Gỡ khó để doanh nghiệp bảo vệ môi trường tốt hơn

.

Các tiêu chuẩn về môi trường còn nhiều nhập nhằng, chi phí để thực hiện đánh giá tác động môi trường (gọi tắt là ĐTM) còn cao; doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xử lý chất thải rắn… là những vấn đề được nêu lên tại hội nghị “Đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững khu vực miền Trung” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 18-8 tại Đà Nẵng.

Doanh nghiệp có vai trò và trách nhiệm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Doanh nghiệp có vai trò và trách nhiệm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Đại diện Công ty TNHH Hóa chất Trường Hữu Phát (Khu công nghiệp Hòa Khánh) cho rằng, hiện nay chi phí để thực hiện ĐTM còn cao, ít nhất phải từ 100 triệu đồng trở lên cho một lần làm hồ sơ, tùy theo quy mô đơn vị. Không những thế, mỗi lần doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, quy mô của đơn vị lại phải làm lại hồ sơ từ đầu về ĐTM, rất tốn thời gian và chi phí. “Công ty chúng tôi ra đời năm 2009, thời điểm đó đã hoàn thiện hồ sơ về ĐTM nhưng đến năm 2014 khi mở rộng quy mô chúng tôi phải làm lại, sang năm 2015 khi một lần nữa nâng cấp chúng tôi tiếp tục lần thứ 3 làm lại từ đầu hồ sơ về ĐTM. Nếu được, chúng tôi mong muốn mỗi lần mở rộng quy mô hoạt động, doanh nghiệp chỉ cần bổ sung, cập nhật thêm vào hồ sơ ĐTM đã có sẵn nhằm giảm bớt thời gian và chi phí”, đại diện doanh nghiệp này kiến nghị.

Đồng quan điểm trên, ông Hồ Nghĩa Tín, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thép Dana - Ý cho rằng, trước đây hồ sơ ĐTM chủ yếu hướng đến mục tiêu phải làm sao giải quyết giữa lợi ích của doanh nghiệp với bảo vệ môi trường xanh, sạch, an toàn; còn bây giờ, theo xu thế mới, ĐTM còn hướng đến tái sản xuất và sử dụng chất thải của doanh nghiệp. Ông Tín nêu lên thực tế, chất thải thải ra từ công ty chủ yếu là chất thải rắn. Xu thế chung trên thế giới hiện nay là chất thải rắn được tái chế thành vật liệu cho các công trình xây dựng. Tuy nhiên, công nghệ này tại Việt Nam hiện còn hạn chế nên công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác chuyên nghiệp trong việc xử lý và tái chế chất thải rắn đã thải ra.

Ở một khía cạnh khác, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Thủy sản Thuận Phước cho biết, ngay từ những năm đầu mới thành lập doanh nghiệp đã quan tâm đến việc xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, đầu tư hơn 1 triệu USD cho hệ thống xả thải. Tuy nhiên, các chính sách, khung tiêu chuẩn về môi trường hiện nay còn khá nhập nhằng, chưa có sự xuyên suốt nên làm khó doanh nghiệp. Về lâu dài, nên có thêm nhiều kênh thông tin về pháp luật môi trường để doanh nghiệp cập nhật kịp thời. Đồng thời, cần có những quy định cao và cụ thể hơn về chất lượng của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn về pháp luật môi trường nhằm tư vấn cho doanh nghiệp thiết thực và gắn với thực tế thay vì còn nặng về lý thuyết như hiện nay.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước đã đối thoại thẳng thắn về các vấn đề gắn bó chặt chẽ với hoạt động của doanh nghiệp như đánh giá tác động môi trường; hồ sơ xả thải vào nguồn tiếp nhận, xử lý chất thải nguy hại; ký quỹ phục hồi khai thác khoáng sản; các vấn đề về thanh tra, kiểm tra… Qua đó, góp phần giúp cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Trước những ý kiến của doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin về một số nét mới trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa được thông qua, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2018; trong đó đưa ra những định lượng cụ thể về tội phạm môi trường như quy định cụ thể lưu lượng thải chất thải, số lần vượt quy chuẩn để làm khung xử phạt. Đơn cử, các doanh nghiệp xả thải từ 100m3/ ngày đêm trở lên đã nằm trong khung xử lý hình sự, tùy theo mức vi phạm có thể bị phạt tù từ 3-5 năm.

“Với những quy định mới, từ nay tội phạm môi trường tùy theo mức độ vi phạm sẽ xử lý hình sự thay vì chỉ xử phạt hành chính bằng phạt tiền như trước. Sự thay đổi này sẽ mang tính răn đe cao hơn, đồng thời cảnh tỉnh doanh nghiệp trong việc bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh doanh với bảo vệ môi trường”, ông Hoàng Văn Thức cho biết.

Bài và ảnh: Mẫu Đơn

;
.
.
.
.
.