Bảo tàng ánh sáng

.

Bảo tàng Đà Nẵng mới tại địa chỉ 42 Bạch Đằng sẽ mở ra một khí quyển lịch sử độc đáo từ hiệu ứng ánh sáng, âm thanh, hình ảnh động, các giải pháp về không gian bài trí… với nhiều công nghệ chưa từng xuất hiện tại Việt Nam.

Mô phỏng sử dụng ánh sáng tại Bảo tàng Đà Nẵng mới.
Mô phỏng sử dụng ánh sáng tại Bảo tàng Đà Nẵng mới.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện có cách nói chuyện khá lạ, càng nói càng say mê. Như cách anh say sưa dự phóng về thành Điện Hải sau khi dời phần bảo tàng về nơi mới tại 42 Bạch Đằng, để trả lại nguyên trạng một Di tích quốc gia đặc biệt có một không hai tại Việt Nam. Như câu chuyện về ngôi trường nổi tiếng Lycée Blaise Pascal mà nền trường cũ ngay bên bậc thềm phòng làm việc của anh. Cho đến khi cái tên Milou bật ra. Đó là khi tôi nói về sự bí ẩn của người đã thiết kế ra tòa Đốc lý Tourane trên đường Quai Courbet những năm 1898-1900, sau này là tòa thị chính 42 Bạch Đằng. Đọc nát các tài liệu trong và ngoài nước, cũng không tìm ra chút manh mối nào về “cha đẻ” công trình lịch sử này. “Đúng vậy. Ngay cả ông Milou kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp cũng tìm không ra”, Thiện nói ngay.

Phù thủy bảo tàng

“Ông Milou” ấy tôi nghe quen quen, hình như đã đọc thấy tên ở đâu đó. Về lục lại, thì cái tên ấy nằm trong tên đơn vị hồi 2019 đã đoạt giải Nhất cuộc thi chọn phương án cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng: StudioMilou Singapore (SMS). Để từ kết quả trên, dự án đầu tư xây dựng Công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng với tổng mức đầu tư gần 505 tỷ đồng đã được thành phố phê duyệt với tư vấn thiết kế là Liên danh SMS-TAD-DNF. Và đến nay, sau 3 năm, hình hài bên ngoài của bảo tàng đã hoàn thiện đến mức hoàn hảo, trở thành nơi check-in của nhiều người. Ngay như màu sơn bề ngoài các tòa nhà (sử dụng sơn gốc silicate) cũng chính là màu gốc từ hơn 120 năm trước...

Thì ra tên tuổi kiến trúc sư 70 tuổi người Pháp Jean-François Milou đã nổi tiếng toàn cầu, một chuyên gia hàng đầu về thiết kế bảo tàng với hàng loạt công trình dấu ấn tại Pháp như Bảo tàng khảo cổ học Bougon Tumulus, Bảo tàng Cite de la Mer ở Normandy, Bảo tàng ô-tô Quốc gia ở Mulhouse, Đền Carreau ở Paris, rồi đến Phòng trưng bày Quốc gia Singapore, Bảo tàng Quốc gia Georgia ở Tbilisi, tư vấn thiết kế bảo tồn Khu di tích khảo cổ học số 18 Hoàng Diệu (Khu di sản Hoàng thành Thăng Long), Trung tâm Giáo dục quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại Quy Nhơn… Ông cũng là cố vấn của Trung tâm Di sản thế giới UNESCO làm việc tại các di tích ở Ấn Độ, Nepal.

Và nay, Bảo tàng Đà Nẵng 42 Bạch Đằng do ông làm chủ nhiệm lập dự án, cùng học trò chủ trì thiết kế là kiến trúc sư  Nguyễn Thành Trung. Trong bộ ba “tam hợp” với Milou có kiến trúc sư lão làng Nguyễn Văn Tất (Công ty TNHH Tư vấn & Thiết kế TAD tại Thành phố Hồ Chí Minh) những năm 1995-2000 từng là thành viên Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc cho Thủ tướng Chính phủ. 

Tìm đọc về Milou, càng thấy ông đúng là “phù thủy ánh sáng” trong các bảo tàng. Điều đó được thể hiện với Phòng trưng bày Quốc gia Singapore rộng tới 60.000m2, với “bức màn ánh sáng được đặt tinh tế trên hai di tích lịch sử, giữa quá khứ và tương lai”. Một thứ nghệ thuật phức tạp và tinh tế để “mang lại sức sống mới cho các tòa nhà mà không làm thay đổi linh hồn của chúng”.

