Ông Đào đang loay hoay che đậy mấy cây hoa phía sau thì nghe tiếng ông Mai ở ngay bên cạnh.
“Tiền ai mà rơi đây nhỉ.”
Quay sang, đã thấy ông Mai cầm một xấp tiền, được bọc sơ sài trong cái túi nilon trắng.
“Toàn tờ năm trăm, đếm coi.”
“Hai ba, hai bốn. Thảy là được mười hai triệu cơ đấy.”
Ông Đào lẩm nhẩm đếm rồi đưa xấp tiền lại cho ông Mai.
***
Hai bảy tháng Chạp, chợ hoa vẫn lưa thưa người. Quanh đi quẩn lại thấy toàn dân buôn với nhau, người mua đã ít mà cũng chỉ toàn lượn với ngắm nghía, chụp hình. Đừng lo, ba mươi chưa phải là Tết, người ta động viên nhau vậy. Và thường lệ như mọi năm, phải từ ngày hai tám chợ hoa mới nhộn dịp. Hoa như một thứ thêm thắt vào cho ngày xuân thêm sắc màu chứ không phải đồ cúng tế lễ nghi gì nên chẳng ai vội.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Cuối chợ hoa là hai lô giáp nhau, một bên bán mai vàng, một bên bán hoa đào. Hai ông chủ của hai lô bán hoa ấy mới biết mặt nhau từ mấy hôm trước. Họ cũng chả cần hỏi tên nhau, gọi luôn bằng tên mặt hàng, ông bán hoa màu hồng từ miền ngoài vào thì gọi là Đào, ông bán hoa vàng ở tỉnh bên cạnh thì gọi là Mai. Sáu mươi tuổi, lần đầu tiên ông Đào ông Mai gặp nhau ở một chợ hoa miền Trung.
“Cũng là lần đầu tiên trong đời tôi lượm được tiền này, ông bạn ơi.”
“Mười hai triệu là nhiều đấy chứ.”
“Giờ tính sao, ông Đào?”
“Ơ, tôi có nhặt đâu. Ông nhặt thì ông giữ lấy đi, tính sao thì tính.”
“Có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu. Tôi cho ông hai triệu nhé, được chưa?”
“Ô không. Tôi đâu dám.”
“Chê ít à. Tiền rụng tiền rơi, khơi khơi mà hưởng. Vậy tôi lấy luôn nhé.”
Nhét xấp tiền vào túi, ông Mai cười cười ngân nga: “Tiền là tiền nhiều khi không mà có, tiền là tiền nhiều lúc có như không”.
“Nhưng mà...” Ông Đào định nói gì đấy, rồi lại thôi.
Chưa có năm nào hoa ế như năm nay, mấy lần trước tới ngày hai bảy hoa đào của ông cũng đã bán phân nửa, coi như lại vốn chăm trồng. Đợt mưa dầm hồi tháng chín đào cả vùng quê ông úng thối rễ chết rất nhiều, dân trồng đào bảo tới Tết chắc được giá, ít ngài dài đũa mà. Đúng là đào năm nay ít thật, người trong thôn còn bao nhiêu chỉ đưa bán mấy tỉnh lân cận ngoài kia, riêng ông đánh một chuyến dài vào miền Trung như mọi năm, thử vận.
“Ai ngờ vẫn thua trời, ông Mai ạ. Cái giống đào tới khi búp nụ căng mập rồi lại còn sợ nắng. Như mấy hôm nay nóng quá, hoa nở ra cánh cứ nhăn nheo hết cả. Đào này là phải lành lạnh hoa nó mới tươi.”
Buổi chiều, trời kéo mây tới làm một trận mưa rồi chuyển lạnh. Đúng là cầu được ước thấy, trông những búp đào cứ thây thẩy he hé đầy sức sống. Nhưng mưa mạnh quá, giữa nền đất lem nhem nước vô vàn những cánh mai vàng rụng tả tơi.
“Không khí lạnh về là đúng Tết rồi đây.”
Ông Mai nhìn trời nói bâng quơ. Ngồi bên cạnh, ông Đào không đáp lời. Chắc bởi không biết đáp thế nào cho phải, trong lòng ông có chút vui vì trời ủng hộ kẻ bán hoa đào, nhưng đúng là trời hại thằng bán cà rem, cái giống mai của ông bạn kia phải nắng mới đúng kiểu.
“Này, xem lại có phải tiền thật không. Cuối năm người ta đi mua vàng mã về đốt nhiều lắm. Khéo tiền âm phủ, bữa nay chúng nó làm y như thật, nhìn thoáng qua chả phân biệt được đâu.”
