Câu chuyện bản sắc văn hóa Đà Nẵng đã được bàn luận khá nhiều, có lúc tưởng chừng như đã ngã ngũ, nhưng theo với thời gian, dưới tác động của sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của lối sống đô thị thời hội nhập, cùng với sự biến động dân cư…, đề tài này vẫn luôn cần được nghĩ tiếp, cần được bổ sung.
Ảnh: XUÂN DŨNG |
“Mở” và “động”
Nói đến bản sắc văn hóa nhưng cũng đồng thời chúng ta đề cập đến những vấn đề cốt lõi trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội thành phố, bởi văn hóa được quan niệm là hệ các giá trị, chuẩn mực và kỹ năng, thói quen của từng người dân trong hoạt động kinh tế, trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hằng ngày. Cùng với những nỗ lực tìm ra các kế sách nhằm tăng trưởng kinh tế, việc nghiên cứu xác định những yếu tố mang bản sắc văn hóa của thành phố trong giai đoạn tăng tốc phát triển hiện nay có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo động lực, định hướng hoạt động của con người trong lĩnh vực kinh tế.
Trong những nội dung cần tiếp tục suy nghĩ về bản sắc văn hóa thành phố hiện nay, có lẽ điều khiến chúng ta cần quan tâm nhiều hơn, đó chính là tính chất “mở”, tính chất “động” của văn hóa Đà Nẵng trong bối cảnh hội nhập và công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra. Khoảng ba thập kỷ gần đây, thành phố Đà Nẵng đứng trước một thực tế là đời sống xã hội và văn hóa đang có những biến động không ngừng. Có cái do kết quả hội nhập mang tới. Có cái do sự điều chỉnh tự thân để thích ứng. Cùng với những giá trị đã ổn định, đã xuất hiện nhiều hiện tượng văn hóa mới, những lối sống mới, những thị hiếu thẩm mỹ mới; và những cái mới ấy dần dần tích tụ để tạo nên điều có thể coi là bản sắc của văn hóa thị dân Đà Nẵng trong thời kỳ mới.
Bản sắc văn hóa một vùng đất là những giá trị hết sức bền vững. Tuy nhiên việc lưu giữ, bảo vệ bản sắc không có nghĩa là bảo thủ trì trệ, là hoài cổ, không nhận ra tính “động” của nó. Bản sắc văn hóa của đô thị Đà Nẵng hôm nay một mặt được khẳng định thông qua những công trình kiến trúc cổ, những bảo tàng độc đáo riêng có, hoặc những nét văn hóa ẩm thực, những lễ hội pha trộn giữa dòng văn hóa dân gian và hiện đại…; nhưng đồng thời cũng cần được nhìn nhận bởi những sản phẩm trí tuệ của thời đại kinh tế tri thức mà thế hệ hôm nay đang tạo ra. Đây cũng chính là những tài sản vật chất và tinh thần giá trị, là bản sắc của trí tuệ thời đại mới góp vào kho tàng bản sắc vốn đã phong phú còn lưu giữ.
Bên cạnh những bản sắc đặc trưng chung của văn hóa người xứ Quảng được khẳng định qua thời gian, cộng đồng cư dân thành phố cảng biển Đà Nẵng hôm nay có ý thức lựa chọn để đón nhận những phẩm chất tinh thần tốt đẹp của nhân loại trong thời đại mới, tiếp thu lối sống công nghiệp, năng động, sáng tạo, thích ứng với điều kiện kinh tế thị trường… Và từ đó chắt lọc để hình thành những nét bản sắc mới của thành phố trong tư cách một đô thị hiện đại.
Gần 40 năm đổi mới cùng đất nước, nhất là hơn 25 năm chia tách trở lại đây, nhiều cách làm có khi “không giống ai” đã và đang đem lại những thành quả ấn tượng cho Đà Nẵng, thể hiện một phẩm chất của con người mới trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dám nghĩ, dám làm, dám bước qua những giới hạn có sẵn. Không phải ngẫu nhiên mà cho dù biết bao tác động cả tích cực lẫn tiêu cực cả trên thế giới lẫn trong nước trong những năm gần đây, kể cả đại dịch Covid-19 kéo dài suốt hơn hai năm mà hậu quả của nó hiện vẫn còn dai dẳng, thành phố Đà Nẵng vẫn đạt được những sản phẩm trí tuệ được trong nước và quốc tế ghi nhận.
