Nhọc nhằn phận nữ phụ hồ

.

Trên các công trường xây dựng, giữa mù mịt bụi và nồng nặc xi-măng, những “bóng hồng” vẫn hì hục khuân vác, xúc cát, trộn vữa, cột dây kẽm giàn sắt đổ bê-tông… như “đàn ông đích thực”.

Trong bộ quần áo bạc phếch, những nữ phụ hồ vẫn rất đẹp với đôi mắt lạc quan và đầy nghị lực sống. 			Ảnh: Q.TR
Trong bộ quần áo bạc phếch, những nữ phụ hồ vẫn rất đẹp với đôi mắt lạc quan và đầy nghị lực sống. Ảnh: Q.TR

1. Bước ra từ đống gạch vữa, trong 2, 3 lớp quần áo, mũ, khẩu trang kín mít từ đầu đến chân, chẳng thể đoán được người phụ nữ đứng trước mặt tôi bao nhiêu tuổi. Chưa kịp hỏi, thợ chính trên lầu đã nói vọng xuống: “Tời gạch, đá lên cô Thương ơi!”. Vừa nghe “hiệu lệnh”, người phụ nữ tên Thương nhanh nhẹn xếp gạch chất đầy lên chiếc xe rùa rồi kéo tời.

Tời gạch xong, chị quay qua thoăn thoắt cột kẽm, xúc cát. Lúc mệt quá, người đàn bà này chỉ đứng phe phẩy chiếc nón lấy hơi chứ chẳng dám ngồi cà kê. Hỏi sao chọn cái nghề cực dữ vậy, chị cười xa xăm:

“Hồi còn con gái nhà cực quá, ước lớn lên làm nghề thợ xây, xây cái nhà cho ba má nên theo anh em trong xóm đi phụ hồ từ hồi 17, 18 tuổi. Từ cái hồi công phụ 9 đồng 1 ngày kia, giờ lên 240.000 đồng/ngày, thấm thoắt cũng bốn chục năm rồi”. Vừa dứt câu, “chị” rổn rảng: “Mà không phải “chị” đâu nghe. “Cô” đó. Cô năm ni 57 tuổi, làm sui rồi, có cháu nội, cháu ngoại rồi”.

Cô tên Nguyễn Thị Thương (trú quận Sơn Trà). Gắn bó đến 40 năm, hẳn người phụ nữ này ngoài mưu sinh còn phải yêu công việc của mình lắm. Hỏi cô, cô bảo: “Tụi bây văn vẻ nói yêu, nói thương chớ cô chẳng biết nói như rứa.

Chỉ biết sau chuỗi thời gian oằn mình vác gạch, xúc cát, trộn hồ, cô và những người nữ phụ hồ như cô lại tựa lưng nghỉ mệt đôi chút, nghe cái mùi đặc trưng của xi-măng, cát sạn, lại quý cái nghề đã cho mình cơm ăn, áo mặc, nuôi đám con nên người.

Cứ hết ngày này sang tháng khác, công việc phụ hồ của tụi cô chẳng bao giờ cố định rõ ràng mốc thời gian, hễ chủ thầu gọi thì đi. Làm riết thành quen, bỏ không được”. Công việc phụ hồ luôn đòi hỏi sự siêng năng, nhanh nhạy và có sức khỏe. Vào mùa xây dựng (mùa nắng), nhiều lúc thiếu người, các cô, các chị đảm luôn một lúc hai việc tiếp gạch và xách vữa. Mới ngồi cùng chúng tôi kể vài ba câu chuyện, cô Thương lại tất tả vác những bao xi-măng nặng 50 ký lên lầu ba cho thợ xây, bất kể cái nắng chang chang đến rát da thịt đúng khoảng giờ người ta ngồi sum vầy bên bữa cơm trưa.

Cũng như cô Thương gắn với cái nghề nặng nhọc này, cô Nguyễn Thị Hạnh (54 tuổi, trú quận Ngũ Hành Sơn) cũng hóm hỉnh: “Ai cũng hỏi: Điên chi đi làm phụ hồ cho cực thân! Nghề chi mà vừa nặng nhọc vừa nguy hiểm. Nhưng tôi thấy có chi đâu, vì miếng cơm manh áo thôi. Làm phụ hồ một tháng được 5-6 triệu đồng mới đủ mấy miệng ăn trong nhà, chớ không trình độ, lại lớn tuổi như tụi tui không làm phụ hồ chỉ có đi phụ quán ăn cho người ta thôi. Phụ quán ăn nhàn hơn chút nhưng thu nhập ít.

Vì miếng cơm là chính nhưng gắn bó cũng vì duyên nữa, chừ thì làm miết đến khi mô sức khỏe không cho phép nữa mới nghỉ”. Đến với nghề phụ hồ ở độ tuổi không còn trẻ (35 tuổi), cô Hạnh giờ thậm chí có thể xây, trát như thợ chính. Nói là thợ phụ, song những lúc chủ thầu thúc giục, chị sẵn sàng cầm bàn xoa, bay để nhảy lên giàn và thao tác như một người thợ thực thụ.

