Bạn có thể từng có ý tưởng khởi nghiệp với việc bán một món hàng gì đó, cung cấp một dịch vụ nào đó, nhưng có lẽ việc tự mình đứng ra mở lớp dạy tiếng Việt, dạy văn hóa Việt và thậm chí là dạy chữ Hán, chữ Nôm cho người trẻ chắc chắn không phải là điều nhiều người trong chúng ta nghĩ tới và muốn/dám làm.
Nhưng đó chính là việc mà Trương Mỹ Dung, cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn Hán Nôm năm 2011, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã làm hơn 4 năm qua. Mỗi tuần “cô đồ” này có 7 lớp học với những môn như chữ Hán các trình độ, dạy chữ Nôm, dạy tiếng Việt, dạy về Nho - Phật - Đạo, và xuyên suốt trong các lớp là kiến thức về bản sắc văn hóa Việt.
Ảnh: NHÂN TÀI TRƯƠNG |
Nếu không biết sẽ không thể thích
“Bạn có biết mỗi ngày tóc mình rụng đi bao nhiêu cọng không? Khá nhiều đó. Nếu cơ thể không đều đặn bổ sung, hẳn nhiên tới một ngày đầu bạn thành trọc lóc. Dĩ nhiên chẳng ai chịu để mình rơi vào cảnh đó, đúng không? Đó là lý do bạn phải giữ vệ sinh, phải gội đầu, chăm sóc tóc thường xuyên.
Nhưng bạn sẽ không ngờ nếu tôi bảo nhiều người hiện nay đang đối xử với ngôn ngữ của họ thờ ơ như thể để tóc rụng tự nhiên mỗi ngày vậy. Họ đang dùng cạn kiệt vốn từ vựng của mình. Chúng “rụng” mỗi ngày vì không được bổ sung từ mới, vì bạn chọn nói bằng tiếng Anh thay cho từ tiếng Việt tương đương đã có. Bạn không cảm thấy lo lắng bởi sự “rụng” ngôn ngữ đó không trực quan như rụng tóc. Bạn chỉ thảng thốt nhận ra khi không thể nói được chính xác điều cần nói vì không đủ vốn từ”, Trương Mỹ Dung đã bắt đầu bằng câu chuyện đó trong lớp học mà cô đặt tên là “Tiếng Việt cho người vong bản” của mình.
Chọn cách nêu vấn đề, mô tả vấn đề, các câu chuyện mang tính trực quan để gợi mở nhẹ nhàng vào những chủ đề ngôn ngữ và văn hóa là cách Dung thường áp dụng với các học viên mà phần đông là người trẻ. Cô nhẹ nhàng dẫn dắt, khơi gợi để chính họ tìm ra kiến thức, và đôi khi là cả quan điểm của riêng mình thay vì chỉ nghe rồi nhắc lại lời giảng.
Vì văn hóa Việt Nam là sự kết hợp của cả văn hóa bác học (chữ Hán, chữ Nôm) và văn hóa dân gian (ca dao, dân ca), nên trong các lớp học, cô luôn kết hợp nội dung dạy chữ với dạy văn hóa dân gian và tiếng Việt thực hành (dạy từ vựng, trường từ vựng, cấu trúc đoạn và kỹ thuật chơi chữ) để các học viên thấy được sự kết nối giữa học và hành.
“Khi học về kỹ thuật chơi chữ, rất nhiều bạn bất ngờ bởi từ xưa, cha ông mình đã chơi chữ rất “ngầu”, rất tinh tế, thâm sâu, nhiều bạn học mà mê mẩn luôn”, cô giáo trẻ cười vui. Rồi nói thêm: “Nhưng mình vẫn luôn nói với các bạn: học chữ không phải để khoe mẽ, mà cốt để dùng từ cho đúng, diễn đạt chính xác, hay mà vẫn chân phương, giản dị”.
Cũng từ những buổi học đầy cảm hứng, cô và trò cùng lập ra dự án “Vắc-xin văn hóa” trên nền tảng trò chuyện Onmic đã hoạt động đều đặn hơn 2 năm qua, mỗi tuần một số với những chủ đề văn hóa ba miền Bắc - Trung - Nam. Từ chuyện tín ngưỡng hầu đồng, tam phủ, tứ phủ, đến chuyện phong tục ma chay cưới hỏi ở từng miền, phong tục cúng cô hồn… Qua đó, Dung dẫn dắt mọi người đi vào những vấn đề cốt lõi chung của văn hóa Việt Nam, những điều làm nên bản sắc riêng của dân tộc.