“Ơ, thế chẳng phải ông không quan tâm à. Kệ tôi chứ.”
Nói vậy nhưng ông Mai cũng moi trong túi quần ra xấp tiền, vẫn còn bọc trong bao nilon.
“Đây này. Tiền thật trăm phần trăm. Sao, giờ có muốn đây chia cho không? Cho ba triệu nhé.”
***
Mưa lùn phùn rồi ngưng, chỉ còn se lạnh. Sáng ngày hai tám trời có sương âm ẩm, không nắng. Trời đẹp quá, người đi chợ hoa bắt đầu đông. Nay lại là ngày cán bộ, công nhân bắt đầu kỳ nghỉ Tết. Nam thanh nữ tú áo gió khoác ngoài dắt tay nhau hí hửng chụp ảnh. Mấy cụ ông đầu đội mũ bê rê ngó nghiêng coi hoa. Một cụ bà cổ đeo khăn choàng nâu ngồi bên vệ đường trải tấm giấy báo mời khách bói bài một ván. Vài cậu nhóc bưng rổ đựng những phong bì lì xì đỏ vàng đi bán dạo.
“Nhìn cảnh này thèm về nhà quá ông ơi. Quê tôi ở ngoài Bắc giờ phong tục vẫn còn đậm lắm.”
“Gắng ba hôm nữa thôi. Tết chẳng về nhà à.”
“Ý tôi là về sửa soạn đón Tết ấy. Chục năm nay rồi, từ dạo cày đất khô trồng đào. Chả năm nào tôi được ở nhà mấy ngày áp Tết. Bao việc giao hết cho vợ con, ngay cả chuyện sửa soạn mâm lễ thắp nhang giao thừa cũng là vợ luôn.”
Thử tính từ đây về ngoài ấy xe chạy dọc quốc lộ hết nửa ngày, lại bắt một chuyến xe về tỉnh lẻ ba tiếng nữa, vị chi mười lăm giờ đồng hồ. Tối ba mươi còn bao nhiêu cây đào dù đắt dù rẻ cũng bán tống bán tháo, lại còn những cây hoa nở tàn hay điếc nụ chả ai thèm thì người bán phải thu dọn về bãi tập kết rác. Loay hoay lập cập cho kịp chuyến xe lúc tám giờ tối. Trưa mùng một mới có mặt ở nhà, người cũng rệu rã ra rồi.
“Năm nào bán ngót và hoa đào được giá thì còn phấn chấn ăn Tết. Chứ năm ế rẻ, là nằm dài hết ngày mùng một luôn ấy chứ. Như năm nay, đang lo ngay ngáy đây.”
“Thế thì kể ra tôi bán mai vẫn sướng hơn ông. Năm nào cũng về kịp cúng giao thừa. Kiếm được bao nhiêu mừng bấy nhiêu, không lo lắm.”
Hai cái giường xếp đặt cạnh nhau, hai ông già sáu chục tuổi lâm râm trò chuyện những khi vắng khách hoặc đêm khuya. Đi bán hoa mấy ngày cuối năm chuyện ăn ngủ luôn thất thường. Cơm hộp lùa vội vàng cho đỡ đói, lỡ có khách đến coi hoa thì thả đấy rồi cho qua bữa luôn. Đêm, giấc ngủ cũng chập chờn vì phải canh chừng đề phòng. Thế là hai ông đổi phiên nhau, lúc người này ngủ thì người kia thức.
Chín giờ đêm, khách đi chợ hoa vẫn chưa vãn. Hai ông tranh thủ vào làm chén trà cho ấm người. Chợt ông Đào đập đập tay vào vai ông Mai.
“Kìa. Có người đi lại ở phía sau. Khéo thằng cha này đang đi tìm tiền của nó rơi đấy.”
Rồi hai ông ngửa mặt lên cười sảng khoái, khi thấy cái người kia đã đi tới chỗ dây thép gai chăng cuối bãi...
“Mà này, ông vẫn còn nghĩ đến cái xấp tiền ấy à. Thì đây, chia nhé. Cho hẳn một nửa nhé.”
“Khổ quá. Hôm nay ông bán được ba hay bốn chậu mai ấy nhỉ? Tôi cũng bán được hai chục gốc đào. Trời đẹp nên người mua cũng dễ tính hơn chút xíu. Thế mà vẫn còn cả trăm rưỡi gốc ấy chứ. Bán chậm quá.”
