Trước khoảng sân nhà Nụ ngập tràn nắng. Nắng tụ mật trong những đóa vạn thọ chớm nở, chờ dăm bữa thôi là rực rỡ mừng xuân. Những đóa hoa như những nụ cười giòn, chen chúc nhau no đủ.
Cũng có ích gì đâu. Nụ thở dài thườn thượt, nhưng nhớ ra, cô vội vội thu nét buồn trên mặt lại. Nụ sợ Nhan thấy cô buồn nó cũng buồn theo. Một mình cô nặng nề được rồi, thằng nhỏ khờ khạo mong đời cho nó vui được bữa nào hay bữa đó.
Có tiếng ú ớ từ xa kèm tiếng chân chạy bình bịch tới. Chàng thanh niên dong dỏng cao, mặc quần cọc sờn lai có nụ cười trẻ con xuất hiện. Là Nhan đó, thằng em của Nụ. Thấy chị, Nhan hớn hở giơ cao thúng kiệu nặng trịch lên như đang khoe. Thiệt là tình, Nụ phì cười. Cô cũng không biết mình cười điều chi nữa. Tự nhiên thấy dáng vẻ hồn nhiên của em, cô muốn cười. Như bông đến xuân thì nở, vậy thôi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
- Rồi lặt hết thau kiệu này người ta có trả công không? - Nụ xắn sẵn tay áo, chờ Nhan đặt thau kiệu xuống là phụ. - Ờ, người ta cho bánh hả? Nhớ khoanh tay cảm ơn người ta nhe...
Nhan cười hơn hớn, gục gậc đầu tỏ ý hiểu rồi. Mặt nó có vết trầy, không biết va quẹt vô lùm bụi nào đây. Nụ đưa tay chạm vết thương, hỏi đau không. Nhan lắc lắc đầu. Nó khoa tay múa chân, khoe nãy được cho củ khoai nướng ngon lắm.
- Ăn khoai rồi nên Hai đỡ tốn tiền gạo nấu cơm hả… Ờ, ngoan quá. - Nụ chống nạng đứng lên, khoác tay ngăn Nhan khi nó muốn dìu - Chị vô uống nước cái, ra liền.
Nếu không vì cái chân đau, Nụ đã ùa chạy thật nhanh vô bếp. Vì không thể, cô nén nước mắt lại. Nhịp cà nhắc trùng với nhịp nấc nghẹn. Nụ thương em quá, nó nghĩ chi mấy chuyện xa xôi không biết. Đâu phải cô không lo cho hai chị em nổi.
Nhưng mà còn chuyện ăn Tết, thật sự cô không biết phải tính sao.
***
Đâu đó chớm tháng mười, Nụ đã tính tới chuyện cuối năm. Cô coi ráng làm thêm chút việc, Tết này gói ghém cũng tươm tất. Cực một chút đâu có sao.
- Dạ, ba má yên tâm… - Nụ cười tỉnh queo nói chuyện điện thoại - Ở nhà vẫn ổn, con lo được mà…
Buông điện thoại, Nụ ngồi im như đã hóa cây. Được làm một cái cây cũng tốt, dinh dưỡng miễn phí từ nước và đất, cứ tự do vươn cành thôi. Rồi cô tự cười mình, đất quê bạc màu, không có tiền bón phân cây cối cũng chết héo. Ai cũng khổ cả, đâu mỗi riêng mình.
Nhan ngồi kế bên, kéo kéo vạt áo chị nãy giờ. Nó khiến Nụ từ cái cây cứng đơ trở lại làm người. Nó muốn biết ba má gọi về nói gì. Chừng nào ba má về, trễ như năm ngoái hay sớm hơn.
Nụ không dám nhìn em. Lời nghèn nghẹn trong cổ họng. Miệng cô xơ xác như đang ngậm mớ dăm bào. Cô biết nói sao với thằng nhỏ bây giờ. Nhìn đôi mắt chờ đợi của nó kìa, đen láy, óng nước như đôi mắt chó con đợi ăn. Nó nhớ ba má dữ lắm. Càng nhìn, Nụ càng thấy răng mình rung lên. Miệng lưỡi như nuốt than, rát bỏng.
Nhan cứ ư ư đòi chị cho biết. Đôi mắt nó ướt sũng. Nếu nó nói được chắc giọng nó cũng ướt. Những âm ư ư nhão ra, mềm oặt, nghe thành ừ ừ như cam chịu. Chắc thằng nhỏ cũng đoán được. Nó lăn ra đất, giẫy khóc. Nó đòi ba má về. Nó giật từng chập như người lên cơn sốt.