“Những chương trình đó không chỉ giúp chúng mình mở mang kiến thức cho nhau về văn hóa, tập tục, mà còn rất tự hào về văn hóa riêng của mỗi nếp nhà, mỗi dòng tộc, và rộng hơn là mỗi vùng miền đất nước”, Dung nói.
Có những phản hồi của người học làm Dung cảm động. Có bạn bảo nhờ nghe vắc-xin văn hóa, nhờ học tiếng Việt, chữ Hán, chữ Nôm và thực hành ngôn ngữ, họ hiểu hơn về tên một con đường quen thuộc. Không phải chỉ là biết đường đó chuyên bán hàng gì, có món gì ngon như trước đây, mà giờ còn hiểu thêm về lai lịch cũng như quá trình hình thành, hiểu thêm về các giá trị đã được vun đắp theo thời gian. Lại có bạn bất ngờ biết được dòng họ mình có những người thật “oách” khi đọc thông tin trong gia phả.
Trương Mỹ Dung đang chia sẻ các vấn đề về văn hóa Việt Nam với các bạn sinh viên Đại học Hoa Sen, TP.HCM ngày 8-12-2023.Ảnh: NHÂN TÀI TRƯƠNG |
Để văn hóa “sống”, phải thực hành
Trong buổi nói chuyện về văn hóa của Dung tại Đại học Hoa Sen gần đây, có bạn hỏi: “Em cũng muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng phải học nó ở đâu”. Dung nói với em: “Văn hóa là cái đã nằm sẵn trong em rồi, chỉ là muốn nó “sống” thì em phải thực hành, nói cách khác, em phải sống với văn hóa đó chứ không phải chỉ là tôi biết về nó, tôi hiểu về nó và tôi nói về nó. Văn hóa không phải là cái bên ngoài, và em, phải là người trong cuộc. Em sống trong dòng chảy văn hóa, thực hành văn hóa, tín ngưỡng, phong tục…”.
Và để thực hành văn hóa, Dung cho rằng có hai phương diện rất cần chăm chút: “văn hóa vành nôi” - dạy con từ thuở còn thơ với những lời ru bên vành nôi, với ca dao, tục ngữ, thành ngữ trong lời ăn tiếng nói hằng ngày; và “văn hóa ẩm thực” - những phong vị quê nhà mà chỉ cần ngửi và nếm nó, người ta đã thấy mình trở về với chính không gian sống gắn liền với quê hương xứ sở, bởi khẩu vị là một phần gốc trong văn hóa.
“Dường như với mỗi người, đến một độ tuổi trưởng thành nhất định trong đời, sẽ có nhu cầu tìm lại những gì thuộc về cội nguồn của mình”, Dung nói. Cô cũng tin khi thế giới ngày càng phẳng, bản sắc văn hóa cũng trở thành bản lĩnh và tầm vóc của những người làm sáng tạo. “Có bạn hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo hỏi tôi, họ cần làm gì để sản phẩm nghệ thuật của họ mang bản sắc dân tộc Việt? Tôi nói “con người em “Việt Nam” được bao nhiêu thì các sản phẩm nghệ thuật do em tạo ra sẽ “Việt Nam” được bấy nhiêu”, Dung chia sẻ.
Là người quan tâm và quan sát nhiều các hiện tượng văn hóa trong đời sống, Dung sốt ruột khi thấy tâm lý sính ngoại đang ngày càng nặng nề hơn trong nhiều người trẻ hôm nay. Cha ông ta từ ngàn xưa luôn có một ý thức và bản lĩnh tiếp nhận chọn lọc và tiếp biến các văn hóa ngoại lai để Việt hóa thành một nếp riêng của dân tộc mình, nhưng điều này dường như đang bị xem nhẹ.
“Một món đồ uống đang thịnh hành hiện nay là trà chanh giã tay, có một quán ghi biển là “chuẩn vị”, mình tìm hiểu thì biết họ nói “chuẩn vị” tức là phải nhập loại chanh của một vùng ở Trung Quốc về làm nguyên liệu, bởi chỉ loại chanh ấy mới có vỏ khi giã ra uống thì không bị đắng như vỏ chanh của mình. Ủa, để làm gì vậy? Việt Nam chúng ta đâu có thiếu chanh?
