May mắn thoát chết sau tai nạn giao thông, những nạn nhân từng đối mặt giữa lằn ranh sống chết, giờ đang miệt mài với hành trình hồi phục bằng những giọt mồ hôi xen lẫn nước mắt. Và trên hành trình “sống lại” của họ không thể thiếu sự đỡ đần, chăm sóc tận tâm, tận lực của người thân.
Sự chăm sóc tận lực của người thân giúp các nạn nhân tìm lại được sự sống. |
Vất vả kéo dài
Bữa cơm trưa của các bệnh nhân phòng 301, khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng một ngày đầu tháng 9 bỗng vỡ òa trong tiếng cười hạnh phúc. Trong lúc mọi người đang soạn sửa cho bữa ăn thì ông Ngô Phước Hải (trú thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) hét lớn: “Thằng H. nó nhìn thấy tôi rồi mọi người ơi!”.
Như để chứng minh lời nói của mình, ông chạy tới cuối phòng, cầm tay ông Minh đang chăm vợ bị tai biến, kéo đến bên giường bệnh của H. Rồi ông lại quay sang khoe với bà Ngân ở giường bên đang chăm chồng bị tai nạn lao động nằm bất động. Giọng ông vẫn run run. Mọi người đổ hết ánh nhìn về ông, trong chốc lát chuyển hướng về giường H. đang nằm, lao xao những lời chúc mừng, động viên dành cho người đàn ông khắc khổ.
Hơn một năm trước, H. chỉ là cái xác không hồn khi bác sĩ tiên lượng tỉ lệ tử vong lên đến 98%. H. làm nghề lái xe taxi tại Đà Nẵng. Trong một lần chạy xe máy về quê ở thị trấn Lăng Cô thì bị tai nạn khi cách nhà chỉ còn 500m. Vụ tai nạn khiến H. bị chấn thương sọ não, gãy xương đùi, xương vai.
Ông Hải đưa con vào Bệnh viện Đà Nẵng với suy nghĩ “còn nước còn tát”. Sau 82 ngày nằm mê man ở khoa Hồi sức cấp cứu, các bác sĩ chuyển H. sang khoa Ngoại thần kinh, rồi khoa Bỏng tạo hình điều trị thêm 25 ngày nữa. “Khi thấy có dấu hiệu của sự sống, họ (bác sĩ – P.V) chuyển sang Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng. Tính đến hôm nay đã được 9 tháng 20 ngày”, ông Hải nhẩm tính.
Vợ mất hơn 4 năm trước, thân gà trống nuôi con ở tuổi ngoài 50 đối với ông không hề đơn giản, nhất là khi có biến cố xảy ra. Ngày H. gặp nạn, ông bỏ hẳn nghề thợ xây đã theo gót mình hơn 30 năm qua, cắt một nửa mảnh vườn đang ở bán lấy 200 triệu đồng để cứu lấy con. Sau hơn một năm, hai bố con ăn nằm ở bệnh viện, số tiền mang theo cũng đã cạn kiệt, niềm hạnh phúc duy nhất của ông Hải chính là ánh mắt H. đã có thể nhìn theo mọi động tác, cử chỉ của mình.
Đến bữa ăn, ông Hải lại mua cháo xay nhuyễn, bơm vào ống tiêm loại lớn rồi đổ vào miệng con. “Từ nay chắc sẽ đỡ hơn nhiều vì mắt con đã biết phản xạ với mọi thứ trước mặt. Bác sĩ bảo đó là dấu hiệu phục hồi của thần kinh. Bữa ăn cũng sẽ dễ dàng hơn nhiều, mình chỉ há miệng là con có thể bắt chước theo”, ông kể.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương, khoa Phục hồi chức năng, số bệnh nhân đến điều trị do tai nạn giao thông luôn chiếm số lượng lớn nhất, đặc biệt là người trẻ. “Tùy thuộc vào mức độ tổn thương mà hành trình điều trị, phục hồi cũng sẽ hoàn toàn khác nhau, nhưng tựu trung đây là một hành trình vất vả, kéo dài”, bác sĩ Phương cho biết.
Bệnh nhân ở đây người thì mất tay, kẻ mất chân hoặc chấn thương sọ não. Họ tuy may mắn hơn rất nhiều những nạn nhân vĩnh viễn không một lần tỉnh dậy, nhưng đổi lại, hành trình đối mặt với hậu quả do biến chứng thì khó khăn, vất vả hơn cả những giây phút họ từng được sống trong cuộc đời này. Chính vì vậy, mỗi bệnh nhân một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều chung một quyết tâm, đó là tìm lại chính mình trong quá khứ.
Trên hành trình khó nhọc luôn có sự động viên, hỗ trợ của những người cùng cảnh. |
Niềm vui bé mọn
Hơn 8 năm làm việc tại Phòng Vật lý trị liệu với vai trò kỹ thuật viên hỗ trợ các bệnh nhân, anh Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ, điều tuyệt vời nhất diễn ra ở đây đó là tình cảm gắn bó, hỗ trợ giữa những người bệnh, người nhà. Họ nhìn thấy ở nhau những khó khăn, bất hạnh sẽ phải đối mặt phía trước. Trong cơn hoạn nạn, đôi khi chỉ một ánh nhìn cảm thông, một lời động viên của người bên cạnh đủ làm họ quên đi mọi cơn đau; con đường phía trước vì thế cũng bớt gập ghềnh.
