Thời đi học chắc ai cũng có vài kỷ niệm với thầy, cô giáo, nhưng có thể nói trường hợp của tôi với thầy giáo dạy Quốc Văn hồi trung học chắc là rất hy hữu. Cuối năm thầy mượn tập vở ghi chép của tôi để dùng làm tư liệu dạy cho các năm sau. Sau đó qua nhiều lần dời chỗ ở, chỗ dạy học, thầy vẫn giữ cẩn thận tập vở để rồi 30 năm sau trao lại cho tôi trong lần tái ngộ. Tập vở của tôi đã theo với thầy từ Hội An đi Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn,… suốt ba thập niên trong tình hình đất nước còn chiến tranh và đời sống xã hội thời hậu chiến còn nhiều khó khăn.
Gặp lại thầy Dương Ngọc Tạo sau 30 năm. Tôi cầm tập vở Quốc Văn ghi những bài giảng của thầy ngày xưa. Thầy cầm cuốn sách Công nghiệp hóa Việt Nam… tôi vừa xuất bản và mang đến tặng thầy (tháng 5-1997 tại nhà thầy Dương Ngọc Tạo). |
Năm 1964, tôi tốt nghiệp Trung học Đệ Nhất cấp (cấp II, trung học cơ sở bây giờ) sau 4 năm học trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu ở Điện Bàn (Quảng Nam) và được tuyển thẳng vào học Đệ Nhị cấp (cấp III) trường Trung học Trần Quý Cáp ở Hội An. Hồi đó cấp III chia làm ba ban: ban A đặt trọng tâm học lý, hóa và toán, ban B toán và ban C văn chương, triết, ngoại ngữ. Những học sinh có thành tích xuất sắc ở cấp II thường được khuyên chọn ban B ở cấp III.
Theo tôi hiểu có hai lý do. Một là học ban B sau này lên đại học sẽ rộng đường chọn chuyên môn. Hai là ban B đòi hỏi khả năng suy luận cao mà học sinh giỏi mới theo kịp. Tôi cũng được các thầy năm cuối cấp II khuyên chọn ban B, và tôi đã làm như vậy. Nhưng học hết năm thứ nhất (Đệ Tam), dù thành tích xếp thứ hai, thứ ba trong lớp, tôi thấy thích văn chương và ngoại ngữ hơn nên xin chuyển sang ban C, nhờ vậy tôi được học với thầy Quốc Văn Dương Ngọc Tạo và có một kỷ niệm hy hữu với thầy.
Thầy Tạo, người Quảng Ngãi, tốt nghiệp khoa văn Đại học Sư phạm Huế và có thêm cử nhân văn chương. Hình như thầy được bổ nhiệm dạy các lớp Đệ Tam và Đệ Nhị C trường Trần Quý Cáp vài năm trước khi tôi vào học. Lúc đó thầy khoảng 29-30 tuổi, độc thân, thuê nhà trọ ở khu phía tây thị xã Hội An, độ 7-8 phút đi bộ đến trường. Thầy ăn cơm tháng tại một nhà hàng gần đấy chứ không tự nấu. Những chi tiết riêng tư này tôi biết được sau mấy lần được thầy gọi đến chơi ở nhà trọ.
Ban C có hệ số điểm Quốc Văn cao nhất nên mỗi tuần hình như học hai hoặc ba buổi. Vào mỗi buổi học, khi vào lớp, thầy Tạo điểm danh xong gọi 4-5 học sinh mang tập vở ghi chép lên đưa cho thầy xem và hỏi vài câu liên quan nội dung học lần trước. Trong một tháng có lẽ tất cả học sinh trong lớp lần lượt được gọi lên trả bài như thế ít nhất một lần. Hình như thầy cho điểm dựa trên tình hình ghi chép lần trước và câu trả lời hôm đó của học sinh.
Mỗi lần như thế thầy ghi ngày tháng và ký tên vào một trang ghi chép lần trước của học sinh. Sau này xem lại tập vở của mình tôi cũng thấy có 4 chỗ như thế. Chẳng hạn trong phần Tổng luận về Nguyễn Công Trứ, thầy ghi: Xem, 11.12.65 và ký tên.
Trang thứ nhất của tập vở Quốc Văn niên khóa 1965-1966. Bút tích của thầy Dương Ngọc Tạo trong tập vở (ảnh dưới). Chương trình học Quốc Văn lớp Đệ nhị C (lớp 11 bây giờ, ảnh trên). |
Có lẽ thầy có ấn tượng tốt về tôi qua cách ghi chép và trả lời suôn sẻ các câu hỏi của thầy về bài giảng lần trước. Vài tháng sau khi niên học bắt đầu, tình cờ trên đường trở về nhà trọ, tôi và thầy cùng đi một hướng. Nhà trọ của tôi ở phía ngoại ô và đi qua con đường có nhà trọ của thầy. Hai thầy trò nói chuyện độ 5-6 phút là tới nhà thầy.
