Bảo vệ trẻ trước nạn xâm hại

Theo thống kê của Công an thành phố Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn đã xảy ra 6 vụ án xâm hại trẻ em, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Đầu năm 2017, do quen biết trên mạng xã hội với em D.T.T.N (16 tuổi, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), đối tượng Bùi Văn Đinh (25 tuổi, ở Thừa Thiên Huế) đã rủ N. đi chơi rồi chở em về phòng trọ của mình và quan hệ tình dục 2 lần. Sau đó, Đinh bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Liên Chiểu bắt tạm giam về hành vi “giao cấu với trẻ em”.

Trong tháng 6, cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Liên Chiểu cũng bắt khẩn cấp đối tượng Lê Tấn Tài (46 tuổi, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) về hành vi hiếp dâm bé gái 7 tuổi. Trước đó, mặc dù bé không dám nói nhưng thấy con có biểu hiện khác thường, gia đình em phát hiện con bị xâm hại và tố cáo với cơ quan công an.

Theo Thượng tá Đặng Ngọc Việt, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an thành phố Đà Nẵng, đó chỉ 2 trong số 6 vụ án xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng từ đầu năm đến nay. Trong đó, có 4 vụ giao cấu với trẻ em, 1 vụ hiếp dâm trẻ em và 1 vụ cố ý gây thương tích với trẻ em. 100% nạn nhân đều là nữ, trong đó độ tuổi từ 13 đến dưới 16 tuổi chiếm hơn 83%. Địa bàn xảy ra tội phạm xâm hại trẻ em chủ yếu tập trung ở những vùng ven như quận Cẩm Lệ, quận Liên Chiểu. Thượng tá Đặng Ngọc Việt cho biết, tất cả đối tượng xâm hại trẻ em đều là nam giới, trong độ tuổi từ 17-25 và không có nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp nhưng không ổn định. Trong đó, nổi lên là tình trạng các đối tượng thông qua mạng facebook làm quen, đặt vấn đề tình cảm với nạn nhân rồi thực hiện hành vi phạm tội.

Thượng tá Đặng Ngọc Việt cho biết, việc phát hiện và xử lý các vụ việc rất khó khăn bởi gia đình ít tố giác và nếu tố giác thì chứng cứ cũng không còn. “Vẫn còn nhiều gia đình thiếu hiểu biết đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ trẻ bị xâm hại và thiếu quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ. Trẻ em bị xâm hại thường ở khu vực có đông người lao động nghèo và địa bàn vắng. Số vụ xâm hại trẻ em được báo cáo đến cơ quan chức năng thường được phát hiện chậm, dẫn đến thu thập chứng cứ khó khăn, đối tượng không nhận tội hoặc đã bỏ trốn”, Thượng tá Đặng Ngọc Việt nói; đồng thời cho rằng phải chú trọng việc tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp các gia đình, cộng đồng về kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại.

Theo bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, trẻ em không chỉ bị xâm hại tình dục mà còn bị ngược đãi, bóc lột. “Giải quyết tốt vấn đề việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động, giảm nghèo là điều quan trọng để trẻ em không bị sa vào các tụ điểm xấu và có hành vi vi phạm pháp luật”, bà Hồng nói. Bà Mai Thị Liền, Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ thêm: “Cần thêm nhiều khu vui chơi cho trẻ em và giao cho Đoàn Thanh niên khu dân cư hướng dẫn sinh hoạt lành mạnh, bổ ích để trẻ em lánh xa các tệ nạn xã hội và phòng tránh nguy cơ bị xâm hại”.

P.V

;
.
.
.
.
.