Bàn tròn xuân

25 năm nhìn lại và đi tới

.

Đà Nẵng đã trải qua 25 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. 25 năm cũng là dịp cùng nhìn lại những thành tựu quan trọng và hướng tới tương lai thành phố trong chặng đường mới trên con đường xây dựng Đà Nẵng hiện đại, an bình, giàu đẹp, văn minh. Báo Đà Nẵng Xuân Nhâm Dần 2022 ghi nhận những ý kiến tâm huyết của lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ; những đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả, cùng chung tay định hướng tương lai, định hình tầm nhìn đưa thành phố bước vào giai đoạn phát triển mới.

Ảnh: LÊ HUY TUẤN
Ảnh: LÊ HUY TUẤN

* PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

Hướng tới khát vọng tiếp tục xây dựng “thành phố đáng sống”

Năm 1997, sau khi tách khỏi Quảng Nam, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xác lập vị thế độc lập (tương đối) và tư thế “trung tâm” trong liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm duyên hải miền Trung, Đà Nẵng đã có quãng thời gian 25 năm nỗ lực không ngừng nghỉ để vươn dậy mạnh mẽ, định hình nên chân dung một “thành phố đáng sống”, thành phố du lịch biển đi sau nhưng vươn nhanh lên tầm cỡ quốc tế đầy tự hào. Đà Nẵng cũng xác lập bảng thành tích ấn tượng ở hầu hết các chỉ số phát triển quan trọng, điều mà không nhiều địa phương trên cả nước đạt được trong cùng quãng thời gian.

Những thành tích đạt được thực sự đi vào chiều sâu, phản ánh khí thế bứt phá và tiến vượt trên hầu như tất cả các phương diện của địa phương. Đơn cử, tăng trưởng GRDP năm 2019 tăng gấp 8 lần so với năm 1997; GRDP/người tăng 8,3 lần, từ 502 USD lên 4.171 USD; thu ngân sách tăng 23 lần; khách du lịch tăng gần 55 lần, đạt gần 8,7 triệu năm 2019. Đặc biệt, qua 15 năm xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh  - PCI (từ 2006 đến 2020) Đà Nẵng có 7 năm xếp thứ nhất, 3 năm xếp thứ hai, 4 năm xếp thứ năm. Với nền tảng phát triển vững vàng suốt 25 năm qua, Đà Nẵng đã kiên cường và “trụ hạng” thành công sau 2 năm ứng phó với Covid-19.

Kết thúc chặng đường đã qua, Đà Nẵng cần nhìn lại, suy ngẫm và định hướng tương lai, định hình tầm nhìn mới để tiếp tục vươn lên. Theo tôi, hiện nay bên cạnh nhiệm vụ phục hồi nền kinh tế, thành phố cần có các định hướng chiến lược phát triển mới để phát huy hết năng lực còn dồi dào, thích ứng với những điều kiện mới, phù hợp với xu thế thời đại, với sứ mệnh vùng - quốc gia đã được xác lập, dựa trên nền tảng công nghệ cao (bao hàm nền kinh tế số) và để giảm thiểu những rủi ro (như sự cố Covid-19).

Thành phố cần tập trung ở hai định hướng lớn: chiến lược xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới - sáng tạo - công nghệ cao quốc gia; xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính quốc tế hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ cao, trong bối cảnh toàn cầu hóa và với cấu trúc chức năng mới. Đương nhiên, Đà Nẵng không coi nhẹ những lợi thế cơ bản vốn có, cũng như vốn liếng quý báu là một trung tâm du lịch biển quốc tế đẳng cấp cao đã được tạo dựng trong mấy chục năm qua.

Đảng và Nhà nước cũng định hướng phát triển cho Đà Nẵng theo tinh thần như vậy, kèm theo đó là những điều kiện và cơ chế hỗ trợ tích cực. Toàn bộ lịch sử phát triển của địa phương này cho thấy tính can trường, gan góc, tất cả đều hướng tới mục tiêu “đáng sống” cho mọi công dân.

* Thạc sĩ Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quy hoạch phát triển:

Phát triển đột phá ngay trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

Trong thời kỳ quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng được định hướng trở thành một đô thị đáng sống, có giá trị trường tồn (chính là nội hàm của phát triển bền vững), có vị trí cạnh tranh trong khu vực nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Định hướng này phải được xây dựng dựa trên tầm nhìn, chiến lược lâu dài. Bản quy hoạch tốt mới bảo đảm 40% thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, còn lại 60% phụ thuộc vào những chính sách mềm, giải pháp, phương thức triển khai quy hoạch, trong đó có quyền chủ động và linh hoạt của địa phương trong quy hoạch.

Một thành phố đáng sống của thế kỷ XXI, theo các nhà quy hoạch đương đại, được xem xét và đánh giá theo 8 yếu tố cơ bản: khí hậu thời tiết, hiện tượng tự nhiên bất thường, an ninh, an toàn cá nhân, chính trị ổn định, chất lượng không khí, dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ, nhà ở và tiện ích công cộng phải đủ và chi phí hợp lý. Thành phố Đà Nẵng may mắn đã cơ bản đáp ứng được 4 yếu tố đầu tiên của một thành phố đáng sống.

Để đạt các yếu tố còn lại, quy hoạch cần định hướng xây dựng thành phố dựa trên 6 nguyên tắc cơ bản gồm: bảo tồn tự nhiên, bảo tồn di tích lịch sử; các khu đô thị chung cho mọi tầng lớp thu nhập, mọi lứa tuổi và quy hoạch dùng chung các dịch vụ, tiết kiệm đất đai và giảm chi phí cho mỗi cá nhân; đô thị dành cho người đi bộ và đi xe đạp, ít ô-tô cá nhân; tăng tính kết nối: tăng mật độ đường, từ đó tăng diện tích mặt tiền cho các dịch vụ mua sắm thương mại; phải ưu tiên quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng, gồm tàu điện ngầm và mạng lưới xe buýt cho các tuyến thu gom (feeder roads) về các ga tàu; các phân khu có đầy đủ các dịch vụ tiện ích cuộc sống cho dân cư theo mô hình đô thị nén, không theo mô hình đô thị dàn trải mật độ thấp và mật độ cao.

Việc có định hướng rõ ràng, xây dựng thành phố Đà Nẵng là một thành phố đáng sống, dựa trên 8 tiêu chí theo chuẩn quốc tế và tuân thủ theo 6 nguyên tắc trong quy hoạch đô thị thế kỷ 21, với các mô hình đô thị sân bay, thành phố thông minh và thành phố đổi mới sáng tạo, cùng sự quyết tâm chung, nỗ lực chung của mọi công dân thành phố, từ người lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường, từ Đảng bộ thành phố đến các tổ chức Đảng, đoàn thể cơ sở… sẽ làm bàn đạp để giúp thành phố chuyển mình, phát triển đột phá ngay trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Ảnh: CÔNG HƯNG
Ảnh: CÔNG HƯNG

* GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân):

Phát triển logistics gắn với cảng biển, sân bay quốc tế

Với địa thế trung điểm của cả nước, điểm cuối tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) lại hội tụ các loại hình vận tải hàng không, cảng biển, đường sắt, các tuyến cao tốc… tiềm năng phát triển logistics của Đà Nẵng rất lớn. 

Với định hướng xây dựng thành phố Đà Nẵng “trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ…” theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW, phát triển logistics gắn với cảng biển, sân bay quốc tế là yếu tố cốt lõi, có ý nghĩa hết sức quan trọng, đóng góp vào thực hiện thành công mục tiêu này.

Để hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng, thành phố cần ưu tiên xây dựng hạ tầng kết nối với cảng biển, cảng hàng không quốc tế với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nâng công suất sân bay Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, đặc biệt chú ý tính hiệu quả, tính cấp bách của dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng. Qua đó, góp phần giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh ngày một gay gắt thời kỳ hậu Covid-19.

Tiếp đó, cần có chính sách hỗ trợ về đất để thúc đẩy xây dựng đồng bộ các loại hình trung tâm logistics quy mô lớn (ưu tiên khu công nghiệp logistics, khu công nghiệp logistics công nghệ cao, trung tâm logistics hạng 2, chuyên dùng) để tái cơ cấu lại thị trường các hoạt động logistics mà thành phố có lợi thế, thúc đẩy phát triển bền vững theo mô hình logistics thành phố xanh Đà Nẵng: cảng biển→đường sắt→các trung tâm logistics→đường ô-tô→khách hàng. Qua đó, thúc đẩy xuất nhập khẩu, thu hút luồng hàng hóa trong vùng và từ hành lang EWEC về với Đà Nẵng, đóng góp lớn cho tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh của Đà Nẵng trong lĩnh vực logistics.

