Phạm Ngô Minh và những cuốn sách để đời

.

Gần 30 năm dấn thân vào công việc nghiên cứu, viết sách, Phạm Ngô Minh hoàn thành 10 đầu sách, sắp cho ra đời cuốn sách thứ 11, trong đó có nhiều cuốn đồ sộ, trên dưới 2.000 trang. Ông là một trong những tác giả hiếm hoi hai lần nhận Giải Vàng sách Hay Việt Nam vào các năm 2011 và 2015.

 

Ông Phạm Ngô Minh sinh năm 1958, quê quán ở làng Bảo An, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hiện ông đang sống ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Với ông, nghiên cứu, viết sách là niềm đam mê, nhưng là nghề tay trái. Mỗi ngày, ông thức dậy từ 1 giờ sáng, cùng vợ lên khu lò mổ Đà Sơn giám sát nhân công giết mổ heo, cung cấp cho bạn hàng. Thời gian còn lại trong ngày, ông đi thu tiền, tự làm sổ sách thu chi giúp vợ và đọc sách, nghiên cứu. Thư viện sách của gia đình ông có lúc lên đến hơn 4.000 cuốn với rất nhiều sách báo quý.

Ông từng bảo: “Tôi chỉ làm nghề kinh doanh thịt heo, không có văn bằng, chứng chỉ gì hết. Bỏ qua những mặc cảm, tự ti, cho dù không là gì, tôi vẫn là Phạm Ngô Minh”.

Một sự tình cờ để viết về Chu Mạnh Trinh

Cách đây 4 năm, trong một lần vào Thành phố Hồ Chí Minh, với khoảng thời gian eo hẹp và một thói quen khó bỏ, Phạm Ngô Minh bắt xe ra tiệm sách quen. Ông mua được 3 cuốn, trong đó có một cuốn viết về danh sĩ đất Hưng Yên Chu Mạnh Trinh. Nhưng đọc sách, ông thấy những tư liệu về cuộc đời, thơ văn của Chu Mạnh Trinh được tác giả dẫn trong sách khác với những tư liệu ông có trong tay và từng được đọc.

Vậy là để kiến giải những tư liệu chưa đúng đó, Phạm Ngô Minh bắt tay vào biên soạn một cuốn sách mới. Trong vài tháng, việc biên soạn đạt được gần 90%. Nhưng trong thời gian đó ông tình cờ đọc luận văn của một tiến sĩ người Pháp viết về tiểu sử các quan lại Việt Nam, trong đó có nhắc đến Chu Mạnh Trinh và hồ sơ về tiểu sử, cuộc đời hoạt động của ông.

Bằng nhãn quan của một người rất cẩn trọng khi làm sách, nghiên cứu tư liệu, Phạm Ngô Minh dừng hết việc biên soạn, hỏi qua rất nhiều nguồn mới biết hồ sơ tư liệu về Chu Mạnh Trinh dày 350 trang, được viết bằng 3 thứ tiếng là Pháp, Hán-Nôm và chữ Quốc ngữ cổ (thời Đông Kinh nghĩa thục), hiện nằm ở kho lưu trữ của Viện Thông tin khoa học xã hội Việt Nam.

Nhờ những người bạn giúp đỡ, ông photo được bộ hồ sơ và nhờ người dịch phần tiếng Pháp trước để nắm nội dung, rồi lặn lội ra Huế nhờ người dịch phần Hán-Nôm. Cũng đọc từ hồ sơ này, ông biết về thân thế của cha Chu Mạnh Trinh là quan Ngự sử Chu Duy Tĩnh, được nhắc đến trong Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện.

Ông Minh cho biết, tiểu sử về Chu Mạnh Trinh chưa từng được công bố rõ ràng, đầy đủ. Khi Chu Mạnh Trinh mất 2 con trai còn nhỏ, lớn lên thì ở vùng tự do, đến năm 1954 cả gia đình vào Sài Gòn. Người ta nói rất nhiều về tập thơ vịnh Kiều Thanh Tâm thi tập gồm 20 bài, nhưng trên thực tế có gần 60 bài. Trong tập sách sẽ có bản dịch 120 bài thơ chưa từng công bố trong tổng số 153 bài từ tập Trúc Vân thi tập. “Khoảng tháng 4 tới đây tôi sẽ in “Thơ văn và hành trạng Chu Mạnh Trinh qua hồ sơ lưu trữ”. Có thể khi tôi công bố nghiên cứu về Chu Mạnh Trinh, một số nội dung trong sách giáo khoa và hồ sơ về vị danh sĩ này sẽ được bổ sung, thay đổi, những người làm sử từ trước đến nay chưa khai thác theo tư liệu đó”, ông Minh cho hay.