- Nhan! - Nụ nuốt nước mắt, nạt ngang - Không có lì nghe chưa! Qua Tết ba má về…
Được chị Hai chính thức xác nhận thông tin bàng hoàng, thằng nhỏ càng giẫy mạnh hơn. Nó quằn quại như con giun bị thương, mặt kệ đất cát lem nhem khắp người. Nước mắt nó ràn rụa. Rồi nó ngưng bặt.
Nó thấy nước mắt khác rơi, không phải của nó.
- Em có thương chị thì nghe chị… - Nụ nói trong tiếng nấc - Mình phải ngoan cho ba má yên tâm đi làm biết không?
Nhan biết chị buồn, nó không dám quấy nữa. Hốt hoảng, nó giơ tay ôm cứng lấy Nụ. Hai chị em cứ ôm nhau mà khóc.
Những con số chạy lòng vòng trong đầu Nụ. Cô đang tính coi cần bao nhiêu mới đủ ăn Tết. Chắc cô phải xin làm thêm ca tối. Cực thêm một chút cũng đâu có sao.
***
Nụ tưởng mình đã gẫy đôi, rơi rớt đâu đó trên đường đạp xe lọc cọc về nhà. Lưng cô đau nhức, tay chân mỏi nhừ. Cô chỉ muốn lăn ra ngủ, khỏi tắm rửa gì hết. Nhưng vẫn phải sửa soạn cơm nước cho Nhan.
Nụ lùa vài đũa lót dạ. Mắt cô díp lại, gắp con cá mấy lần đều trật. Nhan đã ăn xong, đặt vội chén đũa chạy đi đâu mất. Lát sau, nó lon ton tới, chìa ra gói giấy. Nó giật giật áo Nụ, đầu lắc lư không ngừng.
Cơn mệt nhuộm Nụ thành người khác. Cô cảm giác mặt mình sắp thành màu ớt chín, nóng bừng. Cô gạt tay Nhan, nạt lớn:
- Em làm gì vậy, chị đang ăn cơm!
Cái gói giấy xổ tung ra đất. Nụ liếc nhìn, choáng váng. Đó là gói bông vạn thọ khô cô đi xin về, định ươm trồng Tết đem bán kiếm thêm chút tiền. Sẵn cho nhà có bông trưng, ngày xuân không có sắc đỏ vàng nhìn hiu quạnh lắm.
Nhan ngồi bệt xuống đất, đầu cúi gục, buồn hiu. Nụ buông đũa, nhảy khỏi giường, lẹ lẹ thu lượm mớ bông khô. Cô giúi gói giấy vào tay em, nói bằng giọng dịu dàng nhất có thể:
- Đợi thêm ít bữa nữa nghen. Mình trồng sớm quá bông nở hết trơn, người ta đâu có mua.
Nghe lời chị dỗ, Nhan mới tươi tỉnh trở lại. Nó phủi phủi áo quần, nâng niu đem gói giấy chứa mùa bông Tết đi cất vô chỗ cũ. Trong tủ bếp, nơi ba má hay chừa đồ ăn ngon cho chị em nó và cũng là nơi cất mấy món đồ quý, như hũ rau muối hay ít cá khô.
Nụ tính vậy, ai có ngờ bước không qua nổi. Tăng ca về trễ, đường tối mịt mù không chút ánh sáng dẫn lối. Cô vấp phải đá hay rễ cây gì đó, xe đâm sầm xuống sông. Hên có người đi ngang vớt kịp. Nhưng lại xui xẻo cái chân bị va đập nứt xương, bác sĩ kêu kiêng việc nặng mấy tháng mới lành. Mấy tháng là Tết tới còn đâu.
Chống nạng ngồi nhìn trời, Nụ không cảm nhận được gì. Mỗi ngày đều bận tối tăm mặt mũi, bữa nay rảnh rỗi nhìn mây nhìn chim, cô thấy mình như đồ bỏ đi. Cô thấy mình trống rỗng. Cô muốn hét to lên mà sợ hét rồi mình cũng bể đôi. Nụ cứ ngồi như vậy, nhìn mặt trời chậm chập lặn dần rồi biến mất sau những lùm cây.
Cho đến khi Nụ cảm thấy có ai đó đang gọi mình. Gọi bằng tay, níu níu vạt áo. Nhan đưa gói bông vạn thọ khô ra, tròn đôi mắt nhìn chị. Nụ thấy trong mắt em bao la niềm tin. Cô gật đầu, ráng nhoẻn một nụ cười:
- Đi, mình ra sân trồng vạn thọ hen!
***
Kể từ ngày đó, thằng Nhan cứ kiếm cớ chạy vòng vòng trong xóm. Thấy ai làm gì nó cũng xin phụ, để đổi miếng bánh hay chén cơm. Thằng nhỏ ngây thơ, nó nghĩ bớt một bữa ăn thì chị nó đỡ buồn hơn một chút.