Thầy bảo tôi vào nhà chơi trò chuyện tiếp. Dĩ nhiên là tôi rất vui mừng vì được “học thêm” và xem tủ sách đồ sộ của thầy. Nhiều lần như thế tiếp tục sau đó và tôi không còn nhớ đã đến nhà thầy bao nhiêu lần. Có lần sắp đến trưa thầy bảo đi ăn cơm với thầy tại một nhà hàng nấu cơm tháng cho thầy ở gần nhà. Tôi còn giữ ấn tượng về những bữa ăn rất ngon. Món ăn rất ngon và nhất là được trò chuyện với thầy trong lúc ăn.
Cuối năm Đệ Nhị (lớp 11), tôi đỗ Tú tài I và sau đó lên học lớp Đệ Nhất. Đệ Nhất C học triết thay cho quốc văn nên tôi không học với thầy Dương Ngọc Tạo nữa. Bây giờ không nhớ tôi đã gặp thầy lần cuối là lúc nào, và thầy đã mượn tập vở Quốc Văn của tôi khi nào. Chuyện thầy mượn tập vở Quốc Văn của tôi để làm tư liệu dạy cho những năm sau tôi chỉ biết được (vì không nhớ gì cả) khi gặp lại thầy 30 năm sau.
Mùa hè năm 1997, nhân chuyến về Sài Gòn tôi gặp lại một số bạn học thời Trung học Trần Quý Cáp Hội An. Hỏi thăm về các thầy cô thời xưa, một bạn, anh Huỳnh Sơn Phước, lúc đó là Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, nói là gần đây có gặp thầy Dương Ngọc Tạo và có ghi lại địa chỉ của thầy. Tôi mừng quá, đề nghị anh Phước cùng đi thăm thầy. Anh Phước học sau tôi hai năm và cũng học văn với thầy Tạo lớp Đệ nhị C.
Tôi rất vui và xúc động khi gặp lại thầy Tạo, nghe thầy kể về những thay đổi trên đường dạy học của thầy trong 30 năm qua. Bỗng thầy dừng lại, vào tủ sách lấy ra tập vở và nói: “Thầy có món quà rất quý dành để tặng em”. Tôi nhận tập vở, vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi mở trang đầu tiên, nhận ra tập vở Quốc Văn ghi chép các bài giảng của thầy ngày xưa.
Tôi đặc biệt cảm động khi biết thầy đã di chuyển nơi làm việc và nơi ở nhiều lần, từ Hội An đi Đà Nẵng rồi Huế và Sài Gòn. Trong thời còn chiến tranh và nhiều năm thời hậu chiến, kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn và phải di chuyển nhiều nơi từ Trung vô Nam, thầy vẫn giữ gìn tập vở của học trò mình. Chính tôi đã mất tất cả các sách vở thời học trung học, bây giờ nhờ thầy tôi còn giữ được tập vở duy nhất này.
Tối hôm đó về khách sạn, tôi bồi hồi xem lại từng trang trong tập vở Quốc Văn. Bao nhiêu kỷ niệm lại hiện về.
Chương trình Quốc Văn lớp Đệ nhị C thời đó rất phong phú, đa dạng. Từ thơ văn Tản Đà, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh đến thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu, văn của Tự lực văn đoàn và văn, nghị luận trong Đông Dương Tạp chí và Nam Phong Tạp chí.
Thầy Dương Ngọc Tạo giảng bài rất hay. Tư tưởng trong thơ văn của mỗi tác giả được phân tích sâu sắc, khúc chiết và thỉnh thoảng vận dụng thơ văn của các thi sĩ văn nhân khác, kể cả nước ngoài để minh họa, so sánh. Đặc biệt, tôi cuốn hút theo bài giảng của thầy về tư tưởng yếm thế, lãng mạn của Tản Đà; chí làm trai, tinh thần kẻ sĩ, thái độ sống của Nguyễn Công Trứ; tư tưởng phóng đạt, yêu thiên nhiên của Yên Đỗ Nguyễn Khuyến…
Nhìn tập vở Quốc Văn tôi còn có một ấn tượng nữa là tập vở rất dày, hơn 300 trang và trang nào cũng ghi chép cẩn thận. Như đã nói, chương trình học khá nhiều nên tập vở dày như thế mà chỉ còn trống vài trang cuối. Tôi cũng cảm thấy vui khi nghĩ lại thời đó mình là một học sinh rất vất vả về tài chánh nhưng tại sao lại bỏ tiền mua tập vở khá đẹp và chắc là đắt tiền như vậy. Nhưng với nội dung phong phú của các bài giảng và nhất là được lưu giữ cho đến ngày nay thì việc chọn mua dù là ngẫu nhiên một tập vở đắt tiền như vậy cũng rất xứng đáng.
