Hai lăm năm ấy biết bao nhiêu tình

.

Vậy mà đã 25 năm kể từ ngày thành phố Đà Nẵng “ra riêng” để có được một thành phố nguy nga và thân thiện như hôm nay.

Đà Nẵng sẽ không chỉ là thành phố “dễ sống”, mà còn là thành phố có chỉ số hưởng thụ văn hóa vào hàng cao nhất trong nước. TRONG ẢNH: Lễ hội đường phố diễn ra bên bờ đông sông Hàn các tối cuối tuần, tạo nên điểm nhấn cho chuỗi văn hóa, giải trí hai bờ sông Hàn.Ảnh: XUÂN SƠN
Đà Nẵng sẽ không chỉ là thành phố “dễ sống”, mà còn là thành phố có chỉ số hưởng thụ văn hóa vào hàng cao nhất trong nước. TRONG ẢNH: Lễ hội đường phố diễn ra bên bờ đông sông Hàn các tối cuối tuần, tạo nên điểm nhấn cho chuỗi văn hóa, giải trí hai bờ sông Hàn. Ảnh: XUÂN SƠN

Tôi đã từng có thời gian hơn 3 năm sống và làm việc tại Đà Nẵng trong những năm tháng hòa bình đầu tiên. Sau bao nhiêu năm xa cách, những năm gần đây, mỗi khi có dịp về thăm Đà Nẵng, thành phố này lại khiến cho tôi mỗi lần gặp là mỗi ngỡ ngàng. Có lẽ những ngày trước dù tôi có những tưởng tượng gì, có những bài thơ gì viết về Đà Nẵng, thì tôi cũng chưa bao giờ tưởng tượng ra một Đà Nẵng có sức vóc to lớn đến như thế này! Nhưng đó chưa phải điều ngạc nhiên nhất.

Chỉ trong vòng 10 năm kể từ khi ra riêng, hơn 82.000 hộ dân của Đà Nẵng đã đồng ý giải tỏa để thành phố quy hoạch lại hạ tầng. Đó là một cuộc “tái cấu trúc đô thị” vĩ đại. Nhưng có lẽ, Đà Nẵng là nơi công việc giải tỏa không bị ách tắc, và số đơn khiếu kiện khá thấp so với rất nhiều vùng đô thị làm công việc này trong cả nước. Nếu người dân không được hạnh phúc, thành phố này dẫu to lớn hơn gấp nhiều lần liệu có ý nghĩa gì?

Đi trong những con phố Đà Nẵng, đó đây tôi đọc được trên gương mặt người dân cái mà tôi mong tìm nhất cho mình: niềm hạnh phúc. Một thành phố có chỉ số an toàn cuộc sống thuộc hàng cao nhất nước. Rất nhiều người từ trong cả nước đã về Đà Nẵng mua nhà mua đất sinh cơ lập nghiệp. Họ nói đây là đất lành, chỉ số tội phạm thấp, cơ hội nghề nghiệp cao, và giá đất vừa với túi tiền của nhiều người nếu so với những thành phố lớn khác trong nước.

Một thành phố đang vươn tới “thành phố xanh - sạch - đẹp” không chỉ ngoài đường phố mà cả trong cách sống, trong tình cảm, trong tâm hồn người dân; là thành phố không chỉ biết kiếm tiền, mà còn biết tiêu tiền đúng mục đích và nhân ái. Chính cách sống thân thiện, sự bao dung và mở lòng của mỗi công dân thành phố mới quyết định cho nội dung “xanh - sạch - đẹp” của thành phố. Và khi sống như thế, người Đà Nẵng mới cảm nhận được hạnh phúc, một hạnh phúc không phải được mua với nhiều tiền, mà được tạo dựng bởi sự hài hòa trong cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.

