Đi qua sự tàn khốc của chiến tranh, không phải người phụ nữ nào cũng may mắn được sống, được làm vợ, làm mẹ. Nhưng cuộc đời mỗi người dù có thế nào đi nữa, chỉ cần nghĩ về những năm tháng gian khổ mà oai hùng đã đi qua, những người còn lại hôm nay luôn thấy mình tràn một niềm tin vào cuộc sống.
Bà Đặng Thị Lan cùng ông Nguyễn Ngọc Khải - người chính trị viên Huyện đội (quê Ninh Bình) năm xưa trong cuộc tìm về đồng đội tại Hòa Vang năm 2016. |
Như chuyện hôm qua...
Theo chân ông Lê Chước, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang chúng tôi đến nhà bà Đặng Thị Lan, thương binh 1/4 (sinh năm 1950) ở thôn 5, xã Hòa Khương vào một buổi sáng tháng 7 chói chang.
Bà Lan ngồi ngoài sân, với những câu chuyện không đầu không cuối về bom rơi, đạn nổ, chuyện tra tấn. Ông Đặng Lai (sinh năm 1959, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần kỹ thuật Ban Chỉ huy Quân sự quận Thanh Khê) - em trai bà Lan, nhìn bà đầy thương quý: “Chẳng biết do tiết trời tháng 7 nóng nhất trong năm nên ảnh hưởng đến tâm trí của chị, hay tại đây là thời điểm ký ức buồn thương của chiến tranh ùa về mà cứ độ thời gian này là chị lên cơn động kinh liên tục, khóc đó rồi cười đó, nói toàn những chuyện bom mìn, đạn pháo, chiến đấu, tù đày”.
Bà Lan nguyên là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 2, Huyện đội Hòa Vang năm 1972. Khi tỉnh táo, trong câu chuyện của bà nói về đồng đội, bà không thể nào quên trận đánh cấm Chu Hương, thôn An Tân, xã Hòa Thượng (nay là thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong) do chị Nguyễn Thị Xuân Mai, Trung đội trưởng, chỉ huy vào 28-1-1973. Trận đó, chị Mai hy sinh anh dũng cùng 2 nữ chiến sĩ. Chị ra đi mang theo một tình yêu dang dở với anh chính trị viên Huyện đội. Trước trận đánh, Mai như có linh cảm về sự hy sinh sắp tới nên cứ đòi về quê thăm cha mẹ, thăm em một chuyến.
3 năm qua, theo sự kết nối của đồng đội, anh chính trị viên Huyện đội Hòa Vang tên là Nguyễn Ngọc Khải năm xưa đã từ quê Ninh Bình về Hòa Vang, tìm đồng đội cũ. Lần nào anh Khải cũng vào Nghĩa trang Liệt sĩ xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) thắp nén hương tưởng nhớ chị Mai sau hàng chục năm ngưng tiếng súng. Câu chuyện năm xưa như vừa mới diễn ra, đong đầy thương tiếc…
Bà Hồng (bìa phải) cùng các đồng đội trong đội thiếu niên vùng 4 xã Hòa Hải trong chiến tranh. (Ảnh: Thanh Tân chụp lại ảnh tư liệu nhân vật cung cấp) |
Không giống như bà Lan, chiến tranh thường ập về rõ nét trong những ngày trái gió trở trời, trong những cơn động kinh dai dẳng, với bà Phạm Thị Tám (thương binh 1/4, sinh năm 1950, trú tại 60 Hồ Huân Nghiệp, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn).
Mấy chục năm trôi qua, bà vẫn nhớ như in những đêm lội suối, đi rừng, dưới là đá, nước, trên vai là gùi tải nặng, trên đầu thì trực thăng vòng quanh. Bà Tám tham gia chiến trường tại đơn vị Hà Trung (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) với vai trò hậu cần, tải gạo, tải đạn, tải thương… Người ta nói “thời gian có thể xóa mờ vết thương” nhưng với bà, càng sống lâu bà càng nhớ.
“Lần đó, 5 chị em trong đội nhận được lệnh tải gạo ra tiền tuyến, vừa mới đi được vài cây số thì…”, nói đến đó, bà Tám nghẹn ngào. “Lúc mấy bà ấy đi được một đoạn thì địch phục bắn. Bà ấy may mắn nhảy xuống sông, mấy chị đi sau nên lùi lại kịp, chỉ có một cô đi kế bà ấy vì quá bất ngờ nên không kịp núp, bị giặc thả lựu đạn hy sinh tại chỗ…”, chồng bà Tám tiếp lời. Sau trận ấy bà Tám bị thương, ai cũng tưởng chết, đã có giấy báo tử gửi về quê. Bà nằm trong núi 3 ngày không ăn uống, cánh tay có giòi, hoại tử phải chặt bỏ. Hòa bình, bà về quê mới biết cha mẹ đã lập bàn thờ cho mình mấy năm.
Thương binh 4/4 Trần Thị Hồng (67 tuổi, trú tổ 8A, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) tham gia phong trào cách mạng tại địa phương từ năm 1963 (khi mới 15 tuổi). Trong đội thiếu niên vùng 4 xã Hòa Hải khi đó, thiếu niên Trần Thị Hồng làm nhiệm vụ đưa cơm, đặt mìn, cảnh giới cho quân giải phóng. Từ năm 1967 đến năm 1975, bà Hồng làm công tác địch vận của xã Hòa Hải.
Bằng sự khéo léo, tinh nhạy, cùng giọng hát ngọt ngào, Hồng đã khiến cho hàng trăm lính ngụy quay đầu. Nhiều lần bị địch bắt, bị giam, tra tấn khắp các nhà lao Kho Đạn, Thanh Bình, Gia Long... cho đến tận nhà lao Thủ Đức (Sài Gòn), song, bà Hồng vẫn cho rằng, bản thân may mắn hơn rất nhiều đồng đội, vì thời gian bà bị bắt giam các nhà lao, lâu nhất “cũng chỉ 1 năm”, với những màn tra tấn “có thể cắn răng chịu được”. Còn theo những câu chuyện bà được biết, được nghe ngày ấy về những gì các nữ tù bị chỉ điểm rồi bị bắt phải chịu thực sự quá kinh hoàng. Nhiều nữ tù chỉ ước được chết, thay vì bị bắt, bị lọt vào tay quân giặc man rợ...
Bà Trương Thị Sáu (sinh năm 1956, trú đường Thanh Sơn, phường Thanh Bình, quận Hải Châu), vào đội du kích địa phương (vùng B Đại Lộc) từ năm 14 tuổi (năm 1970) vì cứ “ham cầm súng đánh giặc”, dù biết rằng, làm du kích ngày ấy hầu như “chẳng ai sống sót nổi”. Bởi, bọn địch sợ nhất, ghét nhất là du kích, phương châm của chúng là: nếu bắt được Việt cộng có thể tha, nhưng “bắt được du kích, phải chặt đầu ngay”!
Cả nhà bà Sáu có 6 anh chị em thì ba anh chị cùng người cha già đều mất trong chiến tranh; nhà cô, nhà cậu của bà Sáu cũng không còn ai. Bà Sáu kể, ngày đó, bộ đội miền Bắc hy sinh rất nhiều. Đồng đội của bà, có khi mất đến 2-3 người trong một ngày.
Nhiều lúc nhiệm vụ cấp bách, tình thế nguy cấp, không có thời gian để chôn cất đồng đội đã hy sinh, không cả được khóc, được buồn! Và, trong những năm tháng ác liệt ấy, điều bà Sáu ám ảnh nhất có lẽ là những bữa cơm chia tay: Mỗi khi có đồng đội đi nhận nhiệm vụ, đội sẽ tổ chức bữa cơm chia tay, vì chiến tranh “lành ít dữ nhiều”, những người đi thường không trở lại. Đời du kích của bà Sáu không biết đã bao lần bưng bát ăn chan đầy nước mắt chia tay như thế.
Sống mãi với lý tưởng thời hoa lửa
Trong những năm tháng đạn bom, những người phụ nữ như bà Lan, bà Tám, bà Hồng, bà Sáu từng thuộc lòng tâm niệm “sống ngày nào chiến đấu ngày đó”, nay có lẽ thấm hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình, giá trị được sống. Họ luôn nghĩ đến bao đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống, không được hưởng dẫu chỉ một bông hoa tươi thắm, một lời trao gửi yêu thương. Trong chiến tranh họ quên mất mình là phận nữ nhi chân yếu, tay mềm. Thời bình, họ khí khái, đầy lòng tự trọng!
Giải ngũ khi mới 27 tuổi, mặc cảm vì mất một cánh tay, không muốn trở thành gánh nặng cho bất kỳ ai, bà Tám tự nhủ sẽ sống đơn chiếc cho đến cuối đời. Vậy mà, may mắn mỉm cười với bà, khi năm 42 tuổi, bà đã gặp được tình yêu của đời mình và cùng năm đó bà mang thai. “Cả hai vợ chồng đều tham gia quân ngũ, tôi bị thương tích đến 80%, ông ấy thì chất độc da cam nhưng may là đứa bé hoàn toàn bình thường. Đó là niềm an ủi lớn nhất của tôi”, bà Tám trải lòng.
Với bà Trương Thị Sáu, gặp lần đầu có lẽ không ai biết bà mang trong mình hàng chục mảnh bom, có mảnh dính sát xương, mỗi khi trái gió, trở trời đau không nhấc chân đi được. Ấy vậy mà, chỉ trừ những khi nhớ về đồng đội đã hy sinh, tiếp chuyện chúng tôi, bà Sáu luôn cười tươi rói, luôn xông xáo trong các phong trào địa phương. Hay như vợ chồng bà Trần Thị Hồng - vợ là thương binh 4/4, chồng thương binh loại 1, thuộc diện được Nhà nước cấp đất làm nhà, nhưng vợ chồng bà Hồng quyết “bàn tay ta làm nên tất cả”. Hiện vợ chồng bà có một cơ ngơi nhà cửa khá khang trang, ngoài ra, hằng tháng còn phụ giúp 3 người con còn khó khăn của mình.
Những người phụ nữ mà chúng tôi gặp được dịp này, day dứt nhất là hình ảnh của thương binh nặng Đặng Thị Lan. Hòa bình lập lại, mang trong mình hàng chục vết thương, bà Lan ra Hà Nội điều trị, sau đó về an dưỡng tại Hội An. Thời điểm ấy, dù chỉ mới 24 xuân xanh nhưng tỷ lệ thương tật trên 81% đã cản trở bà đi tìm hạnh phúc. Ông Lai ngậm ngùi: “Chị Lan là thương binh loại đặc biệt, hằng tháng, chế độ của chị rất cao. Mà cao cũng có ăn uống chi được. Chị mất ngủ triền miên, mười mấy năm ni rồi, phải uống thuốc ngủ miết. Hai, ba năm trở lại đây thì hầu như không ngủ”.
Những phụ nữ tham gia chiến trường ngày ấy mỗi bận gặp nhau, họ chỉ ôm nhau mừng mừng tủi tủi kể lại chuyện chiến tranh. Bằng những câu chuyện tiếp nối, có thể lặp đi lặp lại hàng trăm lần, là cách để họ luôn động viên nhau rằng, cuộc đời mỗi người có thế nào đi nữa, chỉ cần nghĩ về năm tháng gian khổ mà oai hùng đã đi qua, là họ lại thấy mình tìm được điểm tựa vững chãi nhất, tràn một niềm tin vào cuộc sống.
Theo thống kê của Hội Cựu chiến binh thành phố, hiện có 3.466 cựu chiến binh nữ đang sinh sống trên địa bàn Đà Nẵng. Trừ một số cán bộ, quân nhân về hưu mới kết nạp, phần lớn họ là những thanh niên xung phong, du kích, nữ biệt động thành... đã tham gia trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. |
Thanh Tân - Quỳnh Trang