Người phụ nữ Nhật với khảo cổ miền Trung

.

Trong số những nhà sử học Nhật Bản nghiên cứu về Việt Nam, Yamagata Mariko là nhà khảo cổ học nữ và có thể nói là người có thời gian nghiên cứu lâu dài liên tục suốt hơn ba thập niên qua.

Giáo sư - Tiến sĩ Yamagata Mariko.
Giáo sư - Tiến sĩ Yamagata Mariko.

Yamagata Mariko tốt nghiệp Đại học Tokyo năm 1983 và tu nghiệp ở Đại học London, bảo vệ tiến sĩ tại Đại học Tokyo năm 1995, từng làm việc ở các trường như Đại học Waseda, Kanazawa, Khoa học Okayama và hiện nay đang làm việc tại Đại học Rikkyo, Nhật Bản. Trong các cuộc khai quật và công trình nghiên cứu của Yamagata Mariko ở nước ta, trong đó có nhiều di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh và Champa ở miền Trung, đặc biệt là tại di tích kinh thành Trà Kiệu, Quảng Nam. Những phát hiện qua các cuộc khai quật và luận giải của Yamagata Mariko đã góp phần xác định niên đại và không gian văn hóa của kinh thành cổ Trà Kiệu thời Lâm Ấp còn nhiều ẩn số và đang có những kiến giải khác nhau. 

Tiếp nối những kết quả khai quật của J-Y. Claeys những năm 1927 - 1928 và của các nhà khảo cổ Việt Nam năm 1990, Yamagata Mariko tham gia nhóm nhà khảo cổ Việt Nam, Nhật Bản và Anh Quốc tiếp tục khai quật tại sườn đông bắc đồi Bửu Châu năm 1993, tại gò Dủ Dẻ năm 1996 và tại Hoàn Châu từ năm 1997 đến năm 2000 trong kinh thành Trà Kiệu.

Năm 2013, Yamagata Mariko và Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khảo sát, khai quật một đoạn phía đông thành Trà Kiệu. Ngoài ra, cùng với viện này khai quật di chỉ Bình Yên, huyện Nông Sơn năm 1998. Dấu chân của Yamagata cũng để lại trên các di tích Champa chung quanh Trà Kiệu như Gò Cấm, Triền Tranh, Mỹ Sơn. Tại Đà Nẵng, Yamagata Mariko đều đến nghiên cứu di tích đền tháp Phong Lệ sau hai cuộc khai quật vào các năm 2011-2012 và 2018. 

Một số hiện vật về nền văn hóa Sa Huỳnh.
Một số hiện vật về nền văn hóa Sa Huỳnh.

Từ kết quả khai quật tại Trà Kiệu cũng như các di tích khác ở miền Trung và cả nước, theo Yamgata Mariko, vào thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, văn hóa Sa Huỳnh từng tồn tại trên lưu vực sông Thu Bồn. Những hạt chuỗi thủy tinh và đá quý khai quật trong các mộ chum tại đây đã du nhập từ các nước Ấn Độ, Mã Lai, Thái Lan và Trung Quốc thông qua giao thương đường biển, là căn cứ cho biết vào thế kỷ cuối trước công nguyên và thế kỷ đầu tiên sau công nguyên tại đây đã có sự giao lưu với các quốc gia cổ trong vùng.

Sau văn hóa Sa Huỳnh, những phát hiện tại Trà Kiệu và Gò Cấm về công trình gỗ, gốm và nhất là ngói mặt người để xây dựng các công trình tại trung tâm quyền lực và đền đài, so sánh với các di tích khác đã góp phần làm sáng tỏ vai trò của Trà Kiệu, về sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ giữa các khu vực của Lâm Ấp và sự chuyển tiếp từ giai đoạn Lâm Ấp sang Hoàn Vương.