Sau 11 tháng “tạm trú” tại bệnh viện, tinh thần của anh Nguyễn Duy L. (trú phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) không còn chán nản, bi lụy như trước. Mục tiêu anh đặt ra thật đơn giản: 10 ngón tay có thể cử động được để cầm điện thoại trò chuyện với con! Anh L. vốn là thợ lắp đặt, sửa chữa điều hòa.
Trong một lần đi làm về, chỉ vì tránh nhóm học sinh đang nô đùa trên đường, anh phanh gấp và tự té ngã. Cú chấn thương tủy khiến toàn thân bên dưới anh bị liệt, hai tay cử động yếu. Ngày anh nhập viện, chị Nhung, vợ anh mới mang thai đứa con thứ 2 được 4 tuần.
“Thằng cu giờ đã được 3 tháng tuổi, rất giống bố. Nhờ ông trời thương nên ăn ngoan, ngủ ngon”, chị Xuân - chị gái anh L. khoe. Những tháng ngày ở bệnh viện, người ta thấy anh L. có mặt phần lớn ở phòng vật lý trị liệu. Các kỹ thuật viên hỗ trợ, hướng dẫn anh bài tập vận động về tay và chân. Mải mê, quyết tâm đến quên nghỉ, tưởng có lúc anh kiệt sức bên bàn tập do phổi bị dập trong lần tai nạn vẫn chưa hoàn toàn bình phục.
Các kỹ thuật viên, người nhà phải khuyên nhủ, động viên anh tập luyện chừng mực hơn. Trời không phụ lòng người, sau thời gian dài chịu đựng đau đớn, lắm lúc cũng bực bội, tuyệt vọng, đến nay hai chân của anh đã bắt đầu có cảm giác, hai cánh tay đã cử động được. “Hy vọng từ nay đến Tết, 10 ngón tay có thể cử động được, có thể tự bưng cơm ăn, tự rót nước uống, hoặc ít ra là có thể chủ động cầm điện thoại gọi về mỗi khi nhớ con, vì chắc chắn hành trình điều trị và tập luyện sẽ còn kéo dài lắm”, anh L. nói.
Cuộc trò chuyện tạm ngưng khi tiếng hét hò, vỗ tay làm huyên náo một góc nhỏ phía cuối phòng tập. Hôm nay là một ngày đặc biệt đối với Trần Văn K. (trú xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Sau 10 tháng nhập viện và quyết tâm điều trị, K. đã có thể tự… nhấc chân trái của mình ra khỏi chiếc xe lăn! Vốn là tài xế xe tải hạng nặng, làm việc tại Vũng Tàu, K. rơi vào hôn mê sâu sau một lần bị tai nạn do chạy xe máy đến công ty nhận đơn hàng cho chuyến đi tiếp theo. Kẻ gây tai nạn bỏ chạy, người ta tìm thấy K. bê bết máu, nằm bất tỉnh trên vỉa hè ở đoạn đường dẫn vào công ty.
Ông Trần Văn Quyền năm nay tuổi ngoài 60 đã cố nén cơn đau xương khớp của tuổi già để tập trung lo cho con. Tuổi cao, sức yếu, ông chỉ có thể đẩy con trên chiếc xe lăn từ phòng bệnh đến phòng tập. Những người chăm nuôi khỏe mạnh hơn phụ ông bồng bế K. lên xuống xe lăn, lên giường tập. “Hạnh phúc giờ đây đơn giản như thế, chỉ là một dấu hiệu hồi phục, dù rất nhỏ và khó khăn nhưng cho mình nhiều động lực lắm. Ngày đôi chân em có chút cảm giác, mọi người xúm vào chúc mừng, mỗi người nhéo một cái vào chân, đau nhưng đó là cái đau hạnh phúc”, anh L. kể khi nhìn về nơi nụ cười mệt nhọc vẫn chưa tắt trên môi K…
Cuối ngày, ngước nhìn mây đen ùn ùn kéo đến che kín trời chiều, ông Hải buột miệng đầy lo lắng: “Nếu chiều nay trời mưa thì không thể bế nó đi chơi được”. Cứ 7-10 ngày, ông lại thuê taxi chở hai bố con ra bãi biển Phạm Văn Đồng dạo chơi. Ông bảo rằng, từ nhỏ đến giờ H. rất thích vẫy vùng dưới nước, tuổi thơ H. lớn lên tại bãi biển Lăng Cô quê hương ông. Vì thế, dù khó khăn, túng thiếu, ông vẫn cố gắng dành dụm, bớt chi tiêu mỗi thứ một ít để cố gắng đưa con ra biển. Nhìn dòng người nô đùa bên sóng nước, ánh mắt của H. sẽ linh hoạt, bớt vô hồn hơn, biết đâu...
PHAN CHUNG