Năm 2022, cộng đồng khởi nghiệp chứng kiến nhiều dự án khởi nghiệp (startup) của Đà Nẵng gọi vốn thành công hàng triệu USD, khẳng định tiềm năng của các startup đến từ thành phố biển miền Trung. Đà Nẵng Tết Quý Mão 2023 trò chuyện với hai startup có những cái “bắt tay” trị giá hàng triệu USD với các nhà đầu tư.
* Nguyễn Bá Cảnh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dat Bike Vietnam (quận Sơn Trà):
Xe máy điện “Made in Vietnam”
Anh Nguyễn Bá Cảnh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dat Bike Vietnam bên cạnh sản phẩm xe máy điện của công ty. Ảnh: M.Q |
Cuối tháng 11, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam nói chung và Công ty TNHH MTV Dat Bike Vietnam (quận Sơn Trà) nói riêng đón nhận tin vui khi công ty gọi vốn thành công thêm 8 triệu USD - con số ấn tượng cho một dự án khởi nghiệp. Quỹ đầu tư dẫn đầu vòng rót vốn này là Jungle Ventures (Singapore), cùng với sự tham gia của GSR Ventures, Delivery Hero Ventures, Wavemaker Partners và Innoven Capital.
Trước đó, tháng 4-2021, Dat Bike huy động thành công 2,6 triệu USD ở vòng gọi vốn Pre-Series A, dẫn đầu là Jungle Ventures. Đây cũng là lần đầu tiên quỹ đầu tư từ Singapore rót tiền vào lĩnh vực giao thông xanh. Một năm sau, tháng 4-2022, Jungle Ventures cùng với Wavemaker Partners tiếp tục rót vốn 5,3 triệu USD ở vòng Series A. Như vậy, tổng số tiền Dat Bike huy động được đến nay là 16,5 triệu USD.
Theo các quỹ đầu tư, việc rót vốn lớn vào Dat Bike vì lạc quan vào tiềm năng của startup này cũng như ngành xe điện Việt Nam sẽ dẫn đầu công cuộc chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh không chỉ trong khu vực mà còn ở quy mô toàn cầu.
Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, Nguyễn Bá Cảnh Sơn (sinh năm 1990) là niềm tự hào của thành phố khi xuất sắc giành huy chương bạc trong kỳ thi Olympic Tin học quốc tế lần thứ 20 tổ chức tại Ai Cập vào năm 2008. Thành tích ấy mở đầu cho chuyến du học của anh Sơn 2 năm sau đó tại Trường Đại học Illinois (Mỹ). Cuối năm 2017, Nguyễn Bá Cảnh Sơn quyết định trở về Đà Nẵng với hành trang gần 10 năm tại xứ người là tấm bằng Thạc sĩ khoa học máy tính và công việc đáng mơ ước tại Thung lũng Silicon (Bắc California, Mỹ).
Chàng cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ, sau thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm anh muốn trở về quê hương để phát triển, đặc biệt là vì trăn trở với môi trường ngày càng ô nhiễm nên đã xây dựng thương hiệu xe máy điện Dat Bike, với mong muốn tạo ra xe điện do chính kỹ sư người Việt thiết kế và sản xuất. Khởi đầu từ một nhà xưởng quy mô nhỏ ở Đà Nẵng vào năm 2019, giờ đây Dat Bike đã sở hữu một nhà máy công nghệ cao với công suất trên 1.000 xe/tháng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong năm đầu khởi nghiệp, xe máy điện Dat Bike Weaver đã đạt kiểm định của Bộ Giao thông vận tải, được công nhận là chiếc xe máy điện “Made in Vietnam” đầu tiên có công suất và tốc độ sánh ngang với xe máy xăng. Anh Sơn cho biết, một năm qua, Dat Bike ghi nhận doanh thu tăng trưởng 10 lần, nhân sự tăng gấp ba lần kể từ lúc ra mắt sản phẩm Weaver 200 vào tháng 11-2021. Lượng đơn đặt hàng cũng tăng gấp ba lần so với dự kiến và mục tiêu đề ra.
Tuy có nhiều kế hoạch và mục tiêu trong tương lai xa, anh Sơn khẳng định, Đà Nẵng là thị trường tiềm năng mà Dat Bike hướng tới hiện nay. “Cửa hàng chính hãng của Dat Bike khai trương tại Đà Nẵng vào tháng 10 vừa qua là cột mốc quan trọng của chúng tôi. Khởi đầu của Dat Bike là từ Đà Nẵng nên đây sẽ là thị trường trọng điểm, là cầu nối gắn kết giao thương vận chuyển cho cả 3 miền.
