Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ đã cụ thể hóa khát vọng vươn lên tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, vai trò, vị thế của thành phố, trong đó có định hướng và tầm nhìn trở thành một đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc...
Ảnh: XUÂN TƯ |
Sớm trở thành hạt nhân vùng di sản miền Trung
Qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Đà Nẵng là một đô thị trẻ có hạ tầng tốt, diện mạo ngày càng có nhiều thay đổi tích cực và tương đối hiện đại, không gian sống và làm việc được đánh giá cao ở khu vực và quốc tế; hạ tầng và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin cũng là một thế mạnh, làm tiền đề xây dựng thành phố thông minh.
Đà Nẵng hiện có tỷ lệ đô thị hóa lên đến 87,3%, cao gấp 2 lần bình quân của cả nước (42% vào năm 2022). Điều kiện hạ tầng kỹ thuật về sân bay, cảng biển, cơ sở lưu trú, hệ thống giao thông đô thị được đầu tư tương đối hiện đại cho phép Đà Nẵng đảm nhận vai trò trung tâm đón và phân phối khách du lịch. Hạ tầng thương mại được đầu tư toàn diện, bước đầu đảm nhận vai trò trung tâm phát luồng bán buôn đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên...
Thành phố có những lợi thế về các cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng tương đối tốt so với mặt bằng chung của cả nước. Quy mô kinh tế, mức độ thu hút thương mại và sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp là những chỉ báo tốt cho thấy thành phố hiện tại và tương lai là một trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Những điều trên đang từng bước khẳng định Đà Nẵng là đô thị lớn của cả nước với đầu mối giao thông quan trọng; là trung tâm kinh tế - xã hội đầu tàu, động lực phát triển của vùng, đi đầu trong hội nhập quốc tế.
TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đánh giá Đà Nẵng là một đô thị có vị trí đẹp bên bờ sông Hàn và bên bờ Biển Đông. Thiên nhiên đã ưu đãi nhiều lợi thế về cảnh quan đẹp, nổi tiếng như đèo Hải Vân - “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, Non Nước - Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà. Hơn nữa, Đà Nẵng lại ở giữa vùng có 3 di sản văn hóa thế giới là cố đô Huế, đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn… Đây là những lợi thế hiếm có của một đô thị biển. Hơn nữa, trong phạm vi khu vực và quốc tế, Đà Nẵng nằm ngay trên một trong những tuyến đường biển và hàng không quốc tế nên có một vị trí đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững. Thời gian qua, Đà Nẵng đã phát triển mạnh và tương đối thành công.
Với ý tưởng lấy vịnh Đà Nẵng và sông Hàn làm bố cục chủ đạo trong tổ chức không gian đô thị, Đà Nẵng được mở rộng không gian về phía tây, tây bắc, tây nam, nam và đông nam. Đồng thời mở rộng đô thị trên cơ sở xây dựng các đô thị vệ tinh và phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng để từng bước hình thành chùm đô thị vệ tinh Đà Nẵng. Trong tương lai gần sẽ hình thành vùng đô thị Đà Nẵng gồm: Chân Mây (Lăng Cô, Thừa Thiên Huế) - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Nam Hội An (Quảng Nam) đóng vai trò là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. TS.KTS Trương Văn Quảng cũng chia sẻ: “Theo ý kiến của nhiều chuyên gia quy hoạch, vùng đô thị Đà Nẵng sẽ sớm trở thành hạt nhân của vùng di sản miền Trung”.
Ảnh: PHẠM PHÙNG |
3 vùng đô thị đặc trưng và 1 vùng sinh thái
Theo định hướng phát triển không gian đô thị trong Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn thành phố được tổ chức theo 3 vùng đô thị đặc trưng và vùng sinh thái với 12 phân khu. Theo đó, vùng đô thị ven mặt nước ở dọc bờ biển phía đông thành phố và vịnh Đà Nẵng, ven các con sông trong thành phố với 3 phân khu là ven sông Hàn và bờ đông có diện tích rộng 6.644ha, ven vịnh Đà Nẵng rộng 1.530ha và cảng biển Liên Chiểu rộng 1.285ha. Vùng đô thị lõi xanh nằm giữa thành phố với 4 phân khu: công nghệ cao (5.585ha), trung tâm lõi xanh (4.775ha), đổi mới sáng tạo (3.903ha) và sân bay (1.327ha). Vùng đô thị sườn đồi có đặc trưng là không gian mở rộng, lớn ven sườn các đồi núi phía tây với 3 phân khu gồm: đô thị sườn đồi (2.729ha), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (2.986ha), dự trữ phát triển (5.858ha).
Vùng sinh thái bao gồm khu vực rừng, núi và đồi phía tây (từ dãy núi Bạch Mã - Hải Vân qua các xã Hòa Bắc, Hòa Liên nối liền dãy núi Bà Nà qua các xã Hòa Ninh, Hòa Phú đến Hòa Khương); khu vực bán đảo Sơn Trà và huyện Hoàng Sa; khu vực các sông và hồ cùng với đường bờ biển dài trong vùng sinh thái. Vùng sinh thái có 2 phân khu gồm: phân khu sinh thái phía tây (57.692ha) và phân khu sinh thái phía đông (gồm huyện Hoàng Sa và bán đảo Sơn Trà với diện tích 4.232ha). Không gian đô thị cũng được định hình phát triển theo hướng điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm (quận Thanh Khê và Hải Châu) thành phát triển đa cực; phát triển toàn thành phố Đà Nẵng trở thành một điểm du lịch lớn.
Với ý tưởng lấy vịnh Đà Nẵng và sông Hàn làm bố cục chủ đạo trong tổ chức không gian đô thị, Đà Nẵng được mở rộng không gian về phía tây, tây bắc, tây nam, nam và đông nam. Đồng thời mở rộng đô thị trên cơ sở xây dựng các đô thị vệ tinh và phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng để từng bước hình thành chùm đô thị vệ tinh Đà Nẵng. |
Bên cạnh khu vực đô thị trung tâm, thành phố phấn đấu xây dựng huyện Hòa Vang phát triển đạt tiêu chí đô thị loại 4, 80% xã đủ điều kiện trở thành phường và đủ điều kiện thành lập thị xã trong thời gian sớm nhất. Hướng phát triển đô thị mới là về phía tây, tây bắc thành phố.
Đến năm 2030, khu vực đô thị hóa được xác định tại 9 xã của huyện Hòa Vang gồm: Hòa Khương, Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Sơn và một phần xã Hòa Ninh; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%...
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng cho hay: “Hòa Vang sẽ phát triển theo hướng đô thị sinh thái và có bản sắc riêng. Huyện đang tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm xây dựng huyện đạt 18 chỉ tiêu còn lại (trong số 63 chỉ tiêu) để hoàn thành các tiêu chí đô thi loại 4 vào năm 2025 và được công nhận thị xã trong thời gian sớm nhất với khát vọng “Phải làm cho Hòa Vang trở thành một chấm son trên bản đồ của Tổ quốc!” như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu”.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đinh Thế Vinh cho hay, thời gian qua, thành phố đã tập trung cao cho công tác xây dựng nội dung Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đúng các quy định của pháp luật, các quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và phù hợp với các yêu cầu của bối cảnh mới. Đồng thời, có tầm nhìn dài hạn, giải pháp phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của thành phố trong tổ chức không gian đô thị, lãnh thổ kinh tế - xã hội cũng như xây dựng các kế hoạch phát triển thành phố ngày càng khang trang, hiện đại, bền vững và đạt các mục tiêu, tầm nhìn trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế.
HOÀNG HIỆP