Bảo tàng Đà Nẵng rộng 8.686m2 bên bờ sông Hàn lại đem đến cho ông một hào hứng mới, vừa phát huy cái tài kết nối truyền thống với hiện đại, vừa trổ tài phù thủy ánh sáng soi rọi những chiều kích khác nhau của dòng chảy lịch sử. Thứ ánh sáng biết tạo cảm xúc, biết nắm bắt tâm lý và biết kể chuyện, trên không gian thiết kế giản đơn, tao nhã.

Có thể thấy rất rõ điều đó trong toàn bộ bản thuyết minh bản vẽ thiết kế nội thất dày tới gần 400 trang. Chiến lược ánh sáng trong không gian xây mới của bảo tàng, đó là “sử dụng ánh sáng nhân tạo với những hình ảnh động và nội dung trưng bày như đang trôi nổi trong một không gian vô tận, với gam màu đặc tả làm mờ đi giới hạn của không gian. Không gian này sẽ sử dụng các công nghệ trình chiếu tiên tiến, tạo ra sự tương tác, trải nghiệm đa dạng cùng nội dung trưng bày dòng thời gian Đà Nẵng”.

Ánh sáng trong Bảo tàng Đà Nẵng mới có nhiệm vụ đặc biệt là kết nối thị giác, kết nối tâm lý, nhận diện - chiêm ngắm - chiêm nghiệm, dẫn dắt câu chuyện để truyền tải thông điệp. Bởi vậy phong cách chiếu sáng luôn theo những nhịp chuyển hài hòa, từ ánh sáng chào đón mang tính lịch thiệp, lãng mạn, tới ánh sáng sinh động, phong phú khi diễn tả về thiên nhiên, con người Đà Nẵng hội nhập và phát triển; ánh sáng tương phản mạnh mẽ khi du khách dừng chân bên các mô hình, sa bàn chứng tích chiến tranh, các cuộc đấu tranh giành độc lập; để rồi chuyển sang ánh sáng chính xác với khu vực trưng bày cổ vật lịch sử ngàn vạn năm… Ánh sáng được dùng một cách ẩn dụ, biểu đạt giá trị của hiện vật một cách tinh tế, kích thích sự tưởng tượng, nhu cầu khám phá của người xem.

Bảo tàng Đà Nẵng mới sẽ kể câu chuyện của riêng mình: câu chuyện văn hóa - câu chuyện hòa bình bằng cách kết hợp hai phong cách: trưng bày kiểu truyền thống với sử dụng các công nghệ hiện đại. Trong đó, phần hiện đại trưng bày bằng công nghệ trình chiếu 4.0, tái dựng không gian, trình chiếu phim 3D, 3D mapping, không gian sắp đặt kết hợp không gian tương tác với nhiều thiết bị truyền thông đa phương tiện. Trong đó, hệ thống AV-IT hiện đại lần đầu tiên được sử dụng tại các bảo tàng Việt Nam.

Như bộ phim ngắn tái hiện cuộc chiến đấu 1858-1860 của quân và dân ta chống lại liên quân xâm lược Pháp - Tây Ban Nha bên Vịnh Đà Nẵng. Trong đó, phối hợp hình ảnh google map, tích hợp thông tin trên máy chiếu sa bàn trắng với địa hình, địa vật, các đường đồng mức theo bản đồ chấm mốc, chồng lên google map, tạo sự hoành tráng của các phòng tuyến, các trận đánh, các ổ mai phục, cùng các tiền đồn của các tuyến phòng thủ, vũ khí đặc biệt là súng thần công, voi, ngựa chiến.

Mô phỏng vùng chiếu hệ sinh thái biển tại Bảo tàng Đà Nẵng mới.
Mô phỏng vùng chiếu hệ sinh thái biển tại Bảo tàng Đà Nẵng mới.

Và còn đó những “bảo tàng sống”

Thì ra công trình gốc 42 Bạch Đằng được khánh thành năm 1900, cách đây 123 năm chỉ là tòa nhà chính giữa, còn hai cánh nhà hai bên được xây mới trong những năm 60 của thế kỷ trước. Nay Milou tạo thêm một cánh nhà mới phía sau tòa nhà bao quanh khoảng sân yên bình, mở ra một vòng lưu thông mới cho tòa nhà, thông suốt với các phía của thành phố, hòa nhịp vào Quảng trường ven sông Hàn trong tương lai.

Đặc san Đà Nẵng Xuân Quý Mão 2023, tôi có bài “Mươi bước chân một bảo tàng sống”. “Bảo tàng sống”, tôi cho rằng phải chính là những thứ luôn đi đứng, hít thở, nhớ nhung xao xuyến cùng ta theo mỗi bước chân, mỗi cái nhìn mọi phút giây chạm gặp, và mỗi du khách phương xa đều có thể gói gém mang theo về trong nỗi nhớ. Đó phải hiện diện mọi nơi giữa không gian sống, từ mỗi gốc cây, mỗi phiến đá thềm rêu, mỗi mái hiên, đôi dòng chữ biết kể lại những câu chuyện cũ, cho đến những con người... Trong đó cách chúng ta làm sống động hay số hóa, ảo hóa các hiện vật trong các bảo tàng có sẵn sẽ là một điểm nhấn chính trong hệ sinh thái của lịch sử và ký ức.