Có thể kể một vài thành tựu đáng chú ý gần đây, chẳng hạn như: năm 2023, Đà Nẵng lần thứ 13 liên tiếp dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (ICT Index) năm 2022; một dấu ấn đáng kể khác, đó là việc Đà Nẵng được lựa chọn trao Giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2023” tại các lĩnh vực: Thành phố điều hành, quản lý, hạ tầng, dịch vụ công thông minh. Đây được đánh giá là giải thưởng danh giá nhất và duy nhất dành cho nhóm các thành phố/đô thị và cũng là lần thứ tư liên tiếp, Đà Nẵng đoạt giải thưởng này.
Đó là chưa kể nhiều danh hiệu khác đã đến với thành phố này, nơi mà vài chục năm trước còn là một đô thị nhỏ bé nằm “dưới cách bay” của du khách. Phải chăng đó là kết quả của tư duy nhạy bén, của năng lực tiếp thu cái mới, của lối sống không khép kín trước làn sóng văn minh nhân loại. Có thể nói, những gì mà Đà Nẵng đã làm trong thời gian gần đây đã khiến cho những người quan tâm về văn hóa vùng đất này phải nghĩ đến việc dường như Đà Nẵng đang âm thầm góp thêm những nét mới trong cái mà chúng ta vẫn gọi là “ bản sắc” đã định hình.
Thế hệ công dân mới
Gần đây, chúng ta nghe nói nhiều đến thế hệ những “công dân toàn cầu”. Nhìn lại lớp công dân mới của Đà Nẵng hôm nay, hẳn nhiều người cảm thấy không xa lạ đối với khái niệm này. Trong quá trình hình thành và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật của thành phố, đã có rất nhiều chủ trương mạnh mẽ trong việc tuyển chọn sinh viên đi du học ở các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới song song với việc thu hút những nhân tài đến với Đà Nẵng. Nhiều nhà quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật của một số địa phương trong nước và cả một số nước trên thế giới cũng đã đến sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Họ là những đại diện cho một lớp công dân toàn cầu đến với Đà Nẵng trong thời kỳ hội nhập. Nhưng điều quan trọng là không phải nhất thiết cứ phải đi du học hay phải bước chân ra thế giới mới là công dân toàn cầu.
Nhiều tổ chức và nhiều nhà nghiên cứu xã hội học trên thế giới đã định nghĩa công dân toàn cầu là những công dân có ý thức về vị trí của mình trong thế giới phẳng, nhận thức được tính đa dạng của thế giới mình đang sống, nhận thức được sự phụ thuộc lẫn nhau, nhận thức được sự kết nối giữa địa phương, quốc gia và toàn cầu; có thái độ tôn trọng sự đa dạng, sự công bằng; có khả năng giao tiếp, thích nghi trong những môi trường văn hóa, xã hội khác nhau. Họ cũng là người nhận thức được vai trò của mình là thành viên của cộng đồng rộng lớn, tham gia hành động giải quyết những vấn đề chung của nhân loại.
Cho đến hôm nay, thành phố Đà Nẵng thực sự đang có một thế hệ công dân mới đang độ chín để phục vụ cho kinh tế - xã hội thành phố. Thế hệ đã đi qua chiến tranh nay vẫn đang đóng góp, tư vấn, hỗ trợ, nhưng rõ ràng đang có một thế hệ chủ công đang nắm giữ các vị trí trong bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhìn vào lớp công dân mới này và những thành quả do những người tiên tiến trong số họ đã và đang tạo ra, có thể tìm ra những nét bản sắc văn hóa mới của Đà Nẵng trong thời hiện đại.
Trước viễn cảnh của mùa Xuân mới, mỗi người càng nhận rõ trách nhiệm của thành phố trong việc nuôi dưỡng và định hình một lớp công dân mới của Đà Nẵng có đủ tri thức, năng lực và nhiệt huyết tạo nên những thành tựu ấn tượng hơn nữa trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Và cũng thông qua những thành tựu đó, thế hệ công dân mới của thành phố sẽ bổ sung, sẽ sáng tạo ra những nhân tố mới, sẽ viết tiếp câu chuyện bản sắc truyền thống của thành phố này, về tri thức, về văn hóa ứng xử, về đạo đức lối sống phù hợp với xu thế chung của thời đại đồng thời không làm mất đi bản sắc truyền thống lâu đời của vùng đất xứ Quảng.
NẠI HIÊN