Ẩm thực Việt Nam được thế giới ngưỡng mộ. Thành phố Đà Nẵng trong mắt du khách đánh giá là trung tâm ẩm thực mang nhiều nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực miền Trung. Điều gì làm nên sự vượt trội của ẩm thực Việt Nam và ẩm thực Đà Nẵng, ẩm thực xứ Quảng? Ẩm thực góp phần thu hút du khách, thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch.
“Kinh đô” ẩm thực thế giới
Báo chí nước ngoài nhận xét Việt Nam là kinh đô của ẩm thực thế giới. Tạp chí Ẩm thực thuộc Hiệp hội Ẩm thực thế giới, tháng 9 năm 2023 viết: “Ẩm thực là văn hóa, ẩm thực là tinh hoa của một đất nước, một dân tộc. Ẩm thực Việt Nam xứng tầm với sự tinh hoa đó”. Tấm bánh chưng Việt có từ thời Hùng Vương dựng nước, đến nay vẫn không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam khi xuân về Tết đến.
Người Việt và kiều bào ở nước ngoài, trên mâm quả ngày Tết cúng gia tiên, bánh chưng đặt ở vị trí trang trọng. Trải qua hàng ngàn năm, phong tục gói bánh chưng ngày Tết dâng cúng tổ tiên không hề mai một trong tâm thức mỗi người dân đất Việt, thể hiện trời đất giao hòa, nhà nhà đón năm mới sung túc, an lành. Bánh chưng là món ăn truyền thống, nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của Việt Nam.
Bộ trưởng Du lịch Thái Lan thời ông Thaksin Shnawatra làm Thủ tướng, trong vai lữ khách khi tới Đà Nẵng đứng bên núi Ngũ Hành Sơn đã phát biểu với nhà báo Thái, đăng trên chuyên san du lịch Bangkok Post: “Đến Việt Nam là phải thưởng thức các món ngon, không thể bỏ qua ẩm thực cung đình Huế, mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo Đà Nẵng. Nếu không thưởng thức ẩm thực, chuyến du lịch chỉ thành công một nửa”.
Nói tới ẩm thực Việt Nam không thể không nhắc đến phở: quốc hồn, quốc túy của người Việt. Việt Nam chọn ngày 12 tháng 12 hằng năm làm ngày Phở Việt Nam. Trong hai ngày 7 và 8 tháng 10 năm 2023, tại công viên Yoyogi, thủ đô Tokyo của Nhận Bản, ngày hội Phở Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Nhật Bản, du khách nước ngoài và cộng đồng người Việt tại đất nước Phù Tang.
Chính khách Nhật, ông Yamaguchi Natsuo, Chủ tịch Đảng Công Minh (Komei) nhận xét: “Thật là đặc biệt bởi niềm tự hào ẩm thực Việt Nam được lan tỏa từ ngày hội PHỞ”. Còn nhớ trên báo Văn, tiền thân của Tuần báo Văn nghệ Việt Nam ngày nay, từ năm 1957, nhà văn Nguyên Tuân đã tùy bút khi ông đến dự một sự kiện tại quốc gia Phần Lan: “Ngay bây giờ, bên hồ Otaniemi lạnh giá mà có một tô phở Hà Nội bốc khói nghi ngút thì còn gì bằng, xin đả ngay 6 bát luôn. Phở có hàng trăm năm nay, đi đâu, đến đâu cũng nhớ về Phở - món ăn kỳ diệu của những người Việt Nam chân chính”.
Cùng với phở, bún đậu mắm tôm xuất xứ từ Hà Nội ngàn năm văn hiến đã lan tỏa sang bên kia Thái Bình Dương. Năm 2023, phố Chinatown - Manhattan đã xuất hiện nhà hàng ẩm thực bún đậu mắm tôm thu hút hàng ngàn lượt khách Mỹ mỗi tuần. Một cô gái Hà Nội lấy chồng Mỹ đã mang ẩm thực Việt đến bên kia Thái Bình Dương - bún đậu mắm tôm làm đắm say, ngất ngây bao người, cả tây và ta! Cô gái Việt làm dâu xứ người dự định sẽ tiếp tục lan tỏa món ăn độc và lạ này đến các bang khác của Mỹ, nét tinh hoa ẩm thực Việt.
Nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến Việt Nam họ đều muốn được trải nghiệm văn hóa ẩm thực Việt. Các nguyên thủ chạy bộ, đi xe đạp bên Hồ Gươm, thưởng thức bún chả, bánh tôm, nhâm nhi ly cà phê Việt, vịnh Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Tháng 5 năm 2016, Tổng thống Mỹ Barakk Obama thăm chính thức Việt Nam. Ông đã tới quán bún chả Hương Liên nằm trên phố Lê Văn Hưu ăn bún chả đặc sản Tràng An, sau này mỗi khi du khách có dịp nếm món bún chả, ở bất cứ đâu đều gọi vui, đáng yêu “Bún chả Obama”. Thủ tướng Australia Malcolm Tumbull trước khi tham dự các hoạt động tại Tuần lễ Cấp cao APEC do Việt Nam đăng cai năm tổ chức 2017 tại Đà Nẵng đã thưởng thức bánh mì kẹp thịt, tại quán bánh mì trên đường Trần Văn Thành.
Du khách tham gia tour xuyên Việt thích thú với đặc sản địa phương: nem rán và chả cá Lã Vọng Hà Nội, chả mực Quảng Ninh, bún cá và rươi Hải Dương, mì Quảng, cao lầu Hội An, cơm gà Tam Kỳ, bánh canh Quy Nhơn, bún cá Châu Đốc - An Giang, hủ tiếu Mỹ Tho, bánh mướt An Nhất, bánh khọt, bánh bèo cô Ba Vũng Tàu. Cố đô Huế vừa có ẩm thực cung đình, vừa có ẩm thực bình dân.
Sức hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam trước hết do đất nước này có lợi thế về địa lý trải dài 3.200km bờ biển từ Bắc vào Nam. Sự khác biệt về địa hình, thời tiết, khí hậu giữa các vùng miền tạo ra sự phong phú, đa dạng của ẩm thực. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có món ăn lạ, độc đáo, đặc trưng. Các món ăn nhiều hương vị, muôn màu sắc có điểm chung, đó là sự hài hòa, ngon miệng, đẹp mắt, tốt cho sức khỏe, giàu sắc thái về truyền thống lịch sử, văn hóa.
Trên thế giới, có những quốc gia có khí hậu tương đồng nhưng không có được ẩm thực như ở Việt Nam. Là chủ nhân của nền văn minh lúa nước, người Việt “dãi nắng, dầm sương” công việc nhà nông, lo toan, trăn trở với thiên nhiên. Tâm linh người Việt, vạn vật tồn tại theo quy luật âm dương cân bằng thì vạn vật mới phát triển, trong một con người, trong từng món ăn.
Người Việt, bằng những biến tấu tinh xảo, họ chế tác ra vô vàn món ăn ngon nức tiếng từ hạt gạo. Bánh mì có nguồn gốc từ lúa mạch của phương Tây, khi đến tay người Việt họ đã phối trộn chất liệu và gia vị bỗng biến thành loại bánh mì kẹp ngon nhất nhì thế giới. Từ nền văn minh nông nghiệp đến nền văn minh kỹ thuật số - toàn cầu hóa - đã tạo ra sự thay đổi kỳ diêu về nghệ thuật ẩm thực, văn hóa ẩm thực. Ẩm thực Việt truyền thống đang chuyển mình hướng tới nền ẩm thực xanh, lối sống xanh, kinh tế xanh.
“Giàu có” vì ẩm thực Quảng
Bàn về ẩm thực Việt, không thể không nói đến ẩm thực xứ Quảng, ẩm thực miền Trung, một điểm đến ba di sản kết nối cùng nhau, với nhau, thúc đẩy tăng trưởng du lịch.
