Nơi Bác trở về sau 30 năm xa Tổ quốc

.

Tháng 3-2023, anh em đoàn công tác Báo Đà Nẵng chúng tôi có dịp đến các tỉnh Đông Bắc của Tổ quốc. Từ Hà Nội về các tỉnh, mùa xuân vẫn còn phảng phất trên mỗi cung đường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Thật hiếm khi có được chuyến đi ý nghĩa như vậy. Nhiều nơi lần đầu tiên chúng tôi được đặt chân đến mà mỗi địa danh đều gắn chặt với những câu chuyện truyền thuyết, về danh lam thắng cảnh, về truyền thống lịch sử từng nghe đâu đó trong lời kể, trang sách. Đó là đỉnh Mẫu Đơn, tượng nàng Tô Thị trong quần thể khu danh thắng Nhị - Tam Thanh (Lạng Sơn); thác Bản Giốc (Cao Bằng); cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, song Nho Quế, cột cờ Lũng Cú, nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang); địa điểm di tích Báo Nhân Dân, Tân Trào (Tuyên Quang), địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa (Thái Nguyên). Mỗi nơi đi qua đều để lại dấu ấn sâu đậm, những ân tình đồng nghiệp và những cảm xúc khó phai.

Nhưng có lẽ, địa danh để lại trong lòng anh em trong đoàn chúng tôi cảm xúc khó phai nhất là Khu di tích Pác Bó.

Theo dòng lịch sử, sau 30 năm xa Tổ quốc, ngày 28-1-1941 (nhằm ngày mồng 2 Tết Nguyên đán Tân Tỵ), Bác Hồ cùng các đồng chí của mình vượt qua mốc 108 (nay là cột mốc 675) trên biên giới Việt – Trung trở về nước. Nơi đây thuộc vùng rừng Pác Bó, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng - vùng đất “phên giậu” Đông Bắc của Tổ quốc, là nơi hội tụ đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước. Sự lựa chọn nơi đặt chân đầu tiên khi trở về Tổ quốc của Người đã thể hiện tầm nhìn mang tính chiến lược, về nhận thức, đoán định được hiện tại và triển vọng tương lai của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.

Dòng chữ Bác Hồ khắc trên vách đá trong hang Cốc Bó.
Dòng chữ Bác Hồ khắc trên vách đá trong hang Cốc Bó.

Bác về nước đúng vào mùa Xuân, mùa tươi đẹp nhất của đất trời, mùa của trăm hoa đua nở. Bước chân đầu tiên về đất mẹ cũng là giây phút Người lắng nghe sự sống của sinh thể đất nước đang phôi thai. Nhà thơ Chế Lan Viên đã diễn tả lại hình ảnh ấy bằng những câu thơ đầy xúc động: “... Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai”. Khoảnh khắc ấy cũng đã đi vào thơ Tố Hữu: “... Ôi sáng xuân nay, Xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về… Im lặng. Con chim hót/ Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...”

Hôm ấy, trong những ngày Giêng - Hai, núi rừng Việt Bắc hiện ra trước mắt chúng tôi ngăn ngắt một màu thẫm xanh. Từng đoàn khách thập phương, trong đó có không ít đoàn khách nước ngoài cũng có mặt tại đây trong một chiều thật yên bình, mát mẻ. Tôi lặng người trong xúc động vì được đứng đây, nơi mà 82 năm về trước, sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn bể, trải qua bao khó khăn, vất vả, gian lao tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn nơi đây để trở về lãnh đạo Việt Nam. Từ 28-1 đến 7-2-1941, Bác Hồ ở nhà ông Lý Quốc Súng, dân tộc Nùng, ở thôn Pác Bó - một cơ sở cách mạng. Từ 8-2-1941, chuyển đến hang Cốc Bó để sống và làm việc.

Sau phút dừng chân bên suối Lê Nin, núi Các Mác ghi lại vài tấm hình kỷ niệm, anh em chúng tôi theo con đường phía tả ngạn ngược dòng về đầu nguồn suối để đến hang Cốc Bó. Trước mắt chúng tôi là cửa hang chỉ một người đi vừa. Bên trong là hang rộng chừng 80m2, hiện vẫn còn một bộ phản gỗ nơi Bác Hồ làm việc và nghỉ ngơi. Trong hang có bếp lửa để sưởi ấm. Ngay cửa hang có dòng chữ 8-2-1941 do chính tay Bác khắc lên đá để đánh dấu mốc thời gian đến nơi này. Nhìn những vật dụng quá đơn sơ trong hang Cốc Bó, lòng mỗi người đều trào dâng lòng kính yêu vô bờ về sự hy sinh và công lao như núi sông của Bác.