Theo Yamagata Mariko, ngói mặt người tại Trà Kiệu đã được địa phương hóa cũng phát hiện ở Nam Kinh, Trung Quốc, giữa thế kỷ thứ 3 trở đi, giống như tại thành Luy Lâu, Bắc Ninh và các thành trì thời Lâm Ấp là Thành Cha ở Bình Định, Thành Hồ ở Phú Yên. Ngoài ra còn tìm thấy ở các di tích ruộng Đồng Cao - Hội An, Cổ Lũy - Quảng Ngãi, tháp Bình Lâm - Bình Định, Băng Kheng - Gia Lai và di tích Po Nagar ở Nha Trang. Đến thế kỷ thứ 8, ngói mặt người tại Trà Kiệu được thay thế bởi một loại ngói mói lạ phát hiện tại khu tháp E Mỹ Sơn, gần như cùng một lúc Lâm Ấp chuyển thành Hoàn Vương.

Dựa trên những kết quả khai quật tại Trà Kiệu và các di tích khác ở Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, Yamagata Mariko cho rằng khu cư trú tại Trà Kiệu có khả năng hình thành từ thế kỷ thứ 2 sau công nguyên, và từ thế kỷ thứ 3 trở đi phát triển như là trung tâm chính trị của nhà nước Lâm Ấp sơ khai. Từ góc độ khảo cổ học, theo Yamagata Mariko, cần nghiên cứu so sánh các di tích thời Lâm Ấp ở bắc và nam Trung bộ nhằm xác định lại lịch sử nhà nước Lâm Ấp.

Quảng Nam và Đà Nẵng là một trong những trung tâm của vương quốc Champa cổ với tên gọi Amaravati, là địa bàn đậm đặc di tích và đền tháp Champa còn lưu lại cho đến nay. Bên cạnh khu thánh địa Mỹ Sơn, di sản văn hóa thế giới, kinh đô - Phật viện Đồng Dương, Trà Kiệu là kinh đô nhà nước Lâm Ấp sơ khai. Những phát hiện và luận giải của Yamagata Mariko về di tích kinh thành Trà Kiệu đã góp phần làm sáng tỏ về niên đại, vai trò, sự giao lưu của chủ nhân tại đây thời Lâm Ấp.

Giáo sư - Tiến sĩ Yamagata Mariko (bìa trái) tại di tích Champa Phong Lệ.
Giáo sư - Tiến sĩ Yamagata Mariko (bìa trái) tại di tích Champa Phong Lệ.

Là người miệt mài với nghiên cứu và khai quật, có nhiều đóng góp cho khảo cổ học Việt Nam, nhưng Yamagata Mariko rất giản dị trong đời thường và khiêm tốn trong học thuật. Những tham luận tại các hội thảo khoa học, dù vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều cần tranh luận, nhưng diễn giải mềm mại của Yamagata Mariko toát lên văn hóa khiêm tốn.

Lần đầu tiên tôi gặp Yamagata Mariko là vào đầu năm 2001, lúc ấy cô như một sinh viên mới ra trường, áo sơ mi ca rô, đầu đội mũ vãi, ba lô trên vai, túi xách đeo ngang, nói tiếng Việt rất sành và luôn nhỏ nhẹ. Cuối năm 2023, nhân dịp sang Việt Nam dự các hoạt động khoa học kỹ niệm 50 năm quan hệ Việt-Nhật, gặp lại cô tại Đà Nẵng. Giáo sư - Tiến sĩ Yamagata Mariko vẫn vậy, áo sơ mi ca rô nhạt, mũ vãi, ba lô và túi xách ngang dọc trên người đón tôi tại khách sạn.

Lặn lội qua nhiều miền đất nước, cô rất thích món ăn Việt Nam. Mì Quảng, bánh xèo, thịt heo cuốn bánh tráng đặc sản của xứ Quảng đã quen thuộc và khoái khẩu với cô. Yamgata Mariko rất ấn tượng với Đà Nẵng từ khi có cầu Sông Hàn, và cho rằng giờ đây Đà Nẵng hiện đại không kém nhiều thành phố lớn ở châu Á. Cô bộc bạch, sau này rời sự nghiệp khảo cổ, khi du lịch Việt Nam nhất định Đà Nẵng sẽ là lựa chọn hàng đầu.

VŨ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.