Nụ muốn cản em mà không thể nói nên lời. Thôi thì, cô cứ để Nhan làm theo ý nó. Cô biết rõ chỉ có cố gắng người ta mới giữ được hy vọng. Nhưng cô biết cố gắng kiểu gì đây?
Nhan lại đem về lủ khủ củ hành, chắc nhà ai đó đang chuẩn bị muối dưa hành. Ngồi cắt một lát, mắt cay quá, Nụ nhìn ra sông đón gió cho dịu lại. Vô tình thấy bóng áo nâu chèo xuồng ghé bến, nước khua nhẹ lan mặt sông hiền hòa. Là sư của ngôi chùa gần đó. Sư hỏi vọng vào, tiếng vang lanh lảnh:
- Vạn thọ có bán không con?
Nghe người ta hỏi mua, thằng Nhan khấp khởi mừng. Nụ cười khì, chống nạng bước ra nói chuyện với sư.
- Sư lấy trưng chùa thì con tặng! - Nhan chỉ vô hai chậu sung túc nhất - Lấy cặp này đi sư, đẹp!
- Thôi, sư lấy nhiều mà. Một chục chậu lận con. - Sư cười, khoát tay từ chối.
- Ủa, sư mua chi nhiều dữ?
- Sư mua để bà con vô có bông ngắm. - Sư nhìn thấy Nhan, đưa tay ngoắc nó. Đợi nó chạy ra, sư giúi cho mấy trái chuối sim. - Với cho tụi nhỏ có chỗ chơi con ơi. Tội nghiệp, đám con nít xóm giữa nhà nghèo không có tiền mua bông, tụi nó khoái vô chùa ngắm lắm.
Nụ chết sững ở câu cuối đó. Cô không biết nói gì. Cô nhìn cái chân đau của mình, lòng râm ran cảm xúc khó diễn tả. Cô đâu có khổ như cô nghĩ. Cô còn tiền để dành, còn lo được cho Nhan mà. Hai chị em dè xẻn chút, cũng vừa vặn.
- Thôi con tặng, coi như quà cho mấy em! - Nụ kiên quyết. - Sư không lấy con giận.
- Được rồi, được rồi! Sư nhận! - Sư nhìn hai chị em Nụ trìu mến - Để cận Tết sư tặng lại cành mai cho hai đứa nhen!
Nụ kêu Nhan khiêng chục chậu vạn thọ xuống xuồng cho sư thầy. Mất một lúc, khi sư chống xuồng đi rồi, cô mới giải thích cho Nhan hiểu sao bán nhiều bông mà không có tiền. Đây không phải bán, là tặng.
- Tặng niềm vui cho mọi người, để mọi người cười nhiều. Cười như Nhan khi được người ta cho đồ vậy đó!
Nhan gật gật, ra ý hiểu lắm rồi. Nó quơ tay liên tục, kêu Nụ tặng tiếp đi. Cô cười khúc khích, thiệt hết nói nổi thằng em. Nhưng điều đó cũng tốt. Nụ đâu có đem bông đi bán được, để nhiều ở nhà cũng chẳng để làm gì.
Làm một cái bảng ghi bông tặng miễn phí, Nụ cắm giữa những chậu vạn thọ đang chờ bung sắc xuân rạng ngời. Cô mong là ai đó khi nhận những chậu vạn thọ này về, ngày xuân của họ sẽ vui thêm một chút.
***
Càng gần Tết, không khí trong nhà như càng loãng đi. Thời gian cũng trôi chậm lại. Chân Nụ chưa lành, không làm được gì ngoài ngồi chơi ngắm cảnh. Việc Tết nhứt mọi người trong xóm cũng lo xong xuôi, không còn việc gì cho Nhan phụ. Thằng nhỏ cứ ở hoài trong nhà coi bộ khó chịu lắm. Nó sợ ăn hết gạo, làm Nụ phải vỗ vỗ vô thùng cho nó biết gạo vẫn còn đầy ắp.
Đám vạn thọ trước sân đã được cho hết, chỉ chừa hai cặp trưng cho vui mắt. Thành ra mảnh sân chỉ có chút màu vạn thọ là xuân. Nụ mong có một cành mai để nhà cửa tươi thêm phần nào. Vừa ước, cô đã thấy bóng người quen chống xuồng lướt tới. Sư thầy đúng như đã hứa, đem mai đến cho hai chị em. Sư còn cho thêm hai đòn bánh tét chuối nữa.
- Con cảm ơn sư nhiều! - Đôi mắt Nụ được những nụ non trên cành mai thắp thêm ánh sáng.
- Có gì đâu con, làm việc tốt sẽ được đền đáp mà. - Sư cười như không, vẫy tay chào ra về.
