Theo gương Bác

Gương sáng cựu chiến binh

Từng tham gia cách mạng từ kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia..., người cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đình Ngật (ở phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) tiếp tục phấn đấu, cống hiến khi trở về với đời thường.

Sau khi nghỉ hưu (năm 2001), ông Ngật hăng hái tham gia công tác địa phương với nhiều cương vị như: Bí thư chi bộ, Chi hội trưởng Người cao tuổi, Chi hội trưởng CCB, Ủy viên Ban chấp hành Hội CCB phường Hòa Thuận Tây. Nhiệm vụ nào ông cũng nêu cao sự nhiệt tình, tâm huyết, năng nổ, sáng tạo...

Chi hội CCB và Chi hội Người cao tuổi do ông Ngật làm Chi hội trưởng có nhiều hoạt động về văn nghệ, thể thao, giáo dục lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ. Hằng năm, ông Ngật lồng ghép phong trào “CCB gương mẫu” và phong trào “Tuổi cao gương sáng” với các công tác của khu dân cư; động viên 100% hội viên hưởng ứng mô hình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; vận động gia đình hội viên gương mẫu thực hiện nếp sống văn hóa - văn minh đô thị. Người CCB già đã nhiều lần tham gia giao lưu, nói chuyện truyền thống với các trường học và các tổ chức thanh niên tại quận.

Nhiều người thường nhắc đến ông Nguyễn Đình Ngật với thành quả xây dựng mô hình “Tuyến đường bình yên” trên đường Nguyễn Tri Phương, đoạn từ ngã ba Công ty Vạn Tường đến ngã ba Tân Lập. Trước đây, đoạn đường này khá phức tạp về an ninh trật tự và thường xảy ra tai nạn giao thông. Với cương vị Chi hội trưởng CCB của khu phố, ông Ngật đã đến vận động từng gia đình CCB, từng hộ dân không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không che chắn làm khuất tầm nhìn của lái xe; những hộ cho thuê mặt bằng kinh doanh cần làm cam kết không vi phạm các quy định về an ninh trật tự, an toàn giao thông… Hằng tuần, các chi hội trưởng CCB dọc hai bên đường Nguyễn Tri Phương cùng đi kiểm tra, hễ thấy điều gì chưa tốt lại trao đổi để thống nhất biện pháp khắc phục.

Không những vậy, trong những năm quân ngũ cũng như sau khi nghỉ hưu, ông dày công tìm tòi, nghiên cứu, bền bỉ tự học chữ Hán Nôm và trở thành người am hiểu về Nho học. Trên cương vị Phó Giám đốc Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng, ông và các đồng sự đã dịch thuật, hiệu đính, thẩm định hàng trăm văn bản chữ Hán Nôm, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng trong quá trình biên soạn “Kỷ yếu Hoàng Sa” - tập sách do UBND huyện Hoàng Sa ấn hành, khẳng định Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ lâu đời.

Hằng năm, ông Ngật trực tiếp phụ trách chương trình dạy chữ Hán Nôm miễn phí của Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng và ông cũng là một trong những giáo viên giảng dạy chủ chốt. Bất kể mưa nắng ông đều đến lớp, tận tình chỉ dẫn cho học viên từng ly từng tí. Không chỉ vậy, nhiều giáo viên khi cần tìm hiểu điều gì đó cũng đều nhờ cậy vị “lão Nho” này. Đặc biệt, ông Ngật đã dịch và giới thiệu nhiều văn bản bằng chữ Hán nói về Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, thiết thực góp phần tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Đăng Hải, ông Ngật là tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là trên lĩnh vực xây dựng xã hội học tập.

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.