“Tôi bán năm chậu luôn ông ơi, được khá tiền. Cái giống mai hoa vàng đọt xanh miền Trung này có giá hơn những giống khác vì nó rất lâu lớn ông ạ. Mấy chậu ông thấy đó, chứ trồng trên mười lăm, hai chục năm cả đấy. Mỗi năm nó lớn một xíu, lại còn phải cắt giật cành, uốn tỉa để ra được dáng bonsai.”
“Đa công vậy giá cao là phải. Khéo một cây mai của ông còn nhiều tiền hơn hai chục gốc đào của tôi ấy chứ.”
“Được vàng thì mạt, được bạc thì hên. Người ta nói thế cũng đúng quá.”
Ông Mai rút túi lấy cái bịch màu trắng, đếm nhoay nhoáy mười hai tờ rồi đập vào tay ông Đào.
“Ông cầm lấy một nửa. Đây là tiền may mắn, quê tôi gọi bạc hên, cứ giữ lấy cho mát tay buôn bán, đừng đưa qua đẩy lại mất duyên.”
***
Ngày hai chín. Dân buôn cây buôn hoa bảo nhau ăn thua là ở ngày hôm nay thôi, chứ sang ba mươi năm nào cũng phải hạ giá mà mời các thượng đế. Trời rét, hèn chi hôm qua nắng oi oi, dấu hiệu chuyển thời tiết. Cái rét cuối năm không ngăn người ta ra đường, thậm chí rét càng kéo người ta đi chợ Tết đông hơn. Hội hoa xuân kín nghịt. Thế nào trăm người xem chả có dăm ba người mua cây mua hoa. Lại nữa, tâm lý càng thấy đông thì người ta mua càng nhanh hơn, không nấn ná chọn lựa, ít ì èo trả giá, chẳng có kiểu giả vờ bỏ đi, bởi sợ người khác mua mất cây đã ưng ý.
Phía trước lô bán đào độ chục cây thả cành tự nhiên cho khách coi, phía trong rạp che thì vẫn còn bó lại bằng dây từ hôm vận chuyển vào đây. Đào còn nhiều quá, từng bó từng bó ép sát vào nhau như một đoàn quân bị trói, chỉ chừa lại một lối vừa đủ đi. Khách có thể chọn cây đào đã bung cành ở ngoài, hoặc vào rạp chọn trong bó rồi mang về nhà tự mở dây. Ông Đào đi qua đi lại như con thoi giữa cái lối hẹp ấy.
Phía trước khách kêu hỏi cây này bao nhiêu tiền, phía trong mái che có người hỏi gốc này về cắt dây liệu cành nó có xòe đều không. Chân vừa đi, miệng ông Đào vừa liếng thoắng, hoạt bát hẳn chứ không còn là một ông già hom hem như mấy hôm trước. Từng gốc đào được bưng ra, đặt lên xe máy xe thồ chở chạy. Cái lối đi rộng dần, mở dần, bụng ông Đào như thể cũng đang mở cờ.
Ông Mai thong thả hơn chút. Khách mua mai bao giờ cũng ít hơn khách mua đào. Ngồi nhấp chén trà phà điếu thuốc, ngó cảnh ông bạn già miền Bắc tất bật, ông Mai cũng vui lây.
“Cười hoài vậy. Qua đây giúp tay, ông.”
“Vội gì. Đủng đỉnh thôi kẻo ngày mai chẳng còn đào mà bán đấy.”
Ông Đào đến bên bàn trà, ngồi chồm hổm cầm điếu cày rít một hơi bắn khói lên mù mịt. Trời lạnh khô, đào thắm mà mai cũng nở tươi. Hai ông già cứ tấm tắc khen qua khen lại. Nghề nào cũng vậy, mình có thấy đẹp thì người ta mới thấy đẹp chứ. Cứ vui vẻ lên, xởi lởi trời cho.
“Tới đây là có ăn rồi ấy nhỉ?”
“Mừng rồi ông. Mai nhà ông hôm nay thấy bán cũng nhanh ấy chứ.”
“Ngon lành.”
Đến khuya lô hoa đào đã ngót, chỗ rạp che giờ trống hẳn, đặt cái giường xếp thật thoải mái.
“Ngủ một giấc cho đã đi ông. Hôm nay vất vả rồi. Để tôi canh cho.”
Nằm được một lát, ông Đào vùng dậy, lại cầm ống điếu lên, vo thuốc châm rít. Trời về khuya rét lạnh, hút điếu cho ấm. Giường bên ông Mai tay gác dưới đầu làm gối kê, tay kia hai ngón cũng kẹp một điếu đầu lọc.
“Cuối năm cuối tháng, ngủ vật ngủ vờ thì mới đúng dân buôn. Cũng thú vị lắm chớ.”