Ẩm thực Đà Nẵng được gọi là những món ăn “gây thương nhớ” nức tiếng xa gần. Người ta nói danh sách các món ngon ở Đà Nẵng nới dài như bất tận, mỗi thời điểm trong năm có những món ăn mới. Một vùng đất Đàng Trong giàu có về sản vật, đa dạng về môi trường sinh thái và tập quán ẩm thực, có quá trình giao lưu tiếp nối với cố đô Huế, đất Rồng bay - Thăng Long, với Sài Gòn Gia Định hoa lệ, vời vùng cao nguyên trù phú sản vật; với Nhật Bản và cả vùng Đông Bắc Á, mà đô thị Đà Nẵng, đô thị cổ Hội An là một tiêu biểu.
Nói đến mì Quảng là nói đến một món ăn đặc trưng, không khô mà cũng không nước, vị đậm đà, hương vị dân dã lôi cuốn. Món ăn dễ làm, hợp với người ít tiền, dễ mang theo bên người mà no bụng. Mì Quảng gà, hay mì Quảng gà trứng non, gà sả, gà ta, trộn chút bánh tráng, nước chấm, gia vị rau thơm đặc trưng thơm ngon. Các loại ếch, lươn, cá tràu, thịt heo, bê thui đều có thể chế biến mì Quảng. Lại có các món ăn cao lầu Hội An, bê thui cầu Mống, cơm gà Tam Kỳ nức tiếng thơm.
Bánh tráng cuốn thịt heo là món ăn ngon nức tiếng của Đà Nẵng, xứ Quảng. Bánh tráng được làm từ gạo nguyên chất, thịt heo săn chắc ngọt lịm, nạc và mỡ xen kẽ, luộc chín tới vừa ăn. Rau sống, củ quả thái mỏng, gói bằng bánh tráng đặc biệt, chấm cùng mắm nêm thơm ngon, đậm vị. Người viết bài này nhớ mãi một kỷ niệm đẹp mà vui.
Ngày ấy, Đà Nẵng nắng đẹp, gió biển thổi nhẹ, Chủ tịch Liên đoàn báo chí ASEAN, Chủ tịch Liên đoàn Báo chí Thái Lan Bandhit Rajavanadhanin thưởng thức món bánh tráng cuốn thịt heo dưới chân núi Ngũ Hành Sơn. Ông nhà báo Thái khen món ngon độc, lạ. Sau này, không dưới 5 lần có dịp trở về Đà Nẵng ông lại nhắc đến bữa tiệc ẩm thực bánh tráng cuốn thịt heo. Hai lần đến Đà Nẵng, ông nhờ mua món ngon này đem về Bangkok, gọi cả chục người bạn quý láng giềng đến nhà cùng thưởng thức.
Ẩm thực - Du lịch thăng hoa! Ẩm thực Quảng Nam- Đà Nẵng là vậy, độc - lạ và ngon, mỗi món một hương vị, mỗi cách chế biến, kể mãi không hết. Xin trích dẫn ý kiến của chính người bạn quý của báo chí Việt Nam, ông Bandhit Rajavadhanin đã đăng trên nhật báo Bangkok Post thay cho lời kết bài viết này: “Việt Nam và Đà Nẵng giàu có vô tận, bởi họ có nhiều món ăn ngon. Món ăn ngon là tài sản vô giá, đó chính là văn hóa ẩm thực. Việt Nam và Đà Nẵng có nền văn hóa ẩm thực. Ẩm thực thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, bền vững”.
“Ẩm thực Đà Nẵng được gọi là những món ăn “gây thương nhớ” nức tiếng xa gần. Người ta nói danh sách các món ngon ở Đà Nẵng nới dài như bất tận, mỗi thời điểm trong năm có những món ăn mới” |
PHẠM QUỐC TOÀN