Cách hang Cốc Bó không xa là đầu nguồn dòng suối trong vắt, Bác đặt tên là suối Lê-nin. Nơi đây, những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, Bác Hồ ngồi câu cá. Hình ảnh núi rừng, hang động, ngọn suối này hiển hiện sinh động, đầy ắp sự lạc quan trong những vần thơ Bác: “Sáng ra bờ suối tối vào hang/ Cháu bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời Cách mạng thật là sang” (Tức cảnh Pác Bó).

Cùng với hang Cốc Bó, hang Lũng Lạn, hang Ngườm Vài, các láng Khuổi Nậm… thuộc Pác Bó là những nơi mà Bác Hồ ở, hoạt động từ năm 1941-1945 với sự kiện quan trọng: triệu tập Hội nghị  Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khóa I) của Đảng tại Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng. Dưới sự chủ trì của Người, Hội nghị đã kiện toàn cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức, Ban Thường vụ Trung ương, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương; trên cơ sở đó kiện toàn các cấp bộ đảng từ Xứ ủy đến các cấp bộ đảng ở các địa phương - đây là nhân tố hàng đầu quyết định đường hướng của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết, hàng đầu của cách mạng Việt Nam lúc này.

Theo sáng kiến của Người, trên tinh thần dân tộc tự quyết, Hội nghị quyết định thành lập ở ba nước Đông Dương ba mặt trận riêng để tập hợp lực lượng giải quyết nhiệm vụ cách mạng trong phạm vi của dân tộc mình. Ở Việt Nam, thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, nhằm đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước trong Mặt trận Việt Minh.

Đóng góp quan trọng nhất của hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì là đã bổ sung, phát triển đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam - đường lối giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong đó, đặc biệt là việc xác định: Đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết; xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức Đảng; xúc tiến xây dựng căn cứ địa cách mạng, lực lượng chính trị, tập hợp lực lượng cho mặt trận Việt Minh, lực lượng vũ trang, cũng như các tổ chức chính trị khác như: Cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, xây dựng căn cứ địa cách mạng và lực lượng vũ trang, tích cực chuẩn bị lực lượng đón thời cơ khởi nghĩa… Đây chính là quá trình hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, sự kế thừa, phát triển qua khảo nghiệm thực tiễn của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng.

Tác giả trước bàn đá, nơi Bác Hồ thường ngồi làm việc thời kỳ 1941-1945.
Tác giả trước bàn đá, nơi Bác Hồ thường ngồi làm việc thời kỳ 1941-1945.

Ngày 4-5-1945, Bác Hồ cùng đoàn cán bộ rời Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Hai mươi năm sau, trong lần trở lại thăm Pác Bó, Bác đã viết những câu thơ chan chứa nghĩa tình: “Hai mươi năm trước ở hang này/ Đảng vạch con đường đánh Nhật Tây/ Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu/ Non song gấm vóc có ngày nay”.

Chiều hôm ấy, tôi tần ngần dừng chân khá lâu tại đầu nguồn suối Lê-nin trong cảm giác thương nhớ lưu luyến thật khó tả. Gần một thế kỷ đã đi qua, vậy mà nơi đây như vẫn còn ấm hơi Người. Tôi nhẹ nhàng lội xuống dòng suối xanh mát, nhặt một hòn đá nhỏ nơi đầu nguồn suối đem về với miền Trung quê tôi. Hòn đá được đặt trang trọng trong phòng làm việc, để mỗi ngày tôi cảm nhận được tình yêu thương, hơi ấm của Bác Hồ…

Đã từ lâu, trong chặng dài học tập công tác của mình, tôi từng đọc nhiều cuốn sách, vần thơ viết về Bác. Và từ Pác Pó, Tân Trào trở về, tôi lại lật giở đọc lại những trang sách, bài thơ viết về Việt Bắc. Những dòng chữ, trang thơ hiện lên, tươi mới những vùng đất mà tôi đã đi qua. Địa danh nào cũng dâng trào trong lòng tôi những dòng ký ức.

Trong bồi hồi xúc động, thấm đẫm ân nghĩa về Bác Hồ kính yêu mà những ngôn từ trong bài viết này khó nói hết, tôi thầm mong sẽ có dịp quay trở lại hang Cốc Bó, hang Ngườm Vài, núi Các Mác, suối Lê-nin, lán Khuổi Nậm… Tôi muốn nhiều lần được trở lại tri ân vùng đất, con người đã đùm bọc, che chở cho Bác và những người đồng chí trong những ngày đầu gian khổ, hy sinh để non sông, đất nước Việt Nam có được cơ đồ rạng rỡ như bây giờ!

NGUYỄN ĐỨC NAM

;
;
.
.
.
.
.