“Trời này được ở nhà ôm vợ ngủ mới thú.”
Ông Mai bỗng bật dậy.
“Này. Ông còn bao nhiêu đào.”
“Đem vào ba trăm gốc đã bán hết chín phần. Chưa năm nào bán nhanh như thế. Giờ còn ba chục gốc. Thú thật dân trồng đào bọn tôi lúc nào cũng tính vứt đi một phần mười, là số hoa hỏng, xấu, ế. Bán được chín phần rồi thì coi như thắng lợi lớn. Nhưng cái tính mình con nhà cần kiệm, còn ngày mai gắng được thêm đồng nào hay đồng ấy.”
“Ngày mai ông bắt xe về sớm đi. Thế nào cũng kịp đón giao thừa. Ba chục gốc đào để đấy tôi bán giúp cho.”
“Nhưng, mai nhà ông cũng còn nhiều mà, dễ đến hai chục chậu ấy chứ.”
“Mai chỉ bán thế thôi là đạt rồi ông ơi. Còn bao nhiêu tôi sẽ chở về nhà chăm, sang năm lại đem đi bán.”
“Ờ nhỉ. Chẳng như cái bọn tôi đánh gốc đào đi xa. Thừa là vứt bỏ luôn.”
***
Mới chợp mắt chút đã rạng sáng ba mươi, Tết nhất thời gian nhanh thật. Ông Đào đã cuốn hết đồ đạc vào ba lô, cũng chả có gì ngoài mấy bộ quần áo. Khi vào thì cả xe tải đầy, khi đi chỉ một thân ta nhẹ nhàng.
“Xa xôi vào đây lạ nước lạ cái, gặp được ông thật may mắn. Tôi không biết cám ơn thế nào cho phải.”
“Bày vẽ. Dân buôn phơi trời nằm bãi phải thương nhau chứ. Cứ yên tâm lên xe về đón giao thừa với gia đình, ôm vợ ngủ ngon nhé. Tôi thì ở tỉnh bên cạnh rồi, xe chạy loáng cái là tới.”
“Số đào còn lại ông bán được bao nhiêu cứ bán. Không thì vứt đi cũng chả sao.”
“Vứt là vứt thế nào, để tôi bán ngon lành cho ông xem. Cùng lắm thì bốc lên xe chở cùng mấy chậu mai luôn. Đem về quê tôi cho hàng xóm mỗi nhà một cây chơi.”
Ông Đào mở nút túi áo, lôi ra xấp tiền hôm trước đã nhận từ ông Mai.
“Đúng là bạc hên thật ông ạ. Tôi trả lại ông. Hôm nay ngày mai nhỡ biết ai đánh rơi thì trả lại cho người ta kẻo tội.”
“Ông nói cũng phải. Nhưng mà, đã hên là cầm lấy cho hên dọc đường dọc sá.”
“Cám ơn ông. Nhưng. Không phải tiền của mình thì tôi không dám cầm.”
Hai ông già lần khần. Ông Mai cảm thấy khó xử bởi chính trò đùa của mình bày ra. Hôm trước hàng hoa bán ế, thấy ông bạn ỉu xìu nên ông tự lấy tiền trong túi mình ra giả vờ cho vui vậy thôi chứ chẳng có tiền nào rơi rớt đâu. Nhưng trò đùa đã đi quá trớn, giờ mà nói thật không khéo ông Đào lại trách ông Mai coi thường nhau, thử lòng tham.
Trầm ngâm một chút, mắt ông Mai sáng lên.
“Thế này nhé. Coi như đấy là tiền tôi sẽ bán giúp số đào này cho ông. Bình quân một gốc rẻ rề hai xị, cả thảy ba chục gốc đào vị chi vừa tròn sáu triệu. Nếu có ai đến hỏi tiền rơi thì tôi sẽ lấy tiền bán đào trả lại cho người ta. Hợp tình hợp lý chưa?”
“Ông giúp cho thế thì quý hóa quá. Nhưng, tôi không dám đâu.”
Thấy mấy ngón tay ông Đào đang run run với xấp tiền, ông Mai đưa hai bàn tay ra ôm lấy, lắc lắc. Hai ông già sáu chục nhìn nhau rưng rưng không nói thêm lời nào.
Đúng sáu giờ, chiếc xe khách trờ tới. Ông Đào nhảy lên xe, vai khoác ba lô nhẹ tưng. Ông Mai đứng dưới trông, cảm thấy nhẹ lòng.
Truyện ngắn của HOÀNG CÔNG DANH