Sông Cu Đê cùng với sông Hàn, sông Phú Lộc đổ nước ra vịnh Đà Nẵng. Sông Cu Đê làm ranh giới tự nhiên cho hai phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc thuộc quận Liên Chiểu, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chừng 13km về hướng tây bắc.
Nằm về phía nam đèo Hải Vân hùng vĩ, mà khi đứng trên cầu Nam Ô, nhìn ra phía cửa sông là biển xanh rì rào sóng vỗ, nhìn về phía tây thì dòng sông êm đềm như lụa trải lênh láng lẫn vào ngàn khe trăm suối mơ hồ của trùng điệp núi non. Có người đã văn vẻ một cách hình tượng: sông Cu Đê như một dải lụa mượt mà được “ông thợ trời” nhúng vào cái chậu Vũng Thùng rồi kéo lên… uốn lượn qua hai vách núi để rồi vắt lên đâu đó ở đại ngàn Trường Sơn.
Dòng sông đã được Đại Nam Nhất Thống Chí (Sử quán Triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa trang 362) mô tả: “Sông Cu Đê: cách huyện Hòa Vang 28 dặm về phía bắc, có hai nguồn, một nguồn từ núi Đại Giáo Lao thuộc phủ Thừa Thiên chảy đến đổ vào vực ngã ba, đây là phía tây bắc nguồn sông Cu Đê; một nguồn từ núi Trà Ngạn ở trong Man chảy đến, cũng đổ vào vực ngã ba, đấy là nguồn nước phía tây nam nguồn Cu Đê; hai ngọn hợp lưu ở vực ngã ba...”.
Thật vậy, hai nguồn ghi chép trên, dân sơn tràng ngày nay gọi là Sông Nam, Sông Bắc; núi Trà Ngạn ở trong Man chảy đến là hai buôn làng Giàn Bí, Tà Lang của người Cơ tu ngày trước có đời sống sơ khai nay đã được hội nhập văn minh, là địa chỉ thu hút du khách có nhu cầu hưởng thụ sinh thái hoang dã khắp nơi tìm về những túp nhà sàn nhỏ bé núp mình bên bóng nhà gươl với người dân có nụ cười hồn nhiên của tổ tiên truyền lại, đón mời du khách.
Đua thuyền trên sông Cu Đê. Ảnh: HUY TUẤN |
Hai ngọn hợp lưu ở vực ngã ba chảy một đoạn ngắn thôi mà đủ cung bậc - một chút êm đềm réo rắc rồi bất ngờ giữa dòng truông hiểm…oằn oại, sôi trào réo gào báo hiệu một sự gieo minh..., hình thành nên thác Lỗ Cối. Từ đây sông lơn tơn chảy qua vực Dài, thác Điếm, thác Dài với biết bao xô giạt rồi đến bến Sạn ở cuối thác Dài, mới thực sự là sông như con người phải kinh qua biết bao gian khổ mới thực sự trưởng thành.
Dòng sông trưởng thành lặng lờ chảy bên hai vách núi của các làng mạc ở đôi bờ. Nào chợ nguồn Phò Nam, nào Nam Yên, Hội Yên, Khe Răm, Nam Định, Trường Định… Nhìn dáng núi Đại Giáo Lao giăng dài điệp trùng chạy từ tây sang đông phía tả ngạn với ải Thượng, ải Tân đã ghi nhiều sử tích rồi tiếp tục nhoài mình chạm biển, hình thành nên đèo Hải Vân hùng vĩ… Và, sông tiếp tục lững lờ uốn lượn theo hình thế núi ấy vượt qua hơn 30km, mới “…chảy qua xã Cu Đê, đến đây có sông Hoa Ổ (Nam Ô) chảy vào làm sông Cu Đê, đổ ra cửa biển Cu Đê”.
Cu Đê là tên cổ của làng Thủy Tú ngày nay nằm gần cửa sông phía tả ngạn, sông có tên theo tên làng cổ ấy từ xa xưa. Từ xa xưa, địa danh Cu Đê đã xuất hiện nhiều trong sách sử bởi thế núi hình sông phù hợp với tư duy quân sự của người xưa trong tấn thủ, đã để lại những dấu ấn không thể nào quên. Địa danh Cu Đê xuất hiện sớm nhất trong sử cũ, từ hơn 550 năm trước, năm 1471 vào “ngày mồng 6 tháng giêng năm ấy, tướng Cang Viễn dưới quyền vua Lê Thánh Tôn đã bắt Bồng Nga Sa viên lại giữ của quan Cu Đê đem nộp (Đại Việt Sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, NXB VHTH, trang 660), được xem như trận chiến thắng mở màn tạo đà cuộc nam chinh thắng lợi, để Quảng Nam Thừa Tuyên được thành lập dưới quyền cai quản của Đại Việt ta.
164 năm sau, 1635 “Phúc Anh (em của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, không được truyền ngôi) cấu kết với Chúa Trịnh Đàng Ngoài, làm loạn, đắp lũy Cu Đê bày thủy quân ở cửa biển Đà Nẵng không chịu theo mệnh đã bị Nguyễn Phúc Khê dàn trận ở Cu Đê bắt giết đi để trừ hậu họa”. (Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn, NXB KHXH trang 48). Năm 1775, Chúa Trịnh Đàng Ngoài tiến chiếm Phú Xuân (Thuận Hóa), Chúa Nguyễn Phúc Thuần và Hoàng Tôn Dương lui vào Cu Đê lập kế chống giữ.
Có lẽ, sông Cu Đê nằm ở trung lộ của đất nước có địa hình “yết hầu” nên các sự kiện lịch sử đã chọn tên sông này lưu sử tích chăng?
Nơi dòng Cu Đê xuôi về biển. Ảnh: HUY LÊ |
Địa danh Cu Đê xuất hiện khá sớm và nhiều trong sách sử, rất ít địa danh nào còn giữ với chừng ấy thời gian mà còn được gọi đến bây giờ dù một tên sông - Cu Đê.
Ngày nay, sông Cu Đê - dòng sông sở hữu nhiều sử tích vẫn réo rắt tuôn trào qua bao ghềnh thác ở điểm phát nguyên, rồi uốn lượn êm đềm luồn qua 6 cây cầu nối hai bờ, rẫy mía đang đùa vui lã ngọn, nương bắp đang phất cờ, đồng lúa hai bờ xanh mơn mởn rập rờn trong gió xuân, những khúc hoan ca từ thượng nguồn cũng theo dòng rủ rê tiếng hát hai bên bờ rộn rã nhập vào sông theo dòng chảy xuôi về biển, bỏ lại những đảo Miểu Một, Cồn Đình nổi lên ở giữa sông làm điểm nhấn cho bớt sự lênh láng cuối sông, trước khi tạo ra loại nước “chè hai” trung hòa mặn ngọt, ướp vào thân con cá cồi ở cửa sông Cu Đê ngon nức tiếng.
Với lịch sử và vị trí như vậy, sông Cu Đê như một bức tranh thủy mặc gợi tình ở phía tây bắc thành phố Đà Nẵng có sức hấp dẫn níu chân ta dừng lại nhìn với biết bao cảm xúc và nghĩ. Cu Đê không những là một dòng sông tích sử mà còn tạo một không gian sinh tồn cho dân cư sống bằng nghề chài lưới ở hai bờ bao đời ấm no nối tiếp… Và mãn nhãn làm sao khi từng đêm ánh điện lung linh quyến rủ soi bóng xuống dòng sông bên hữu ngạn ở hạ lưu của bao công trình xây dựng đang ngày một vươn cao trong xu thế phát triển của đất nước.
ĐẶNG DÙNG