Dat Bike sẽ tổ chức những hoạt động hướng tới khách hàng trực tiếp như các sự kiện lái thử, các sự kiện thể thao nhằm kích cầu trải nghiệm cũng như tạo thêm các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí giúp người dân Đà Nẵng có thêm lựa chọn trong khi cân nhắc phương tiện di chuyển của mình”, anh Sơn nói.
Chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn thành công, anh Sơn tin rằng yếu tố cốt lõi để tồn tại và phát triển bền vững là ở sản phẩm. Sản phẩm phải thật sự chất lượng và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới có thể tồn tại và nâng cấp theo thời gian.
Dat Bike may mắn có các nhà đầu tư nhận ra tiềm năng của thị trường và tin tưởng vào tiềm lực của doanh nghiệp. Công ty cũng là đơn vị đầu tiên tiên phong lắp đặt trạm sạc nhanh chuẩn cho xe hai bánh không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn Đông Nam Á. Chính từ việc thường xuyên cải tiến sản phẩm, nắm bắt nhu cầu của thị trường đã giúp Dat Bike có thể thành công gọi vốn nhiều lần trong những năm vừa qua.
* Lê Ngọc Trí, Giám đốc Điều hành Công ty CP EM&AI (quận Hải Châu):
Sẵn sàng ứng dụng công nghệ mới
Anh Lê Ngọc Trí (phải), Giám đốc Điều hành Công ty CP EM&AI đoạt Á quân cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TECHFEST 2020” toàn quốc do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức.Ảnh: V.HOÀNG |
Từ năm 2017, Công ty CP EM&AI khởi đầu với ý tưởng tạo ra một trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo (AI) gợi ý địa điểm ăn uống được cá nhân hóa. Với mong muốn mở rộng những lợi ích của AI, giúp các cá nhân và doanh nghiệp có thể tạo ra những trợ lý ảo hội thoại mà không cần đến kỹ năng lập trình, EM&AI phát triền nền tảng xây dựng Voicebot, chatbot AI (năm 2019). Đầu năm 2021, công ty tiếp tục ra mắt giải pháp Virtual Quality Controller (Virtual QC - Nhà quản lý chất lượng ảo) ứng dụng công nghệ phân tích lời nói vào đánh giá nội dung cuộc gọi giúp doanh nghiệp quản lý chất lượng dịch vụ tổng đài chăm sóc khách hàng…
“Hiện nay, các giải pháp của chúng tôi đang cung cấp cho gần 120 khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn quốc, trong đó, Đà Nẵng có khoảng 10 khách hàng. Ngoài ra, công ty cung cấp bản thử nghiệm cho Tổng đài 1022; cung cấp giải pháp dùng thử và thương mại hóa cho nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp nước ngoài”, anh Lê Ngọc Trí chia sẻ.
Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là khó khăn, thách thức đối với đội ngũ sáng lập của EM&AI. Nguồn nhân lực giỏi, chất lượng cao trong lĩnh vực này tại Đà Nẵng rất ít. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng có tâm thế ngại thay đổi và thích ứng với các giải pháp công nghệ mới.
Anh Trí bày tỏ: “Chúng tôi và các startup khởi nghiệp về công nghệ rất cần cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng ứng dụng công nghệ mới; qua đó, giải quyết được các vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải, tích hợp được công nghệ trong quản lý, vận hành doanh nghiệp. Mặt khác, trong giai đoạn chuyển đổi số, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực AI sẽ giúp các doanh nghiệp, đơn vị quản lý giải quyết bài toán nhân sự, các tác vụ thông thường với giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo như nhân viên ảo…”.
Sau 5 năm, công ty đoạt hơn 15 giải thưởng trong nước và quốc tế. Nổi bật như giải thưởng Vecom Best Solution 2021; Á quân Techfest 2020; giải Nhất AI Accelerator Challenge do AUS4Innovation tổ chức; top 5 AI For Good khu vực Việt Nam - Thái Lan do Liên Hợp Quốc tổ chức; đại diện Việt Nam lọt vào “Highway to 100 Unicorn Startup” do Microsoft tổ chức…
Đến nay, tổng số vốn công ty kêu gọi đầu tư là 3 triệu USD. Dự kiến trong năm 2023, EM&AI sẽ ra mắt giải pháp Quản lý cuộc gọi thời gian thực - REAL, nâng tầm việc kiểm soát trải nghiệm khách hàng qua điện thoại lên tầng cao mới, phân tích cảm xúc thái độ của điện thoại viên và khách hàng.
MAI QUẾ - VĂN HOÀNG