Rất vui là tìm thấy nét bút của thầy trên hầu hết các trang trong tập vở, chứng tỏ thầy đã tích cực dùng tập vở này khi soạn các bài giảng cho các năm sau. Thầy gạch đáy nhiều câu, sửa những lỗi chính tả còn sót hay những từ ngữ chưa chính xác. Đôi lúc ghi bên lề trang vài chữ để đánh dấu nội dung. Tập vở dày 320 trang, tôi ghi chép hết 314 trang.
Thầy dùng 6 trang còn lại để ghi thời khóa biểu dạy hoặc bảng điểm của các lớp sau tôi. Một số tờ giấy rời với các nội dung tương tự thầy ghép thêm vào cuối tập vở. Đọc các thông tin này tôi biết được là thầy đã dùng tập vở Quốc văn của tôi ít nhất là cho đến niên khóa 1973-1974, tức là 8 năm kể từ những ngày cuối tôi học với thầy. Hiếm có trường hợp một tập vở ghi chép của học sinh được thầy giáo dùng nhiều năm và để lại nhiều bút tích. Tôi cảm thấy thật sung sướng, hạnh phúc.
Bây giờ nhìn lại tập vở ghi chép này, tôi rất ngạc nhiên thấy rất đầy đủ, văn phong rất trau chuốt, giống như vừa nghe thầy đọc vừa chép lại chứ không phải vừa nghe giảng vừa ghi chép. Dưới đây tôi chép lại một đoạn trong tập vở này để thấy bài giảng của thầy Tạo sâu sắc về nội dung, trau chuốt về văn chương và cũng cho thấy thời đó tôi đã có “tài” ghi chép như thế nào (Ở đây chép nguyên văn nhưng có vài chỗ điều chỉnh dấu chấm câu hay viết đầy đủ tên Tản Đà thay vì TĐ như trong tập vở, vì khi nghe giảng chắc tôi phải viết nhanh, viết tắt, mới theo kịp nội dung). Đây là đoạn thầy bình bài thơ “Tống biệt” của Tản Đà:
“Tản Đà nhiều lúc muốn tìm về thiên đường đã mất hay tìm về thế giới bồng lai mà Lưu Nguyễn đã lạc lối:
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi,
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi
Đá mòn rêu nhạt,
Nước chảy hoa trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi
Cửa động,
Đầu non
Đường lối cũ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
“Tống biệt” đã nói lên sự tranh chấp trong tâm thức của Tản Đà, tranh chấp ở đây là tranh chấp giữa tiên và tục, giữa ước mơ và hiện thực. Tản Đà đã để cho sự tranh chấp nghiêng hẵn về phía cuộc đời nhưng luyến tiếc tuyệt đối, thành thử trong lúc chia xa giữa tuyệt đối và cuộc đời, Tản Đà không khỏi ray rứt. Vẫn biết cuộc đời là chấp tranh, là chán chường, là hữu hạn, nhưng cuộc đời vốn có một giá trị của nó. Nói như Malraux: “Cuộc đời không đáng giá gì cả nhưng không gì đáng giá bằng cuộc đời”. Thành thử trong lúc chán chường Tản Đà vẫn có một thái độ dứt khoát:
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi.
nhưng khi trở về lại ngậm ngùi bịn rịn:
Lá đào rơi rắc lối thiên thai,
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi.
“Tống biệt” đã chọn con đường trở về cuộc sống. Có lẽ Tản Đà nghĩ rằng tiên cảnh có cái vinh quang của tiên cảnh nhưng cuộc đời vẫn có cái hạnh phúc của cuộc đời. Đó là nguyên nhân sâu xa phân thi ca Tản Đà ra làm hai chiều hướng đối nghịch. Sau khi so sánh, Tản Đà đã buông tiếng thở dài:
Ước cũ duyên thừa có thế thôi
để rồi vẫn đẩy nỗi buồn của mình lên cao:
Đá mòn rêu nhạt
Nước chảy hoa trôi
Nhưng khi cánh cửa vừa khép lại thì:
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng soi”.
Bài giảng của thầy Tạo về bài thơ “Tống biệt” còn tiếp nữa khi thầy so sánh tâm trạng của Tản Đà trong bài này với những đồng cảm của Thế Lữ sau này trong “Tiếng sáo thiên thai” (Tiên nga tóc xõa bên nguồn, Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu) và trích bình luận liên quan của Hoài Thanh.
Tập vở Quốc Văn của tôi với bút tích dày đặc của thầy Dương Ngọc Tạo gói ghém biết bao kỷ niệm của tôi với thầy trong năm học Đệ nhị C Ttrường Trung học Trần Quý Cáp ở Hội An. Tập vở đã theo thầy suốt 31 năm trên các nẻo đường đất nước và cuối cùng đã trở về với tôi.
Đây là một trong những gia bảo tôi cất giữ cẩn thận trong phòng đọc sách ở Tokyo.
Tokyo, đầu xuân Giáp Thìn 2024.
GS. TRẦN VĂN THỌ