Nụ vừa chống nạng quày vô nhà được lát đã có tiếng kêu. Ai như cô Sáu, bưng theo mấy cái keo nhỏ.
- Cho tụi bây ít củ kiệu với dưa hành nè! - Cô Sáu cười tươi rói - Trả công hai đứa phụ cô lặt kiệu, lột hành hổm rày!
Thằng Nhan thấy quà thì mừng lắm. Nó quýnh quáng ôm hai cái hủ cất liền vô bếp, như sợ chậm chân sẽ bị đòi lại. Cô Sáu nhìn theo bóng lưng thằng nhỏ, ánh nhìn vừa thương vừa xót.
- Ba má hai đứa tăng ca qua Tết mới về hả?
- Dạ… - Nụ đáp nhẹ.
- Đứng đây luôn đi nhen! - Cô Sáu dặn trước khi ra về - Lát có người kiếm đó!
Nụ tròn mắt hoang mang, ai mà kiếm cô chớ. Hay cô có nợ nần gì ai không. Nụ chưa kịp hỏi lại cô Sáu đã đi mất.
Lát sau đúng là có người tới tìm thật. Chú Chín, bà Tám, ông Hai. Mỗi người cầm theo ít mứt dừa, mớ tôm khô, chục hột vịt. Nụ không dám nhận nhưng mọi người bắt phải lấy. Ai cũng nói để trả công cho cô và Nhan đã phụ chuẩn bị cho Tết.
Rồi thì lũ lượt nhiều người kéo tới hơn. Có những người Nụ quen, có những người cô chỉ ngờ ngợ. Họ phải nhắc cô mới nhớ là những người cô đã tặng vạn thọ.
Đoàn người rồng rắn đến, tay ai cũng mang theo quà. Có gì đem nấy, mớ trái cây trong vườn, rau củ trên rẫy, mớ cá bắt dưới mương… Tất cả đều đáng quý.
Nhan cười không ngớt, rồi nó bối rối chẳng biết phải cất quà vào đâu. Nhiều quá, lần đầu tiên nó thấy nhà nó có nhiều đồ như vậy. Ngăn tủ bếp không chứa đủ, nó đem để hết trên giường. Với nó giường cũng là chỗ quan trọng, nơi gia đình nằm cạnh nhau.
Nụ đứng nhìn chiếc giường đầy ắp, môi không nhịn nổi cong lên thành một nét cười. Mùa xuân, là mùa xuân đã mang phép màu ghé qua. Có tấm lòng của mọi người, ngôi nhà như bừng lên nắng mới. Niềm vui dường như biến hai chị em trở thành hai nụ bông chờ ngày nở mừng xuân.
Phải chi mà… lòng Nụ bỗng nghẹn lại một chút. Chưa bao giờ nhà cô đầy đủ như vậy. Chưa bao giờ Tết lớn như vậy. Cô ước ba má bên cạnh cùng chia vui.
Nụ tự cười bản thân, thấy mình sao tham lam quá. Đã có thứ này lại còn đòi hỏi điều khác.
Nhưng thật sự trong lòng Nụ thèm gặp ba má lắm. Tết là dịp đoàn viên mà.
Nụ nghe có tiếng xôn xao ngoài đường. Có chuyện gì mà đông vui. Đám con nít rộn lên, nói cười không ngớt. Có ai đó chạy xộc vô nhà Nụ. Là thằng Minh hay rủ Nhan đi câu cá.
- Chị Nụ, chị Nụ! - Minh cười ngoác miệng lộ mấy cái răng sún mà bình thường nó chỉ dám cười chúm chím để giấu - Xe từ thiện! Miễn phí! Ba má em…
Nói chưa dứt câu thằng nhỏ đã chạy ù đi. Nụ ngẩn ngơ không hiểu đầu đuôi. Vừa lúc đó, cô vỡ òa trước bóng người đang rõ dần đằng xa. Hai bóng người quen thuộc, vác theo lủ khủ đồ đạc. Cô nhớ hai bóng hình ấy, nhớ rõ từng sợi tóc bạc.
- Ba má! - Nụ nghẹn ngào, chống nhanh quá khiến cây nạng lệch đi chút nữa ngã quỵ.
Nhan nhào tới, xốc chị lên lưng, cõng đi một mạch. Nghe trong gió tiếng mọi người kể nhau, tỉnh xin được tài trợ chuyến xe không đồng chở công nhân làm xa về ăn Tết. Chuyến xe chở mùa xuân của hai chị em Nụ về. Bằng cách nào đó, như lời sư thầy đã nói, Nụ biết, khi người ta trao đi một đóa xuân cũng là nhận lại một mùa xuân.
Truyện ngắn của PHÁT DƯƠNG