Phía sau những tuyển tập

Cho đến nay, Phạm Ngô Minh vẫn là tác giả duy nhất đưa về cho NXB Đà Nẵng, một NXB địa phương 2 Giải Vàng sách Hay do Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng (nay là giải thưởng sách Quốc gia) vào các năm 2011 và 2015 qua hai cuốn sách Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập (GS Chương Thâu, Phạm Ngô Minh) và Phạm Phú Thứ toàn tập (nhiều tác giả, Phạm Ngô Minh chủ biên).

Cuốn Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập dày 1.809 trang cung cấp gần 100 bài thơ, 12 tác phẩm tiêu biểu của Cụ Huỳnh, những bài văn tuyển giai đoạn 1927-1936 của Huỳnh Thúc Kháng đăng trên báo Tiếng Dân; những bài báo của Cụ Huỳnh viết trong giai đoạn 1936-1943.

Hai tác giả Phạm Ngô Minh và GS Chương Thâu (Viện Sử học Việt Nam) đã có phần tiểu dẫn từng vấn đề như sử học hay dịch thuật, những dòng giới thiệu ngắn gọn, nói những điều thật cần nói, thật rõ nét, không cần trình bày tỉ mỉ hay phẩm bình… giúp người đọc hình dung, bao quát được vấn đề. Các tác giả lại chia theo đề tài, thể loại. Cách kết cấu chương mục này giúp người đọc hình dung rõ nét cuộc đời của Cụ Huỳnh, một nhân sĩ yêu nước chưa được hiểu tường tận cho đến lúc đó.

Ông cho rằng vai trò, tiếng nói của Cụ Huỳnh trong giai đoạn mới thành lập nước là rất quan trọng, bởi sức nặng vai trò chính trị cũng như tầm ảnh hưởng của cụ gần như tuyệt đối, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận. Trong quá trình ông nghiên cứu về Cụ Huỳnh và đọc những luận văn từng nghiên cứu về cụ, đã đi đến một sự thống nhất: suy tôn một chí sĩ vì dân vì nước, một nhân cách cao cả.

Là người đóng góp rất lớn trong sưu tầm, biên soạn để làm nên cuốn sách, nhưng Phạm Ngô Minh chỉ nói rất khiêm tốn rằng công mình chỉ đóng góp một chút về giá trị học thuật, văn hóa, và cao hơn hết là tình cảm của ông đối với tiền nhân.

“Tôi học được ở Cụ Huỳnh rất nhiều, ví dụ những bài nghị luận về chính trị, xã hội, đạo đức, nhân sinh. Và khi làm sách xong thấy vui vì mình hoàn thành một công việc cần sự dẻo dai, và nhận được thành tựu là một tác phẩm về Huỳnh Thúc Kháng được ghi nhận”, ông bày tỏ.

Để xuất bản tác phẩm Phạm Phú Thứ toàn tập, ông Minh và các cộng sự mất hơn hai năm tìm tư liệu và biên soạn. Trong thời gian đó, ông vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm gặp con trai ông Nguyễn Quang Uyển để tìm hiểu về bản dịch cuốn “Nhật ký đi Tây” của Phạm Phú Thứ do ông Uyển dịch từ năm 1942, đến sau năm 1990 mới in.

Rồi theo thông tin từ dòng họ Phạm Phú ở Điện Bàn, Quảng Nam, ông tìm vào Nha Trang để gặp ông Phạm Phú Viết, cháu đời thứ 5 của Phạm Phú Thứ, lúc đó đã 80 tuổi. Ông Viết vốn rất giỏi tiếng Pháp, nhưng vì muốn đọc tác phẩm của ông mình đã tự học chữ Hán - Nôm và dịch từ 13 quyển thơ, 13 quyển văn (gồm 620 tờ) tác phẩm của Phạm Phú Thứ ra 1.240 trang sách chữ Hán. Ông Viết trao cho ông Minh bản dịch này và trên cơ sở bản dịch, ông Minh nhờ người dịch lại và hiệu đính cho đúng.

