơ… đã được các nhà hàng của anh Kikuchi cung cấp cho ngươi dân địa phương. Năm 2021, anh đã mở thêm nhà hàng Ramen tôm cao cấp trên đường Thái Phiên, phường Phước Ninh, quận Hải Châu và cửa hàng Table Produce trên đường Nguyễn Thái Học, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, chuyên bán các món ăn Nhật Bản và các sản phẩm là nông sản, hải sản đã qua chế biến. Đây cũng là cách để anh tiêu thụ nông sản của các nông trại mà anh hợp tác trước đó và cũng là cách để anh duy trì việc làm cho các nhân viên.

Dịch bệnh đã khiến nhiều thứ thay đổi nhưng có lẽ tình cảm của những người nước ngoài đối với thành phố Đà Nẵng vẫn như còn nguyên vẹn. Điều đó đến từ sự quan tâm của chính quyền địa phương, của người dân dành cho họ. Và cũng dễ hiểu vì sao họ chọn Đà Nẵng là quê hương thứ hai của mình.

"Tôi đã từng đón Tết ở Việt Nam nhiều lần. Lần đầu tiên đón giao thừa ở Đà Nẵng là tại một bữa tiệc cuối năm tổ chức bởi hàng xóm của tôi. Những năm qua, tôi thường xuyên tham dự các bữa tiệc tất niêm xóm, cùng nhau uống bia, ca hát. Những ngày còn lại của Tết, chúng tôi rủ nhau đi chúc Tết các nhà trong xóm, ăn bánh kẹo, uống bia. Tôi rất thích không khí các bữa tiệc và các món ăn truyền thống dịp Tết ở đây”
Simon Michael Hyde
THU HÀ - MAI DUNG
;
;
.
.
.
.
.