Như địa danh đường Bạch Đằng ngày nay, từ trăm năm trước có tên Quai Courbet, trong đó Quai tiếng Pháp chỉ bến tàu ven sông, còn Courbet là tên một viên đô đốc người Pháp. Viên tướng nổi tiếng này được đặt tên ở nhiều nơi, tại Faifo (Hội An) đường Rue Courbet xưa nay là Phan Bội Châu. Có câu chuyện là mấy năm trước, nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn cùng nhóm nghệ sĩ và doanh nhân nỗ lực đề đạt nguyện vọng biến tuyến phố này thành Phố Nghệ thuật (Rue des Arts). Nơi sẽ dày đặc các phòng trưng bày di sản nghệ thuật, phòng tranh, làng nghề, những quán cà phê phong cách cổ, những điểm dành cho nghệ thuật, âm nhạc đường phố…

Một gợi ý thật phù hợp với Quai Courbet - Bạch Đằng của Đà Nẵng. Một không gian tuyệt vời của quảng trường, của những bảo tàng, di tích, di sản với không gian bờ sông Hàn, được phục dựng và kết nối để trở thành một câu chuyện có thể đem kể với cả thế giới. 

Như buổi chiều hôm trước, cùng giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện bước ra khỏi phòng làm việc, đứng trên nền trường Lycée Blaise Pascal xưa, tôi cứ bần thần. Một di sản tinh thần một thời của những thế hệ học trò Đà Nẵng đang ẩn hiện đâu đây. Nơi nhiều cái tên nổi tiếng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Vĩnh Khoa-Vink, Tiến sĩ “bão lũ” Trần Tiễn Khanh, “Tiếng sáo thần” Nguyễn Đình Nghĩa… từng là những Pascalians.

Đọc cuốn “Những chiếc dù trên bãi biển Đà Nẵng” của Joël Luguern (dịch giả Phan Hồng Hạnh, NXB Đà Nẵng, 2020), có thể hình dung biết bao điều về nơi đây. Tác giả từng là giáo viên tại Trường Blaise Pascal trong vòng 10 năm (1960-1970), dù trong sách ngôi trường được đổi thành Montesquieu. Trong số giáo viên người Pháp thời ấy, có ông thầy Reboul say mê sưu tầm những tấm bưu thiếp, tem thư, thiệp chúc mừng, huy hiệu, cả bì thư, cuốn vở, tấm chứng minh thư cũ, truyền đơn, tờ lịch… Reboul nói với một đồng nghiệp: “Ông sưu tập những đồ cổ của ngày xưa, còn tôi sưu tập những thứ cho tương lai”. Còn ông thầy giáo trẻ Bonans thì háo hức đọc và ghi chép, tìm hiểu tất cả thuộc về xứ sở xa lạ này, về lịch sử, địa lý, tập tục, nền văn minh… dù chưa biết dùng đống tư liệu ấy vào việc gì. Chỉ có quỹ thời gian 2 năm, “như một con tàu ghé lại nhà ga Đà Nẵng, anh không bỏ mất một giây phút nào”.

“Thật đáng tiếc khi đến một xứ sở mà mình không biết là đang đặt chân nơi đâu”. Câu nói của Bonans chừng như không bao giờ cũ…

Đà Nẵng, 12-2023

Những tia nắng mong manh bao trùm cả thành phố. Màu vàng nhạt tan loãng cùng màu xanh mù sương của đại dương làm tăng vẻ đẹp thần tiên của cảnh trí. Tất cả như chìm vào một cơn mơ khó tả. Đà Nẵng lấp lánh dưới muôn ngàn tia phản chiếu. Ngoài khơi, những ngư thuyền bất động trên mặt biển sáng loáng như được tráng nhựa dầu.

Dòng sông ngái ngủ uể oải cuốn trôi chầm chậm một thứ cát nặng nề màu sữa đục…”. Cảnh tượng đẹp đẽ ấy khiến viên sĩ quan chỉ huy phi đội cũng phải thốt lên “Chỉ trong những giờ phút như thế này người ta mới thực tin là có Thượng đế!”

“Những chiếc dù trên bãi biển Đà Nẵng” của Joël Luguern

TRẦN TUẤN

;
;
.
.
.
.
.