Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để các nhóm lợi ích "làm phép" đối với tài sản công

.

Sáng 8-1, tại Hà Nội, Bộ Tài Chính tổ chức hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018. Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Miên chủ trì điểm cầu Đà Nẵng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP

Xây dựng chính sách chưa theo kịp thực tiễn

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích của ngành tài chính trong năm qua. Song, Thủ tướng cho rằng, trách nhiệm của ngành rất nặng nề, cần khắc phục những bất cập, hạn chế trong thời gian tới. 

Theo đó, Bộ Tài chính không chỉ là bộ quản lý tiền bạc, mà chính sách, công cụ tài chính phải thúc đẩy sự phát triển, chống tham nhũng, lãng phí. Thực trạng, chính sách tài chính, nhất là chính sách thuế thay đổi quá nhanh và quá nhiều, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp (DN). 

Vì vậy, nhiều DN bị mắc lỗi khi được thanh tra, kiểm tra thuế. Có DN lỗi nhiều, có DN lỗi ít. Có DN cố tình vi phạm, nhưng cũng có DN bị oan sai do sự thay đổi chính sách quá nhanh là lỗi từ phía cơ quan Nhà nước.

Theo Thủ tướng, những thay đổi nhanh như thế chứng tỏ việc xây dựng chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội; chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu sâu sắc thực tế đời sống, thiếu phản biện, lắng nghe. Chính sách thuế nói riêng và chính sách tài chính nói chung phải theo kịp sự phát triển kinh tế của đất nước, phải có sự ổn định tương đối dài (từ 5-10 năm).

Bên cạnh đó, chính sách thuế hiện vẫn tư duy theo quan điểm có lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước mà chưa hướng đến quan điểm bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Quyền lợi của người nộp thuế ít được quan tâm bảo vệ. Đây là vấn đề lớn mà toàn ngành thuế phải tập trung thảo luận.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bài toán cân đối NSNN chưa vững chắc, chưa khoa học. Những năm gần đây, năm nào các địa phương cũng đủng đỉnh vượt dự toán thu ngân sách sớm, còn ngân sách Trung ương thì “vắt chân lên cổ”, đến phút thứ 90 mới có thể nói là bảo đảm thu ngân sách Trung ương.

Thủ tướng cho rằng, công tác quản lý tài sản công đang có nhiều quan ngại, còn thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí còn để các nhóm lợi ích “làm phép” để hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công. Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, đặc biệt là chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công quốc gia.

Thủ tướng đề cập thực trạng cơ chế quản lý hóa đơn giá trị gia tăng hiện còn bất cập lớn trong quản lý thuế nói riêng, quản lý kinh tế nói chung. Vì vậy, cơ quan Công an đã khởi tố liên tục các vụ DN ở Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh mua bán hóa đơn bất hợp pháp, gây thiệt hại cho nền kinh tế hàng nghìn tỷ đồng, cho thấy lỗ hổng rất lớn về chính sách thiếu cơ sở kiểm soát hiệu quả, dẫn đến làm méo mó môi trường kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh, thất thu ngân sách, mất cán bộ… 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tập trung xử lý ngay vấn đề này, nhanh chóng áp dụng hóa đơn điện tử, kết hợp với cơ chế khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công tác quản lý tài sản công đang có nhiều quan ngại, còn thất thoát, lãng phí lớn. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công tác quản lý tài sản công đang có nhiều quan ngại, còn thất thoát, lãng phí lớn. Ảnh: VGP

Cán bộ ngành tài chính nói không với phong bì

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong ngành tài chính vẫn đáng lo ngại, ví dụ như hải quan vẫn còn tình trạng tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, cán bộ thuế “đi đêm” với DN.

Điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, chi phí “bôi trơn” của DN cho công chức thanh tra, kiểm tra vẫn còn lớn. Một bộ phận cán bộ ngành tài chính còn nhũng nhiễu, thờ ơ với sự sống còn của DN, chưa nghiên cứu tạo điều kiện cho DN và người dân.

Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính cần có biện pháp mạnh mẽ để dẹp bỏ ngay tình trạng này và đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào “DN nói không với chi phí bôi trơn”, đồng thời yêu cầu ngành tài chính đưa ra thông điệp “cán bộ ngành tài chính nói không với phong bì”.

Đi liền với đó là kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành cán bộ công chức hư hỏng. Toàn ngành tài chính phải chú ý công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong toàn ngành theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và công tác cán bộ triển khai minh bạch, chủ động, tránh tình trạng “nóng đâu phủi đó”.

Năm 2017, Đà Nẵng thu ngân sách 23.541,9 tỷ đồng

Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên cho biết, năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội và sản xuất kinh doanh tăng trưởng khá, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch đề ra; tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước đạt 58.597 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2016. 

Tổng thu NSNN (thực hiện đến ngày 31-12-2017) là 23.541,9 tỷ đồng, đạt 112,6% dự toán HĐND thành phố giao (đạt 112,9% dự toán Trung ương giao); trong đó, thu nội địa đạt 20.094 tỷ đồng, đạt 111,1% dự toán HĐND thành phố giao (đạt 111,3% dự toán Trung ương giao). Tổng chi ngân sách địa phương 16.857,8 tỷ đồng; trong đó, chi đầu tư phát triển 6.202,2 tỷ đồng, đạt 94,84% dự toán; chi thường xuyên 6.683,2 tỷ đồng, đạt 99,5% dự toán.

Thay mặt thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên gửi đến Thủ tướng Chính phủ một số kiến nghị: cần đẩy mạnh áp dụng một số giải pháp nhằm chống thất thu thuế, đơn cử như áp dụng hóa đơn điện tử, chống thất thu ở lĩnh vực bất động sản; vấn đề nợ đất tái định cư; về nguồn thu cổ phần hóa của các đơn vị sự nghiệp sau khi chuyển sang công ty cổ phần. 

UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép địa phương được quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập để có nguồn vốn bổ sung, tham gia góp vốn thực hiện tăng vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu phát triển của các DN.

Đối với việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư, tại Thông tư số 132/2017/TT-BTC ngày 15-12-2017 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2018, có quy định về sử dụng nguồn cải cách tiền lương: 

“Đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình, không đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ, thì được phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật”. 

Theo quy định như trên, thành phố Đà Nẵng kiến nghị có được phép tự quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật không, hay thành phố phải chờ ý kiến của Bộ Tài chính thống nhất trước khi thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cải cách hành chính về thuế đã tiến một bước rất dài, chỉ số nộp thuế theo xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) đã tăng mấy chục bậc và đứng thứ 4 ở ASEAN. Vì vậy, người dân và doanh nghiệp (DN) hưởng lợi hàng trăm nghìn tỷ đồng. 

“Tuy nhiên, ngành tài chính không được say sưa với thành công này mà chúng ta phải tận dụng cách mạng công nghệ 4.0 để đẩy nhanh hơn nữa điện tử hóa tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành như cấp mã số thuế điện tử, các thủ tục trước bạ ô-tô, nhà đất đều điện tử…, tiếp đến kiểm tra điện tử, thanh tra điện tử. 

Phải làm cho người dân và DN hưởng lợi nhiều hơn nữa quá trình cải cách hành chính về thuế tiến đến ngang bằng các nước OECD, chứ không chỉ dừng lại ở chuẩn mực khu vực ASEAN”, Thủ tướng nói. 

KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.
.