Sự dày công tìm kiếm, nghiên cứu tư liệu của tác giả Phạm Ngô Minh và các cộng sự đã cho ra đời Phạm Phú Thứ toàn tập dày 2.200 trang, riêng bản có chữ Hán dày 2.600 trang. Cuốn sách là bộ sưu tập đầy đủ, dịch thuật chuẩn xác và chú giải khoa học toàn bộ di sản văn chương gồm 2.000 trang chữ Hán của Phạm Phú Thứ - nhà khoa bảng, đại thần triều Nguyễn, danh nhân văn hóa có nhiều đóng góp cho đất nước.

Gắn cuộc đời vào từng con chữ

Hầu hết các cuốn sách của Phạm Ngô Minh bảo đảm tiêu chí: mỗi cuốn sách như một cách phổ biến kiến thức, cho cả những người muốn học sâu, học kỹ. Có thể không cần đọc nhiều sách, mất nhiều thời gian để tìm kiếm tài liệu, bạn vẫn có thể hiểu rõ về một vùng đất, một vấn đề… nếu bạn có trong tay một cuốn sách của Phạm Ngô Minh! Các đầu sách bảo đảm nội  dung mới, sâu sát vấn đề, có nguồn gốc dẫn xuất rõ ràng để người đọc không phải mất công tìm tài liệu đối chứng.

Câu văn của ông ngắn, ít dùng chủ từ, tần số thông tin cao, bút pháp theo lối từ điển học. Một điểm đặc biệt nữa là Phạm Ngô Minh rất nghiêm túc, dứt khoát về văn bản. Đó là ông ghi rõ tên những tác phẩm của Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Phú Thứ và sắp tới là Chu Mạnh Trinh đã xuất bản bị thất lạc, ông ghi rõ tên người đang lưu giữ. Nhiều bản in quý hiếm nay không in lại đều có trong bộ sưu tập của ông và ông có bản gốc in lần thứ nhất (hoặc sao chụp lại).

Cách biên soạn này của Phạm Ngô Minh chịu ảnh hưởng của nhà nghiên cứu thư mục học Trần Văn Giáp. Rất ít người biên soạn tuyển tập văn học làm theo hướng này. Ông khiêm tốn bảo rằng mình không được học hành tử tế, nhưng sách ông viết về người xưa, là viết như gắn cuộc đời mình vào từng con chữ để trả nợ tiền nhân.

Cuốn sách đầu tay của Phạm Ngô Minh, đồng chủ biên với Trương Duy Hy, Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn (1601-1919) tập trung rất nhiều tư liệu. Cuốn sách sau 12 năm ra đời đã được tái bản, tác giả viết lại một số đoạn như lập biểu, so sánh với các tỉnh, có tính tỷ lệ phần trăm theo dân số. Có thể người quê không ở Quảng Nam vẫn có thể đọc, mua sách vì có thể có tên cha ông của họ trên văn bia. Hay khi đọc cuốn Sơn Trà: Địa lý-Văn hóa-Du lịch, bạn sẽ thấy bất ngờ với một vùng đất núi kề biển, diện tích khiêm tốn nhưng phủ dày di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng. Những cuốn sách như “bách khoa thư” phổ biến kiến thức.

Một số tác phẩm của Phạm Ngô Minh

Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn; Họ Lê trong lịch sử Việt Nam (3 cuốn: Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nhân vật họ Lê trong lịch sử Việt Nam trước năm 1930, Lê Thánh Tông và sự hình thành Lê tộc ở Quảng Nam); Đường phố Đà Nẵng; Hải Châu: nhân vật, lịch sử và địa danh; Sơn Trà: địa lý, văn hóa và du lịch; Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập; Huỳnh Thúc Kháng – tác phẩm chọn lọc; Khoa bảng Quảng Bình; Phạm Phú Thứ toàn tập; Đền thờ làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu...

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.