Ân tình từ một bài thơ Xuân

.

Trong nhiều bài thơ Bác viết trong dịp Xuân, có một bài thơ khá hay và nặng nghĩa tình. Hiện nay, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ bài thơ tứ tuyệt hết sức cảm động của Bác Hồ. Đó là bài Chú Thông.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)

Toàn văn như sau:

Tết nhất năm này hoãn thịt xôi.

Tết sau, thắng lợi sẽ đền bồi,

Áo bạn biếu tôi, tôi biếu chú.

Chú mang cho ấm, cũng như tôi.

                                  4-2-1948

                                            Hồ Chí Minh

Bài thơ này, Bác viết vào ngày 4-2-1948 (tức ngày 25 tháng Chạp năm Đinh Hợi), gửi ông Đặng Phúc Thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông.

Bài thơ ra đời hơn một năm sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946). Đây là thời điểm đặc biệt của lịch sử, một thời kỳ còn rất gian khổ, khó khăn của công cuộc kháng chiến. Lực lượng ta thiếu thốn trăm bề, từ lương thực thực phẩm đến quân trang quân dụng. Hiểu thế, ta mới càng thấm thía hơn tấm lòng của Bác.

Mở đầu bài thơ, Người nói rõ: Tết nhất năm này hoãn thịt xôi. “Thịt xôi” vốn là những vật phẩm quen thuộc, có tính truyền thống của nhân dân ta trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Vậy mà, không quanh co, Bác nói ngay việc “hoãn thịt xôi”. Song, tinh ý sẽ thấy Bác nói “hoãn”, chứ  không nói “chẳng”, không nói “thôi”, càng không nói “không”. “Hoãn”, nghĩa của từ điển là “để lùi lại khi khác, chuyển công việc đã định sang thời điểm khác”. Chính từ chữ “hoãn” làm chúng ta không chỉ phải nỗ lực với sự nghiệp chung mà còn cảm thông, phấn đấu và chia sẻ với gian nan của công cuộc kháng chiến.

 Với một câu thơ giản dị, chân thành, Bác đã bày tỏ tấm lòng của mình đối với dân, với nước.

Câu thơ thứ hai là một câu thơ khẳng định, khẳng định một cách chắc nịch sự nghiệp kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta sẽ thắng lợi: Tết sau, thắng lợi sẽ đền bồi. “Đền bồi” là từ dùng thật đắt, mà cũng rất chí tình, chí nghĩa. “Đền bồi” có nghĩa sẽ trả, cả về vật chất lẫn tinh thần.

“Đền bồi” là sự đáp trả cho sự hy sinh, cho sự cống hiến, cho sự trả công trả nghĩa... cho những ai biết sống và chiến đấu cho công cuộc giải phóng nước nhà, thoát khỏi ách ngoại xâm.

Sang đến câu thứ ba - câu thơ tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến hai câu đầu, nhưng kỳ thực vẫn nằm trong logic nội tại của cấu trúc bài thơ. Đó vẫn là những khó khăn của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Hơn ai hết, vị lãnh tụ tối cao của dân tộc hiểu điều đó một cách sâu sắc và đã trao món quà cho đồng chí của mình: Áo bạn biếu tôi, tôi biếu chú.

Một lần nữa ta nhận ra tình cảm, sự trân trọng của Bác ở từ “biếu”, hai lần nhắc lại. “Biếu” cũng là “cho”, là “tặng”, song về mặt sắc thái ngữ nghĩa thì khác. Vì thế, lời lẽ bình dị mà xiết bao cảm động!

Và liền sau đó, câu thơ thứ tư mới ấm áp ân tình làm sao: Chú mang cho ấm, cũng như tôi. Dường như qua câu thơ này, Bác đã nói đầy đủ tấm lòng của mình.

Bao giờ cũng vậy, câu thứ tư trong thơ tứ tuyệt lúc nào cũng đóng vai trò chủ đạo của một bài thơ. Ở đây cũng thế. Câu thơ sau cùng như một vầng dương, tỏa sáng cả toàn bài, xua tan đi những gian khổ, khó khăn tạm thời. Qua đó, Bác muốn truyền hơi ấm của tấm lòng, hơi ấm của tình người sang cho đồng đội, đồng chí.

Bài thơ ra đời vào những ngày cuối đông giữa núi rừng Việt Bắc, chuẩn bị đón Xuân mới, Xuân Mậu Tý (1948), như bài thơ chúc tết năm ấy, Người viết:

Năm Hợi đã đi qua,

Năm Tý vừa bước tới.

Gửi lời chúc đồng bào,

Kháng chiến được thắng lợi.

Toàn dân đại đoàn kết,

Cả nước dốc một lòng.

Thống nhất chắc chắn được,

Độc lập quyết thành công.

Qua bài thơ, ta càng hiểu hơn quyết tâm của lãnh tụ và tấm lòng yêu nước, thương dân, thương đồng chí của Bác.

Trong bài Đọc văn Người, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:

Bác chẳng để cho ta nghìn quyển sách

Hồn thơ lớn ấy ít ham thơ. Ham độc lập

Thay vì nghìn trang giấy bao la, Bác để tấm lòng

Một màu lộc, màu cây xanh mát mắt...

Và ta đi giữa NON SÔNG là TRANG VIẾT của Người

Bài thơ Chú Thông của Hồ Chí Minh nằm trong thông điệp này, đó là một tấm lòng, một màu lộc, một màu cây.

HUỲNH VĂN HOA

;
;
.
.
.
.
.