Một vấn đề khác cần quan tâm là xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển đa dạng loại hình doanh nghiệp logistics đối với tất cả các loại hình vận tải, đầu tư dịch vụ kho bãi, phát triển thị trường, dịch vụ logistics theo hướng logistics xanh, văn minh, hiện đại, có chất lượng cao với giá cả hợp lý nhằm góp phần tăng nguồn thu ngân sách thành phố, đồng thời qua đó phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh hệ thống doanh nghiệp logistics thành phố và vùng ngang tầm với các nước. Việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics, bao gồm cả nhân lực số cho logistics để đáp ứng yêu cầu phát triển là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: N.H
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: N.H

* PGS.TS Bùi Quang Bình, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng):

Thay đổi cách thức phát triển dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo và hội nhập

Nhìn lại quãng thời gian từ khi tách tỉnh (1997) đến nay cho thấy, động lực và động lực mới của tăng trưởng kinh tế thành phố Đà Nẵng là nhờ vào việc chuyển dịch, áp dụng những thay đổi trong mô hình tăng trưởng: từ dựa vào đầu tư chuyển sang dựa vào công nghệ, từ cơ cấu các ngành kinh tế có chi phí cao, giá trị gia tăng thấp sang cơ cấu kinh tế đô thị dựa vào dịch vụ và công nghiệp có trình độ công nghệ cao với hiệu quả và giá trị gia tăng cao hơn; đồng thời, dựa nhiều hơn vào cả thị trường nội địa và độ mở của nền kinh tế.

Tuy nhiên, sự chững lại trong phát triển kinh tế của thành phố trong vài năm trở lại đây cho thấy, động lực kinh tế cũ đang yếu dần, trong khi động lực mới chưa đủ mạnh nên chi phí trung gian vẫn cao.

Trong bối cảnh như vậy, để Đà Nẵng phát triển hơn, cần tổ chức thực hiện tốt mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng kinh tế đô thị thông minh, môi trường và hội nhập. Thành phố cần tập trung phát triển các ngành có lợi thế, có tốc độ tăng năng suất cao, phân công lao động sâu và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong ngắn hạn, cần phát triển du lịch và thương mại theo hướng chất lượng cao, giá trị gia tăng cao để tận dụng cơ sở hạ tầng và các nguồn lực đã cao; trong dài hạn tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; dịch vụ logistics và cảng biển; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; ngư nghiệp.

* GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng:

Đại học Vùng như chiếc áo đã chật, cần thành lập Đại học Quốc gia Đà Nẵng

25 năm qua là giai đoạn phát triển giáo dục đại học mạnh mẽ nhất của thành phố Đà Nẵng. Hệ thống trường đại học đa dạng, có đại học vùng và trường trực thuộc các bộ, ngành, công lập và tư thục; có đại học hình thành từ nguồn đầu tư trong nước và trường 100% vốn đầu tư nước ngoài. Các trường đã cung cấp nguồn nhân lực chủ lực cho địa phương và cả nước.

Theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cơ cấu nguồn nhân lực của thành phố Đà Nẵng có sự khác biệt nhiều so với các địa phương khác. Do đó các trường đại học trên địa bàn cần có những chương trình đào tạo mới với chuẩn đầu ra phù hợp với yêu cầu của thành phố.

Theo tôi, giáo dục đại học Đà Nẵng cần có những bước chuyển rõ nét hơn. Một là, liên kết các trường, không kể công, tư hay trường có vốn đầu tư nước ngoài, để đào tạo những ngành nghề theo yêu cầu của thành phố. Vì thế thành phố nên có chủ trương khuyến khích các trường đại học trên địa bàn phối hợp với nhau hình thành các đơn vị đào tạo chung, có thể là các khoa trực thuộc, các trường trực thuộc, mang tính chuyên ngành theo từng lĩnh vực mà thành phố yêu cầu.