Từng có nhiều món ăn khi vào Việt Nam đã được điều chỉnh và biến tấu cho phù hợp với nguyên liệu, khẩu vị và thói quen ẩm thực của người Việt, để rồi nó thành món ăn riêng độc đáo của mình như bánh mì, vậy tại sao bây giờ chúng ta lại phải đi nhập một trái chanh của nước khác để về làm nước chanh trong khi chanh của mình không thiếu?”, Dung chia sẻ một quan sát của mình, rồi đặt câu hỏi: “Mình đi mua một chiếc áo về mặc, nếu áo rộng hay chật, mình sửa áo cho vừa mình hay mình phải sửa người mình cho vừa áo?”.
Một người Đà Nẵng “rất Đà Nẵng”
Rời Đà Nẵng vào Sài Gòn học đại học, sau đó ở lại thành phố lập nghiệp đã sắp tròn 15 năm, nhưng Dung vẫn nói đặc giọng Đà Nẵng mà ai từng biết phương ngữ này đều nhận ra ngay ở lần gặp đầu tiên. Dung tự hào về quê hương bởi dù là một thành phố không quá lớn, song những thế hệ trước xuất thân từ đây đi ra khắp chốn trong và ngoài nước, rõ ràng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Từng có người bảo Dung “là một người Đà Nẵng “rất Đà Nẵng”, một nhận xét mà với Dung là một lời khen. Rồi cô tự hỏi: “Ủa, vậy người Đà Nẵng có những đặc trưng gì, và mình có được bao nhiêu trong những điều đó để được nhận một lời khen như vậy?”.
Ngẫm đi ngẫm lại về những tính cách phổ quát của người Đà Nẵng, Dung tin là có thể có 3 điểm nổi bật hơn cả. Thứ nhất là sự uy tín, đã nói là làm, và đã làm là rất quyết liệt. Thứ hai là tính ưa kết giao, dù là người hướng nội hay hướng ngoại, người dân ở quê hương cô luôn có xu hướng muốn kết nối với nhiều bạn bè. Và thứ ba là tinh thần tự học. Vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng cũng như các tỉnh miền Trung đất nước lâu nay vốn nổi tiếng với tinh thần hiếu học, và tinh thần đó thấm nhuần trong “địa phương tính”, khiến mỗi người luôn có nhu cầu tự tìm tòi học hỏi để mở mang tầm nhìn và tri thức của mình.
Dự án Ruy Băng Tím Sẽ là thiếu sót lớn khi nhắc tới Trương Mỹ Dung mà không nói về dự án chia sẻ kiến thức phòng chống bệnh ung thư cho cộng đồng trên nền tảng trực tuyến là trang web Ruybangtim.com. Đây là một sáng kiến vì cộng đồng ra đời năm 2015 do Dung và Nguyễn Cao Luân, hiện là Tiến sĩ ngành Liệu pháp Miễn dịch ung thư (Trung tâm Nghiên cứu ung thư Lowy, Đại học New South Wales, Sydney, Úc) đồng sáng lập. Trước tình trạng thông tin về ung thư vô cùng nhiễu loạn với các tin đồn thất thiệt, những thông tin giả mạo khoa học được kẻ xấu tung ra nhằm trục lợi người bệnh và người nhà của họ, Dung và Luân đã cùng các nhà khoa học, các bác sĩ có chung tâm huyết thành lập tổ chức phi lợi nhuận Ruy Băng Tím, chuyên cung cấp thông tin khoa học chính xác và giải đáp những tin đồn, những thông tin “ngụy khoa học” về ung thư. Bước sang năm thứ 8 hoạt động, trang web và cộng đồng thành viên được xây dựng từ Fanpage của Ruy Băng Tím với tên gọi Kiến thức ung thư cho mọi người đã không chỉ là nguồn cung cấp thông tin khoa học, chính xác về phòng ngừa, điều trị bệnh ung thư, mà còn là nơi chia sẻ, động viên với những người đang mắc bạo bệnh, giúp họ có thêm niềm tin, nghị lực để đương đầu cùng số phận. |
DƯƠNG KIM THOA