Tám năm hoạt động của Đặc khu ủy Quảng Đà (1967-1975) cũng là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Cùng với lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà, Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà mưu trí, sáng tạo, không quản ngại hy sinh để góp phần làm nên những chiến công vang dội trên chiến trường Quảng Đà.
Những người đồng đội, đồng chí của Đặc khu ủy Quảng Đà gặp nhau nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng. |
43 năm sau Ngày giải phóng Đà Nẵng, gặp lại những đồng chí, đồng đội của mình, nhớ lại những ngày tháng khốc liệt mà anh dũng, ông Nguyễn Đình An, nguyên Ủy viên Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà, xúc động:
“Trên chiến trường, các đồng chí cán bộ Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà luôn xông xáo, có mặt ở phía trước, không ngại gian lao, không sợ hy sinh”. Ông Nguyễn Đình An nói như vậy bởi ông không thể nào quên được trong suốt 8 năm hoạt động, chiến đấu, nhiều lãnh đạo Đặc khu ủy và hàng trăm cán bộ, nhân viên các cơ quan, ban, ngành đã anh dũng hy sinh, 15 đồng chí bị thương.
Đặc biệt, 10 cán bộ, nhân viên của Ban Tuyên huấn bị bom B52 đánh sập hang đá là nơi ở và làm việc ở dốc Cây Khế, dưới chân Mặt Rạng vào sáng 22-5-1972. “Trước tình hình đó, biến đau thương thành hành động cách mạng, trong muôn vàn gian khổ, Đặc khu ủy Quảng Đà đã vững vàng, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các cuộc tiến công chiến lược, quyết định nhiều chủ trương quan trọng, hợp đồng chặt chẽ với các cánh quân chủ lực giải phóng các huyện phía tây của tỉnh Quảng Nam, tạo thế gọng kìm để hoàn thành chiến dịch giải phóng thành phố Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975”, ông Nguyễn Đình An tự hào.
Xúc động khi nhớ lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông Nguyễn Đình An kể: “Lúc bấy giờ, các đồng chí cán bộ Ban Tuyên huấn gấp rút làm tin, ra báo, phát thanh, truyền đơn... Đặc biệt, chúng tôi trau chuốt cẩn thận 2 số báo Tết với nhiều thông tin kêu gọi nhân dân sẵn sàng chiến đấu với nội dung “Hãy nổi bão táp lên đi, hỡi Đà Nẵng”.
Sau đó, khi lực lượng của ta đang chống địch phản kích ở Gò Nổi, chúng tôi lại nhận được bài thơ “Đà Nẵng gọi ta” của nhà thơ Thu Bồn. Tức tốc, ngay trong đêm, anh em in ngay bài thơ này rồi mang đến các đơn vị”.
Ông Hồ Duy Lệ, cán bộ Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà nhớ lại: Hồi đó, đi một chuyến công tác ít nhất một tháng, có khi 2 tháng mới về lại cơ quan nếu không bị hy sinh. Nhiều cán bộ của Ban Tuyên huấn Quảng Đà đi công tác nhưng hy sinh, trở thành liệt sĩ như anh Hồ Hiến, người Điện Tiến, tập kết về, anh Phan Quýt tập kết về, ở Tiểu ban Giáo dục, anh Trần Mậu Tý người Duy Xuyên lại là giáo viên dạy ở Quế Sơn, thoát ly lên chiến khu, ở Tiểu ban Tuyên truyền, phóng viên Dương Tấn Nhường người quận Ba Đà Nẵng, tập kết về, ở Báo Cờ Giải phóng Quảng Đà.
“Cán bộ, phóng viên đi và về đều phải bám theo giao liên. Đến nơi công tác thì phải liên hệ với cán bộ xã để được bố trí chỗ ở, thường ở trong nhà dân, ăn với dân, nếu nơi đó còn dân, không có dân thì bám theo du kích để có cái ăn và nhất là có hầm bí mật khi có địch càn có chỗ rúc. Giới thiệu là phóng viên, là cán bộ Tuyên huấn thì đến đâu cũng được tiếp nhận một cách vui vẻ, không có chuyện từ chối với lý do không có chỗ ở, không có hầm bí mật”, ông Lệ kể.
Theo ông Hồ Duy Lệ, công tác tư tưởng lúc bấy giờ là phải làm cho dân không sợ Mỹ; làm cho cán bộ, chiến sĩ tìm Mỹ mà đánh; phấn đấu vượt qua gian khổ, sẵn sàng hy sinh; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định lập trường đánh Mỹ để mong có hòa bình, giành lấy độc lập, tự do.
Sau những năm dài chiến tranh khốc liệt, hưởng hạnh phúc của hòa bình, điều đáng mừng là những người còn sống sót, dù phải đối diện với hoàn cảnh nào của hiện tại, tất cả luôn kiên định lập trường từ cái thuở ban đầu mình dấn thân và tất cả đều tự hào về những ngày hôm qua của mình.
Nhắc lại những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng ấy, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Trần Thận khẳng định, Đặc khu ủy Quảng Đà rất coi trọng mặt trận đấu tranh chính trị, tư tưởng. Trong kháng chiến chống Mỹ nói chung, Ban Tuyên huấn đã hoạt động một cách rất hiệu quả.
Đường lối, quan điểm Đảng đề ra, quyết tâm từ Trung ương, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã đến từng người dân, từng chiến sĩ. Điều đó trở thành ý chí, quyết tâm chiến đấu trên mọi mặt trận, tạo nên khối đại đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trở thành ưu thế tuyệt đối về chính trị - tinh thần dân tộc Việt Nam trước kẻ thù.
“Có thể nói, từ những thắng lợi trên mặt trận đấu tranh chính trị, tư tưởng, cách mạng có thêm bước đà thuận lợi, góp phần không nhỏ giành lại độc lập dân tộc, giải phóng đất nước”, ông Trần Thận khẳng định.
Bài và ảnh: TRÂM ANH