Xòe đôi bàn tay chai sạn, nham nhở những vết nứt vàng bủng vì vôi vữa, chị bảo, từ hồi làm phụ hồ, chị “gắn bó” luôn với bệnh ngứa kinh niên. Mỗi ngày, xi-măng bám vào da thịt khiến tay chân lúc nào cũng trắng nhờ nhờ, ngứa ngáy không chịu được. Chị và những đồng nghiệp khác phải dùng sữa tắm dược liệu mới đỡ. “Thực ra chừ tôi không đi làm “trối chết” như hồi xưa để nuôi con nữa. Ba đứa con giờ đã lớn hết rồi, có gia đình riêng rồi. Chúng cũng không cho mẹ đi làm phụ hồ đâu nhưng tôi còn sức khỏe, làm được ngày nào thì làm để không phụ thuộc vào con cái”, chị Hạnh trải lòng.

Công việc nặng nhọc, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nhưng không ngăn được nụ cười trên môi cô gái trẻ này. 					                                                Ảnh: Q.TR
Công việc nặng nhọc, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nhưng không ngăn được nụ cười trên môi cô gái trẻ này. Ảnh: Q.TR

2. Dưới chân cầu Thuận Phước có một số công trình cao tầng đang xây dựng. Nhìn lên giàn xây cao gần 20m, không khó nhận thấy vài “bóng hồng” đầu đội nón, mặt trùm kín mít đang vác bê-tông, buộc dây kẽm... Giữa ngổn ngang công trình, tiếng cười giòn tan của họ như làm dịu bớt sự khô cằn nơi đây. Xách theo 2 thùng nhựa đựng cơm và thức ăn, “chị nuôi” Hà Thị Hằng (23 tuổi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) bước đi phăng phăng giữa cái nắng gay gắt.

Chị bảo, 11 giờ trưa rồi, phải khẩn trương đem cơm lên cho đội thợ ở tận tầng 15. Vừa đi chị vừa tâm sự, chị cùng chồng vào đây nhận khoán một phần công trình cho tòa nhà này. Đội của nhà chị có 10 thợ, trong đó 8 thợ chính và 2 nữ thợ phụ. “Mình chỉ nấu cơm xách lên thôi mà đã vã cả mồ hôi. Các cô ấy xách hồ, vác bê-tông leo lên mấy tầng rồi trộn bê-tông, ngồi trên tầng cao chót vót cột kẽm. Thật, chỉ có chị em nào không sợ độ cao, sức khỏe tốt, quen nghề mới dám đảm đương”, chị Hằng nói.

Trong “đội quân” nữ phụ hồ ở công trình này có không ít các cô gái ở tuổi đôi mươi. Nguyễn Thùy Anh (23 tuổi, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) được xem là “bóng hồng” trẻ tuổi và xinh đẹp nhất. 23 tuổi, nhưng Thùy Anh có thâm niên làm phụ hồ 3 năm.

Em đi cùng người thân vào Đà Nẵng sau khi kết thúc một công trình ở Hà Nội. Nhìn đôi bàn tay thô ráp, da tróc, móng tay ố vàng mới thấy hết sự đánh đổi của cô gái trẻ. Thùy Anh kể, học xong cấp 3, em ở nhà ra vào ruộng vườn với mẹ cha vài tháng thì được mấy phụ hồ cùng quê giới thiệu việc nên em chuyển sang nghề này.

Làm phụ hồ tuy vất vả, nặng nhọc nhưng số tiền kiếm được mỗi ngày bằng bố mẹ ở quê làm cả tháng. Vì làm nghề với mục đích mưu sinh nên em tranh thủ nhận làm ngày làm đêm (làm đêm lương cao hơn làm ngày). Mệt nhọc với họ cũng không đáng kể, cực nhất là điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Chị Hằng cho biết, mỗi lán trại ở đây khoảng 30m2 nhưng có đến 20-30 người ở. Đàn ông và phụ nữ ở lẫn lộn nhau. Với đàn ông, việc sinh hoạt như vậy vốn đã bất tiện; với các chị, điều kiện vệ sinh, ngủ nghỉ càng khó đủ đường. “Ở chung nhưng nữ tụi em có thêm tấm ri-đô bằng ni-lông chắn ngang nữa”, Thùy Anh nhanh nhảu nói để trả lời cho sự ái ngại của tôi.

Nhọc nhằn là thế nhưng trong câu chuyện nghề của mình, các cô, các chị vẫn không thể giấu tinh thần lạc quan long lanh qua đôi mắt. Chiều lại, thong dong trên cầu Thuận Phước, rẽ xuống những công trình đang dang dở này, mọi người có thể dễ dàng bắt gặp tiếng cười ríu rít của các cô gái tan ca, tiếng xoong nồi, bát đĩa lách cách, cả tiếng í ới được tắm trước, tắm sau…

“Đà Nẵng đẹp quá chị ạ. Mỗi đêm không tăng ca, em và các chị cùng quê đi dạo trên cầu rồi qua thành phố. Chỉ ngắm thôi chứ tụi em chưa dám vào quán xá nào cả. Mong là hết công trình này, chủ thầu lại nhận tiếp một công trình ở đây nữa để tụi em được ở lại. Biết đâu lại có chồng, sinh con ở đây phải không chị”, Thùy Anh bẽn lẽn.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.