Hai là, để phát triển Đà Nẵng thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Đà Nẵng cần có đội ngũ nhân lực trình độ cao, có tư duy sáng tạo, đổi mới, có khả năng phát triển các sản phẩm với hàm lượng chất xám cao. Theo chuẩn đầu ra của các trình độ đào tạo quy định tại khung trình độ quốc gia Việt Nam, tương thích với khung trình độ khu vực ASEAN thì trình độ bậc 6 (tốt nghiệp đại học) không đáp ứng được yêu cầu nhân lực của thành phố. Vì vậy nguồn nhân lực của Đà Nẵng cần được đào tạo ở bậc cao hơn, đó là bậc 7 (thạc sĩ) và bậc 8 (tiến sĩ). Giải pháp cho vấn đề này có thể là thành phố hỗ trợ cho người học trong giai đoạn chuyển tiếp từ bậc 6 sang bậc 7 hay bậc 8.

Ba là thành lập Đại học Quốc gia trên cơ sở Đại học Đà Nẵng. 25 năm qua, Đại học Vùng Đà Nẵng đã phát huy tốt vai trò đầu tàu giáo dục đại học khu vực miền Trung, cung cấp nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thành phố và các địa phương trong khu vực đối với từng thời kỳ. Nay với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số với những yêu cầu như trên, Đại học Vùng như chiếc áo đã chật, không đủ nguồn lực cũng như cơ chế linh hoạt trong hoạt động để đảm đương nhiệm vụ theo yêu cầu mới…

* TS Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng:

Triển khai hiệu quả Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung

Trên cơ sở Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố đã triển khai lập Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xây dựng bộ khung phát triển của thành phố trong tương lai.

Đây là cơ sở để Đà Nẵng phân bổ lại các nguồn lực trên địa bàn hợp lý hơn, góp phần tối ưu hóa các nguồn lực, tạo ra bản sắc riêng cho thành phố cũng như tiền đề gợi mở nhiều ý tưởng, chủ trương, chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.

Để đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, việc triển khai hiệu quả Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế, tận dụng và sử dụng tốt hơn không gian đô thị, xác định các giải pháp về môi trường, dân số, thích ứng với biến đổi khí hậu, vấn đề an ninh phi truyền thống…

Trước hết, thành phố cần bảo đảm sự cân bằng giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tăng sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài. Cụ thể, trong 10 năm tới, phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin (bình quân hơn 11%), duy trì ở mức cao tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ (bình quân hơn 8,5%) với 2 lĩnh vực mũi nhọn là du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics. Phấn đấu cụm ngành du lịch chiếm khoảng 20%, cụm ngành logistics chiếm khoảng 15% GRDP của toàn thành phố. 

Trong 10 năm tới, thành phố phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin. Trong ảnh: Dây chuyền lắp ráp, sản xuất các sản phẩm điện tử, mạch điện tử thuộc Dự án công nghệ SMT tại Nhà máy Trungnam EMS đang triển khai tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN
Trong 10 năm tới, thành phố phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin. TRONG ẢNH: Dây chuyền lắp ráp, sản xuất các sản phẩm điện tử, mạch điện tử thuộc Dự án công nghệ SMT tại Nhà máy Trungnam EMS đang triển khai tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN

Thứ hai, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các mục đích sử dụng các nguồn lực khác nhau, đặc biệt là nguồn lực về đất đai, hạ tầng và kinh tế, góp phần bảo đảm thành phố tiếp tục phát triển bền vững và hợp lý. Đà Nẵng được dự báo phải đối mặt với thách thức trong việc xác định các khu vực phát triển trong tương lai và tối đa hóa hiệu quả sử dụng đất để phù hợp với sự tăng trưởng dân số trong dài hạn. Quy hoạch chung đã góp phần rà soát, điều chỉnh các khu đất tại các vị trí đắc địa, các khu đất trống, không xây dựng công trình, gây mất mỹ quan đô thị nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất; điều chỉnh quỹ đất dành cho không gian xanh, tiện ích công cộng hiện đang thiếu trầm trọng, trong khi việc điều chỉnh quỹ đất dành cho giáo dục, y tế, các thiết chế văn hóa... cần tương xứng hơn với tầm vóc của thành phố.

Thứ ba, phải tăng cường và phát huy hiệu quả liên kết vùng, đây là xu thế phát triển tất yếu, trong đó có vai trò dẫn dắt của Đà Nẵng với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

KHÁNH HÒA thực hiện

;
;
.
.
.
.
.