“Chỉ số hạnh phúc” - trong những năm tới đây - sẽ là chỉ số quyết định cho sự thu hút, cho khả năng cạnh tranh và cho sự đánh giá mức sống người dân ở một thành phố. Trong hạnh phúc còn ẩn chứa sự thể hiện và hưởng thụ văn hóa. Tôi tin, theo cách phát triển hài hòa, Đà Nẵng sẽ không chỉ là thành phố “dễ sống”, mà còn là thành phố có chỉ số hưởng thụ văn hóa vào hàng cao nhất trong nước. Sự hưởng thụ ấy dành cho số đông nhất những người dân, những công dân của thành phố, và cho cả những ai chỉ một lần đặt chân tới Đà Nẵng. Bởi, họ sẽ còn trở lại, vì nghĩ cho cùng, hạnh phúc và văn hóa là hai giá trị mang tính thu hút cao nhất với mỗi con người.

Từ năm 2020, Covid-19 xuất hiện tại Đà Nẵng. Tuy chưa ở mức nghiêm trọng như Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ai cũng biết, thành phố này đã chịu những tổn thất như thế nào về kinh tế, về cuộc sống bình thường của người dân, về bao dự định và dự án đã không thể thực hiện được do dịch bệnh…

Và ở lần bùng phát thứ 4 của đại dịch, khi Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh Nam Bộ chịu những tổn thất nặng nề, người lao động ngoại tỉnh mất việc làm, không sinh kế, không còn tiền độ nhật, đã làm một cuộc “hồi hương tự phát” về các tỉnh miền Trung và miền Bắc lớn nhất từ trước tới nay, thì Đà Nẵng trở thành như một “trạm dừng chân nhân ái” trên con đường thiên lý đầy gian nan của những người lao động ấy.

Những “biệt đội SOS” của những nhóm thanh niên Đà Nẵng làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng cùng chung ý nguyện giúp bà con về quê bằng xe máy qua đèo Hải Vân. Những “trạm sửa chữa xe máy” đã mọc lên ngay trên đỉnh đèo, những chàng trai xuyên đêm sửa chữa xe máy, thay phụ tùng, hoàn thiện chiếc xe để bà con tiếp tục lên đường về quê… Phía sau những biệt đội sửa chữa xe là những đội thiện nguyện tiếp ứng tất cả những gì bà con đang thiếu, đang cần. Những chiếc xe máy mới được tặng cho người dân để thay những xe máy cũ nát.

Đây là cuộc tiếp sức có một không hai ngay trên đỉnh ngọn đèo cao và dài nhất miền Trung. Những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng, từ Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đến các Phó Bí thư, Phó Chủ tịch thành phố đều thay phiên nhau có mặt trên đỉnh đèo, trước cửa hầm Hải Vân, nơi tập kết của dòng người về quê, sẵn sàng chi viện những gì bà con cần để tiếp tục hành trình. Trong mưa gió, trước và trên đèo Hải Vân, hình ảnh người Đà Nẵng tiếp ứng cho đồng bào mình trên nhiều miền quê phía Bắc đã gây xúc động mãnh liệt cho đồng bào cả nước. Đó là những gì tình nghĩa nhất, cao đẹp nhất mà người Đà Nẵng trao cho đồng bào mình trong lúc khó khăn.

Khi người Đà Nẵng sẵn lòng tương trợ đồng bào mình, chính là khi thành phố quê hương họ ngời sáng lên trong hạnh phúc. Bắt đầu xây dựng thành phố hạnh phúc từ những hình ảnh nhân ái cao đẹp ấy, Đà Nẵng sẽ mãi là nơi “đất lành chim đậu” cho những người lao động từ nhiều vùng miền của đất nước. Đó là “thành phố tình người” như lời một bài hát ngợi ca Đà Nẵng, nó mang lại cho cư dân thành phố một cảm giác lâng lâng hạnh phúc vì đã sống đẹp cho thành phố của mình.

Sẵn lòng trợ giúp đồng bào mình bằng nhiệt huyết “bầu ơi thương lấy bí cùng”, có thể gọi đó là “Văn khí”- một biểu hiện cao đẹp của Văn hóa Việt Nam.

Hai lăm năm ấy biết bao nhiêu tình, Đà Nẵng ơi!

THANH THẢO

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích