Xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục ngày càng nghiêm trọng. Song làm sao bảo vệ trẻ trước nạn xâm hại vẫn là nỗi lo canh cánh của nhiều bậc phụ huynh khi có quá ít hoạt động, trò chuyện, tư vấn kỹ năng tự bảo vệ phòng chống xâm hại ở trẻ.
Tại buổi tọa đàm do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hải Châu tổ chức, các em tham dự đều bày tỏ mong muốn được bố mẹ đối xử bình đẳng và tôn trọng, yêu thương. |
Nhiều kiểu xâm hại
Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn tâm lý, TS Nguyễn Thị Hằng Phương, giảng viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) không khỏi xót xa với những câu chuyện trẻ bị xâm hại. TS Nguyễn Thị Hằng Phương kể, mới đây, một giáo viên lớp 1 gọi điện nhờ tư vấn về việc học sinh của mình bị hàng xóm xâm hại. Ngay khi bị xâm hại, em không hề nói với cha mẹ vì sợ bị đánh. Mãi đến một tháng sau, ba mẹ em đi vắng, em sang nhà cô giáo ngủ một đêm, cô trò tâm sự nhiều chuyện và em kể cho cô nghe. Bây giờ em bé đó sắp vào lớp hai, tâm lý vẫn chưa ổn định dù đã có nhiều buổi trò chuyện cùng giáo viên tâm lý, cô giáo và gia đình.
Điều đáng nói, xâm hại tình dục trẻ em còn xảy ra ngay chính trong gia đình. Chuyên viên tư vấn tâm lý Quách Nguyễn Hiền Hà (Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng) chia sẻ đã từng tư vấn khá nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại bởi chính người thân. Mới đây, chị tiếp nhận bé gái học cấp 1 bị chú ruột (20 tuổi) ở cùng nhà xâm hại nhiều lần. Bé hoảng sợ, đau đớn nhưng không dám kể ai vì người chú đe dọa. Nhìn thấy bé ngày một sa sút, xanh xao, người mẹ hỏi mãi bé mới kể.
Theo TS Hằng Phương, những chuyện kiểu như thế này rất nhiều và con số báo cáo trên thực tế chỉ là bề nổi. “Chúng ta thường nghĩ xâm hại tình dục mới là xâm hại, nhưng trên thực tế, xâm hại có thể xảy ra bằng nhiều biểu hiện, ở nhiều mức độ khác nhau. Các hành vi có sự động chạm cơ thể từ “nhẹ” như ôm ấp, hôn, vuốt ve... đến “nặng” như cởi quần áo, sờ mó, cấu véo vùng kín của trẻ đều được xem là hành vi xâm hại”, TS Hằng Phương tâm sự.
Không chỉ xâm hại về mặt tình dục, trẻ em còn bị xâm hại về mặt tinh thần. Các chuyên gia tâm lý cho biết điều này xảy ra hằng ngày và gây tổn thương nặng nề đến tâm lý trẻ em. Ví dụ, ba mẹ la mắng trẻ nhiều, con làm sai gì đó hoặc không như ý muốn là bị chửi rủa: “Mày không làm gì nên hồn/cái loại chân tay nọ kia...”. Nhiều đến mức trẻ ngủ thì thôi, còn tỉnh dậy là lại bị mắng. Có lúc con cố ngoan rồi nhưng vẫn không vừa lòng cha mẹ. Từ đó, con cảm giác thất bại, buồn bã, đến khi ba mẹ tỏ ra yêu thương con cũng không cảm nhận được nữa. Người lạ/người khác đến và cho con lời khen, động viên, khuyến khích... tự dưng con thấy ấm lòng và bị nghe theo họ.
“Về mặt tâm lý, cứ bị chê trách, bị xỉ vả, miệt thị và đánh đập ngay trước mặt bạn bè thì trẻ đều thấy mất giá trị, không được yêu thương, cảm thấy bị ra rìa và tình huống xấu nhất là trầm cảm nặng phải tìm đến cái chết. Đồng thời, bị xâm hại tinh thần quá nhiều, cho nên đến khi bị xâm hại thể chất trẻ cũng không ý thức được và cũng không dám nói. Nếu ngay trong hoàn cảnh bình thường mà trẻ em không cảm thấy được tôn trọng thì khi vụ việc xâm hại xảy ra, tâm lý sợ bị quở trách dẫn đến hành vi giấu giếm, im lặng chịu đựng là điều dễ hiểu”, chuyên viên Hiền Hà phân tích thêm.
Bảo vệ trẻ thế nào?
Trước tình trạng xâm hại tình dục ngày càng nghiêm trọng, nhiều bậc phụ huynh chỉ biết tự bảo vệ con mình bằng những kiến thức sơ đẳng nhất mà mình biết được. Chị Kim Anh (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) chia sẻ, ngày nào cũng cố gắng chơi trò chơi cơ thể để kết hợp dặn dò các con. Chẳng hạn như chơi trò “điểm danh” cơ thể: đây là nách con này, đây là ngực con này, đây là rốn con này, đây là bộ phận sinh dục của con này... “Những bộ phận nhạy cảm tôi đều cho con biết không được để ai chạm vào. Tuy nhiên, con không thể ở cùng mình 24/24 giờ, vì thế tôi luôn cảm thấy lo lắng”, chị Kim Anh thở dài.
Chia sẻ về cách bảo vệ trẻ trước xâm hại, TS Hằng Phương cho rằng, về phía gia đình, bố mẹ phải luôn luôn ở bên con và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con; làm bạn cùng con và tạo sự tin tưởng thì con mới chia sẻ mọi việc; chính các bố mẹ thay đổi quan điểm khi nói chuyện với trẻ về giới tính, về cách cưng nựng các vùng nhạy cảm của các con...
Trong khi đó, chuyên viên tư vấn tâm lý Hiền Hà nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong bảo vệ trẻ em. Theo đó, thời gian trẻ em ở trường khá nhiều và tiếp xúc thường xuyên với giáo viên. Vì thế, nên chú trọng đầu tư con người, nâng cao kiến thức tâm lý và mỗi giáo viên chủ nhiệm cũng đóng vai trò nhân viên tâm lý để hiểu các em hơn. Ngay từ trường mầm non cần dạy các cháu cách phòng vệ trước kẻ xấu, các cấp lớn hơn cần đưa giáo dục giới tính là một trong những bài học quan trọng để giúp trẻ phát triển an toàn, hình thành nhân cách và phòng vệ. Đồng thời, các cơ quan liên quan đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, quyền trẻ em cần phối hợp chặt chẽ, đồng nhất các giải pháp trong triển khai hoạt động để mang đến hiệu quả cao nhất. “Có đến 9 cơ quan liên quan đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, nhưng mỗi nơi làm một kiểu, cứ chồng chéo và không đi vào chiều sâu”, chuyên viên Hiền Hà chia sẻ.
Bài và ảnh: HÀ THU